Hãy luôn biết lo lắng để có những gia đình hạnh phúc như thế này
(Ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)
Những bản án ly hôn đau lòng chỉ sau một thời gian ngắn chung sống.
Thậm chí nhiều người đã lên ông, lên bà, vẫn buộc lòng đưa nhau ra tòa để giải thoát khỏi sự lệ thuộc vào tờ giấy đăng ký kết hôn.
Cuộc sống hiện đại với nhiều thứ phải lo, cả nhiều thứ được hưởng, khiến sợi dây ràng buộc gia đình trở nên mong manh, tạm bợ hơn bất cứ lúc nào.
Năm nào cũng thế, cứ dịp tháng 6, nhìn những tấm băng rôn trên phố, nghe thông tin trên đài, nhiều người mới giật mình nhớ đến có một ngày gia đình Việt Nam, để rồi chợt thảng thốt với chiếc “tổ ấm” đang lãnh lẽo.
Nhưng cũng chỉ có thế!
Cuộc sống với những đua tranh danh vọng, đòi hỏi vật chất tầm thường khiến nhiều người bị cuốn vào “vòng xoáy”.
“Bữa cơm gia đình” - một điều rất bình thường, nhưng đã trở nên khác thường, khi nó được cơ quan chức năng chọn để làm chủ đề cho ngày gia đình Việt Nam năm 2015. Và, kỷ niệm 15 năm ngày gia đình Việt Nam vào 28/6/2016, vẫn là bữa cơm ấy, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chọn chủ đề là “Bữa cơm ấm áp yêu thương”.
Bữa cơm với một nửa của mình, với những đứa con, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm, cũng là tình cảm, vậy thì vì sao lại phải khuyến cáo?
Một thống kê mới đây cho thấy, ở nhiều đô thị của Việt Nam có đến từ 30 - 40% gia đình lâm vào cảnh “cơm hàng, cháo chợ”. Họ phải tiếp đối tác. Phải nhậu nhẹt với bạn bè. Nhiều người phải đi ăn trưa với đồng nghiệp, rồi ngủ trưa cùng nhau, dù nhà ở cách không quá xa nơi làm việc.
Từ lâu, mỗi gia đình đã được xác định là một “pháo đài” của xã hội. Khi mà cuộc sống gia đình ở nhiều nơi đang trở nên gấp gáp và thực dụng hơn, đã khiến cho “pháo đài lớn” - đó là xã hội ít nhiều lung lay.
Mỗi dịp kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam thường đi kèm là các hoạt động giao lưu, những hội thi, và nhiều tốn kém khác. Nhiều nguời tham gia vào những hoạt động này chỉ bởi những tờ giấy mời ngoại giao, sự vận động của khu dân cư, các tổ chức… Xong hội thi người ta không còn nhớ mình đã nói điều gì, làm việc gì. Những lời nói rất hay, việc làm ý nghĩa trên diễn đàn được chuẩn bị kỳ công, nhưng chỉ lưu lại phút chốc.
Những “bữa cơm gia đình”, cả những hội thi mang tên rất hay như “Bốn mùa yêu thương”, “Tổ ấm gia đình Việt”, được cơ quan chức năng kỳ công nghĩ ra, tốn kém để tổ chức, trong chừng mực nào đó mới chỉ là một cuộc chơi có tính nhất thời. Nó chưa thể làm thay đổi được nhận thức của nhiều gia đình, nhất là với những cư dân đô thị.
Chỉ khi nào người ta chờ đợi để tham gia vào những sự kiện bằng một sự tự nguyện, háo hức, mới hy vọng vào một sự thay đổi về lối sống.
Mà điều đó thì không thể là câu chuyện ngày một, ngày hai; và cũng không thể chỉ bằng lời kêu gọi, sự khuyến cáo…
Anh Vũ