Đông Bắc Ga là khu đô thị đẹp bậc nhất của thành phố Thanh Hóa,
nhưng tiếc rằng tại đây có gia đình vẫn tùy tiện thay cũ lập mới số nhà theo ý thích.
Lỗi tại đâu? Tại dân cư không chấp hành, tùy tiện trong ứng xử, cũng còn bởi lực lượng chức năng quản lý đô thị vẫn chưa làm hết trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm.
Đi trên một số tuyến phố dễ nhận ra những tấm biển hiệu bong tróc, treo không đúng vị trí. Dẫu vậy, đó vẫn là những biển hiệu do chính quyền làm ra theo một mẫu thống nhất.
Bây giờ trào lưu dùng con số phong thủy không chỉ khiến nhiều người mụ mị theo những cách tính con số của người phương Bắc với những số gắn liền với trực, cung lộc… Thế nên có những nhà biển số rơi vào cung không tốt, chủ nhà đã tự ý thay thế số nhà mình bằng số khác, hoặc lấy số nhà hàng xóm rồi tự đặt vào đó thêm chữ A hay chữ B sau số nhà. Đồng nghĩa với việc làm này khiến kiểu dáng biển số nhà cũng khác. Thậm chí nó còn được làm to hơn để tạo sự vượt trội nhằm mục đích đón lộc theo cách giải thích của một số chủ nhà.
Việc đánh số nhà tuân theo thứ từ số bé đến số lớn và theo quy định bên chẵn, bên lẻ. Mỗi một số nhà ra đời đều gắn với một quyết định về việc ban hành và công nhận vị trí số nhà trên tuyến phố của Chủ tịch UBND thành phố.
Việc thực hiện treo số nhà và chấp hành nguyên tắc thứ tự số nhà cũng chính là việc tôn trọng pháp luật, thể hiện nét văn hóa của cư dân đô thị văn minh.
Tiếc rằng, nguyên tắc, nét văn hóa ấy đang bị không ít cư dân ở thành phố Thanh Hóa xem thường.
Họ tùy tiện bỏ số nhà cũ thay bằng số nhà mới chỉ bởi một sự mụ mị về niềm tin, sự ngẫu hứng nhất thời, không chỉ tạo ra sự lộn xộn về trật tự mỹ quan, còn gây khó khăn lâu dài trong việc quản lý hành chính đô thị.
Thay cũ, lập mới số nhà mà không được phép của cấp có thẩm quyền, không chỉ là sự vi phạm pháp luật, còn thể hiện tư tưởng tiểu nông trong đầu cư dân đô thị, cần phải sớm loại bỏ để đảm bảo cho việc xây dựng thành công một đô thị văn minh với những công dân thân thiện.
Anh Vũ