Thứ sáu, ngày 29/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Thực thi nghiêm pháp luật sẽ hạn chế việc lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi (02/04/2019-11:06)
    Ngay sau tình trạng lạm dụng dâng sao giải hạn ở nhiều nơi vào dịp đầu năm khiến dư luận bức xúc thì mới đây, chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh) tiếp tục gây chấn động dư luận với việc truyền bá “vong báo oán” để trục lợi. Vì sao những nghi lễ được khẳng định không phải là của Phật giáo lại bị lợi dụng ngay chốn thiền môn? Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng lợi dụng niềm tin tín ngưỡng để trục lợi?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Chúng tôi đã có buổi trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, câu chuyện mê tín, lợi dụng mê tín để trục lợi chốn thiền môn là vấn đề gây bức xúc dư luận đã lâu. Dưới góc độ của nhà nghiên cứu văn hóa, theo ông, vì sao lại có những hiện tượng này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Có nhiều lý do để giải thích. Trước hết, chúng ta hiểu rằng, tôn giáo phản ánh xã hội. Những gì đang diễn ra đối với tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng đang phản ánh những gì đang xảy ra đối với xã hội chúng ta. Ở đây, chúng ta phải thừa nhận, nhu cầu tâm linh là có thật.

Nhu cầu tâm linh xuất hiện để giải thoát con người khỏi những khủng hoảng tâm lý, những ẩn ức, bức xúc gặp phải trong cuộc sống. Những vấn đề này xuất hiện từ nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan, từ bối cảnh xã hội lẫn lý do cá nhân. Nhưng nhìn chung, chúng ta có thể thấy một số lý do như sau: Sự phát triển kinh tế của đất nước trong khoảng 20 năm qua đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên cũng có những mặt trái của nó. Sự tôn vinh giá trị vật chất, đồng tiền đã khiến cho nhiều người coi trọng các giá trị này và đặt nó lên trên các giá trị tinh thần, tình cảm.

Quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa khiến con người hướng đến cá nhân mình nhiều hơn. Yêu bản thân mình không có lỗi, nhưng vì bản thân mà quên đi lợi ích của cộng đồng, chà đạp lên các giá trị cộng đồng thì lại là một điều không nên.

Truyền thông đại chúng phát triển mạnh mẽ đem đến cho mọi người cơ hội tiếp cận thế giới. Nhưng khi không kiểm soát hết được thông tin, con người dễ bị lạc lõng giữa một bể thông tin hỗn loạn, không có khả năng chọn lọc thì dẫn đến những rối loạn hành vi.

Luật pháp cũng đang trên con đường hoàn thiện để phù hợp với những chuyển đổi của xã hội nhưng vẫn không thể điều tiết hết các hành vi ứng xử của con người, dẫn đến việc xử lý chưa nghiêm, hoặc nhiều hiện tượng vi phạm pháp luật không bị xử lý hay việc xử lý không thuyết phục được người dân.

Phật giáo, trong quá trình phát triển của mình, lại tích hợp những yếu tố tín ngưỡng, tâm linh của người Việt Nam, chứa đựng những yếu tố phù hợp với nhu cầu người dân trong xã hội hiện tại nên họ thường tìm đến. Các chùa cũng hướng đến tạo điều kiện để thỏa mãn những nhu cầu này của người dân khiến cho hoạt động lợi dụng chùa chiền để kinh doanh tâm linh trở nên nhộn nhịp như hiện nay.

Phóng viên: Văn bản của Giáo hội Phật giáo về cúng sao giải hạn cũng khẳng định đây không phải nghi lễ Phật giáo mà là do Lão giáo hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên. Tuy nhiên, chính từ các nghi lễ này nảy sinh, xuất hiện nhiều vụ việc tai tiếng gần đây, thưa ông…

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Thực ra, ý kiến nào cũng có lý do hợp lý. Triết lý của đạo Phật hướng đến vô thần, từ bi và thoát tục, vì vậy, chuyện đốt vàng mã, dâng sao giải hạn hay thỉnh vong đều không thể tồn tại trong thực hành giáo lý đạo Phật. Câu chuyện này đã được nhiều vị Hòa thượng giải thích cụ thể.

Tuy nhiên, đạo Phật vào Việt Nam có đôi chút khác biệt khi được phát triển trên nền tảng tín ngưỡng dân gian. Vì thế, nếu chúng ta để ý một chút, chúng ta sẽ thấy trong/cạnh các ngôi chùa miền Bắc và miền Trung, ngoài thờ Phật, còn thờ Thánh và Mẫu. Đây là lý do tại sao nhiều người viện dẫn “Tam giáo đồng nguyên” để giải thích cho nhiều hiện tượng không thuộc Phật giáo nhưng vẫn diễn ra ở chùa.

Bản thân tôi cho rằng, văn hóa (ở đây tôn giáo là một lĩnh vực của văn hóa) luôn có sự tiếp biến, thay đổi cho phù hợp với từng xã hội và thời đại lịch sử nên khi xem xét các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh, tôn giáo cần thận trọng.

Ở đây, chúng ta cùng nhất trí nhận định: Nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân là có thật; luật pháp bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; các chùa tổ chức các hoạt động cũng là thỏa mãn phục vụ nhu cầu của nhân dân trong khuôn khổ giáo lý Phật giáo và phù hợp với điều kiện cụ thể của Phật giáo Việt Nam. Vấn đề khiến chúng ta lên án gần đây là hiện tượng núp bóng Phật giáo để trục lợi kiếm tiền từ hoạt động tâm linh của người dân.

Phóng viên: Cụ thể như nghi lễ thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Trong lịch sử, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước như Nhật Bản và Trung Quốc, khi Phật giáo đến các nước có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên này, để tồn tại và thu hút sự tham gia của người dân, nhiều nhà sư đã “trợ giúp” người dân trong các nghi lễ liên quan đến thờ cúng vong hồn. Đây là một hình thức bản địa hóa Phật giáo.

Nhiều chùa miền Bắc và miền Trung có hiện tượng gửi vong trong chùa. Đây là hiện tượng đã xuất hiện từ lâu, không phải là điều gì mới mẻ. Sau khi người thân mất, nhiều gia đình gửi vong (hương linh) ở chùa. Các vong (hương linh) này được hưởng lộc của nhà chùa và do người thân dâng cúng trong những kỳ dịp nhất định.

 Người dân tin rằng, nhờ gần gũi Tam bảo, được nghe kinh kệ, nên các vong (hương linh) biết tu tập và không làm điều ác, nhờ đó dễ chuyển hóa và sinh vào cảnh giới an lành.  Cúng vong ở chùa, vì vậy, có thể được xem như một hình thức Việt Nam hóa Phật giáo ở một mức độ nào đó.

Tuy nhiên, từ cúng vong chuyển thành thỉnh vong và “làm kinh tế” qua hoạt động đó lại là chuyện khác, đáng lên án. Bản thân Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã nói rõ: "Chỉ có con người mới làm chủ việc chuyển hóa nghiệp, tu là chuyển nghiệp và giải nghiệp, không hề có chuyện thỉnh, nhờ ai đó giải nghiệp. Giải nghiệp chỉ có thể nhờ vào tu thân, tích đức".

Phóng viên: Sau mỗi vụ việc gây bức xúc trong dư luận nhân dân, nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan đều sốt sắng nhập cuộc, nhưng hiện tượng mê tín dị đoan, lợi dụng mê tín để trục lợi chưa giảm. Theo ông, cần có những giải pháp nào để giải quyết vấn đề này hiệu quả hơn?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta đã làm và có rất nhiều quy định, biện pháp để hạn chế các hiện tượng lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi. Tuy đã có những chuyển biến nhất định nhưng còn có rất nhiều hiện tượng khiến chúng ta phải lo lắng. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này nhưng tôi chỉ xin đề xuất một số ý kiến như sau: Thứ nhất liên quan đến nhận thức chưa đúng của người dân, có nghĩa là người dân không hiểu họ đang làm sai, từ đó khiến họ bị lợi dụng. Điều này có nghĩa việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân của chúng ta có vấn đề.

Trên thực tế, chúng ta có khá nhiều văn bản hành chính để điều chỉnh hành vi của người dân ở nơi công cộng hay cả chốn tâm linh. Nhưng có lẽ, các nội dung của các quy định văn hóa ứng xử này không đến được với người dân. Như vậy, khâu truyền thông của chúng ta có vấn đề, do thông điệp không rõ ràng, không dễ hiểu và các cơ quan báo chí có thể chưa làm hết trách nhiệm; ngoài ra còn có quá nhiều “nhiễu” ngoài xã hội khiến cho thông điệp không đến được người nhận.

Vì vậy, giải pháp cho việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân ở đây là tập trung tạo ra những thông điệp ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, tạo ra những kênh truyền thông hấp dẫn, xây dựng những chương trình giải trí thu hút sự quan tâm của người dân đối với những vấn đề liên quan đến ứng xử trong gia đình, nhà trường, ngoài xã hội, nơi công sở, địa điểm công cộng và khi đi du lịch…

Thứ hai liên quan đến việc người dân biết nhưng vẫn thực hiện những hành vi mê tín dị đoan, có 2 lý do: Không có quy định rõ ràng, không có chế tài cụ thể và quy định rõ ràng, chế tài cụ thể nhưng quá nhiều người vi phạm nên họ sẽ cứ vi phạm. Vấn đề của chúng ta là khâu thực thi các văn bản quy phạm pháp luật (chứ không hẳn là do thiếu luật, thiếu các qui định). Theo tôi xử lý nghiêm và nêu gương làm mẫu của chính cơ quan văn hóa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có tác động lan tỏa đến toàn xã hội trong việc bài trừ mê tín dị đoan và lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi.

Nói tóm lại, tuyên truyền và thực thi các quy định pháp luật là hai vấn đề nổi cộm nhất trong việc hạn chế hiện tượng mê tín dị đoan và lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi. Để khắc phục tình trạng đó, chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương, các tổ chức xã hội và các cơ quan truyền thông. Sự đồng lòng của toàn xã hội sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực đối với các hiện tượng này.

Phóng viên: Ông có cho rằng, việc có nhiều ngôi chùa lớn được công nhận kỷ lục trong nước và khu vực là biểu hiện của phát triển tôn giáo, xã hội?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Xây dựng chùa chiền, trong đó có những ngôi chùa lớn không có lỗi gì cả. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Mỗi một thời đại cũng cần có những công trình tôn giáo thể hiện dấu ấn phát triển của giai đoạn đó. Việc xây dựng chùa, hay các công trình tôn giáo khác là một việc làm thể hiện sự phát triển tôn giáo trong giai đoạn hiện nay.

Đồng thời, đây cũng là việc làm giúp người dân quan tâm nhiều hơn đến tôn giáo. Chúng ta cũng nhận thấy, trong các tôn giáo có nhiều giá trị giúp con người hướng thiện, xây dựng nên những giá trị đạo đức phù hợp với việc phát triển xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước ta.

Nhưng nếu lợi dụng xây dựng chùa, các công trình tôn giáo để kinh doanh, chiếm đất, rửa tiền, kiếm lợi cho một số, một nhóm người nào đó, làm biến tướng những giá trị tốt đẹp thì là điều mà xã hội đang lên án!

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Nguyễn (thực hiện)/Báo Công an Nhân dân

 

Các tin khác:
  • Cảnh giác với những lời lẽ lu loa, tâm địa đen tối (02/04/2019-11:05)
  • Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa ứng xử (29/03/2019-15:22)
  • Nhà chùa nên đẩy mạnh giảng dạy Phật pháp, không sa đà vào cúng bái (27/03/2019-19:15)
  • Đồng hành cùng trẻ em trên môi trường mạng (27/03/2019-19:13)
  • “Kiên quyết làm trong sạch đội ngũ thì dân càng tin, ủng hộ Đảng” (26/03/2019-7:39)
  • Những khoản thưởng, phạt kỳ lạ ở Việt Nam: Sẽ đi vào sách Guinness thế giới? (26/03/2019-7:36)
  • Tà thuyết và sự mê lầm niềm tin (23/03/2019-16:36)
  • Không tiếc những ai phai nhạt lý tưởng, không còn thiết tha với Đảng (23/03/2019-16:34)
  • Nữ phóng viên mê làm từ thiện (21/03/2019-10:44)
  • Ngăn “tranh thủ” bầu bán, giảm dần cấp phó (19/03/2019-8:40)