Thứ sáu, ngày 29/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Đồng hành cùng trẻ em trên môi trường mạng (27/03/2019-19:13)
    Trước sự bùng nổ của Internet, việc trẻ em sớm được tiếp cận với thế giới mạng là điều khó tránh khỏi. Vậy phải làm sao để Internet trở thành công cụ học tập, giải trí tích cực với trẻ đang là câu hỏi lớn không chỉ với các bậc phụ huynh, mà còn của cả xã hội…
Trẻ em cần được phụ huynh đồng hành trên môi trường mạng.

Phụ huynh đóng vai trò quan trọng định hướng cho trẻ

Môi trường mạng có nhiều lợi ích đối với người dùng, nhưng cũng có những rủi ro tiềm ẩn. Trẻ em có thể gặp phải những rủi ro như bị theo dõi hoặc đánh cắp thông tin cá nhân; bị bắt nạt, bôi xấu, rình rập; gặp người lạ, bị lợi dụng, xâm hại; tiếp nhận những thông tin sai lệch, những lời khuyên sai trái, phi đạo đức... Càng ngày, các rủi ro càng đa dạng, không thể lường hết và không chừa một ai.

Trong một cuộc thảo luận do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) tổ chức, 20 đại diện trẻ em và thanh thiếu niên đã cùng thảo luận và đưa ra 4 vấn đề chính liên quan đến việc tham gia môi trường mạng của chính các em bao gồm: Xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; việc kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ trên mạng xã hội chưa hiệu quả; kỹ năng hướng dẫn sử dụng mạng xã hội của bố mẹ và hiểu biết, kỹ năng tự bảo vệ trên môi trường mạng của trẻ em còn hạn chế.

Và trong hầu hết các giải pháp cho 4 nhóm vấn đề chính nêu trên, các em đều có mong muốn được cha mẹ, thầy cô hướng dẫn cách sử dụng Internet nói chung và sử dụng mạng xã hội nói riêng. Tuy nhiên, để hướng dẫn được con cái sử dụng mạng, chính các bậc cha mẹ cũng cần học cách sử dụng mạng an toàn.

Em Nhật Mai, học sinh lớp 9 chia sẻ: “Em chỉ sử dụng mạng xã hội Facebook và thường chia sẻ những vấn đề mà em gặp phải trên mạng với bố nhiều hơn là với mẹ bởi vì bố em hiểu về công nghệ, về mạng xã hội nhiều hơn”.

Sau khi được tham gia một hội thảo về nhận biết sự nhiễu loạn thông tin trên Internet, em Nguyễn Đức Ân (12 tuổi) chia sẻ: “Em sợ! Em nhận ra rằng có rất nhiều nguồn tin trên mạng và sợ sẽ chia sẻ những thông tin sai, không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến bạn bè và những người xung quanh. Để khắc phục được những rủi ro từ tin giả, em sẽ hỏi cô giáo hay hỏi ông của em về những thông tin mà em thấy ở trên mạng”.

Rõ ràng, với trẻ em, Internet ẩn chứa nhiều rủi ro, nguy hiểm và các em thực sự có mong muốn, nhu cầu được phụ huynh đồng hành trong quá trình khám phá thế giới số.

Nỗ lực đa bên để bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng

Bên cạnh vai trò của gia đình, nhiều em học sinh khi được hỏi cũng nêu những gợi ý cụ thể để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng như: Các tổ chức xã hội tổ chức đối thoại về chủ đề thế giới số; đưa các chương trình dạy về an toàn trên môi trường mạng vào trong trường học; các quy định cụ thể liên quan đến chế tài, phương pháp xử phạt đối với các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; … hay phương pháp sáng tạo: Làm các clip mô phỏng những rủi ro trên mạng, cách phòng tránh…

Đồng hành cùng trẻ em trên môi trường mạng
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD chia sẻ về việc đồng hành, bảo vệ trẻ
em trên môi trường mạng.

Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD, đồng hành và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là công việc, trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, bao gồm, cơ quan quản lý Nhà nước; các tổ chức xã hội và công tác xã hội; gia đình và nhà trường; doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông. Bà Linh đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của các bên liên quan trong việc giáo dục và đồng hành với thanh thiếu nhi, “không phải là kiểm soát, cấm đoán mà tin tưởng, học hỏi từ thanh thiếu nhi, trao quyền cho các em để các em “làm chủ công nghệ, là các công dân số chuẩn, sử dụng mạng xã hội an toàn, thông minh và có các trải nghiệm tuyệt vời”.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em khẳng định, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về bảo vệ quyền con người, bảo vệ trẻ em và đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm thiết lập các “lá chắn” vững chắc để bảo vệ trẻ em khi tham gia vào môi trường mạng. Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Báo chí năm 2016 và gần đây nhất là Luật An ninh mạng năm 2018 đều có các quy định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09-5-2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em dành hẳn một chương riêng (Chương IV) quy định trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Việc thiết lập Mạng lưới các tổ chức bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là rất cần thiết để kết nối và huy động nguồn lực từ các tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và thông tin, truyền thông trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các rủi ro và nguy cơ bị xâm hại khi tham gia vào môi trường mạng.

Trẻ em khi bắt đầu sử dụng Internet là đã bắt đầu trở thành một công dân số thực thụ, tiếp cận với cả lợi ích và rủi ro trên mạng như bất kỳ một công dân nào. Thông tin trên mạng rất đa dạng, là các công dân số, các em cần có kiến thức và kỹ năng để phân biệt đánh giá nguồn thông tin, tư duy logic để có các quyết định phù hợp. Hy vọng rằng, với sự đồng hành sâu sát không chỉ của các bậc phụ huynh mà còn của cả nhà trường, xã hội, trẻ em sẽ tiếp thu được những lợi ích từ Internet, hạn chế tối đa những rủi ro thế giới mạng có thể mang lại.

Theo BĂNG CHÂU/Báo QĐND

 

Các tin khác:
  • “Kiên quyết làm trong sạch đội ngũ thì dân càng tin, ủng hộ Đảng” (26/03/2019-7:39)
  • Những khoản thưởng, phạt kỳ lạ ở Việt Nam: Sẽ đi vào sách Guinness thế giới? (26/03/2019-7:36)
  • Tà thuyết và sự mê lầm niềm tin (23/03/2019-16:36)
  • Không tiếc những ai phai nhạt lý tưởng, không còn thiết tha với Đảng (23/03/2019-16:34)
  • Nữ phóng viên mê làm từ thiện (21/03/2019-10:44)
  • Ngăn “tranh thủ” bầu bán, giảm dần cấp phó (19/03/2019-8:40)
  • Phật ở đâu? (12/03/2019-21:38)
  • Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khóa XIII: Bước đi thận trọng, bài bản (11/03/2019-15:38)
  • Tìm lời giải cho những tồn tại trong đầu tư giáo dục đào tạo nước ta (07/03/2019-13:12)
  • Ngại va chạm, người tiêu dùng thiệt thòi (05/03/2019-10:44)