Thứ sáu, ngày 29/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Khôn ngoan "đá đáp" người ngoài… (08/04/2019-11:13)
    Khi những doanh nghiệp Việt gặp khó khăn hay mất mát ở nước ngoài, họ rất cần sự chia sẻ từ đồng bào, cả ở trong nước và sở tại. Thế nhưng, khi Nhật Bản ra lệnh thu hồi 18.168 chai tương ớt nhập khẩu Chin-su của Masan, người dân đây đó lại tỏ ra hoan hỉ, có phải hơi phũ phàng, bất nhẫn?
Sản phẩm Tương ớt Chin-su của Công ty Masan bán trong siêu thị - Ảnh: Thanhnien

1. Ngày 2/4/2019,  trang thông tin của thành phố Osaka (www.city.osaka.lg.jp) đã đăng tải thông tin Trung tâm Y tế cộng đồng TP. Osaka, Nhật Bản đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam, do có chứa chất phụ gia bị cấm dùng trong sản xuất tương ớt.

Thông tin trên rất ít được biết đến tại Việt Nam, cho tới khi báo chí đăng tải xác nhận của Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sáng 6/4/2019.

Theo đó, những chai tương ớt Chin-su của Công ty Masan bị thu hồi do chứa phụ gia thực phẩm (axit benzoic, axit sorbic... ) chưa được kiểm định sử dụng tại Nhật Bản, vi phạm điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm.

Theo trang này, ngày 8/3, cán bộ giám sát an toàn thực phẩm của Cục Y tế và phúc lợi TP. Tokyo tiến hành kiểm tra sản phẩm tương ớt nhãn Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam của Tập đoàn Javis (trụ sở tại Higashi-ku, Osaka, Nhật Bản) vì nghi ngờ vi phạm đạo luật Vệ sinh thực phẩm và đạo luật Nhãn thực phẩm.

Giám đốc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka đã ra lệnh cho nhà nhập khẩu thu hồi toàn bộ sản phẩm sau khi xác định lô hàng tương ớt nhập khẩu ngày 7/12/2018 từ Việt Nam có chứa chất cấm phụ gia axit benzoic.

Theo kết quả phân tích của Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo thuộc Viện Nghiên cứu công nghệ thực phẩm Tokyo, hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật Bản lần lượt 0,41g/kg với các chai có hạn dùng 10/6/2019, 0,44g/kg với hạn dùng 17/6/2019 và 0,45g/kg với hạn dùng 6/7/2019.

Tương ớt nhãn Chin-su bị Nhật Bản cấm cửa vì chứa axit benzoic có nguy cơ gây ung thư.

 

Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo lượng axit benzoic được phép tiêu thụ hằng ngày không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người là 5mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày.

Nhưng ở Nhật Bản, axit benzoic có trong Chin-su bị cấm.

2. Thông tin tương ớt Chin-su của Công ty Masan bị cơ quan y tế Nhật Bản ra lệnh thu hồi đã được chia sẻ tại Việt Nam như vũ bão.

Đáng chú ý, axit benzoic dù bị Nhật Bản cấm sử dụng, nhưng tại Việt Nam nó được cho phép. Theo Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng axit benzoic tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt.

Về sự nguy hại, theo các chuyên gia, khi axit benzoic vào cơ thể với hàm lượng nhiều, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic để giải độc. Ngoài ra, axit benzoic có thể tác động hệ hô hấp và hệ thần kinh, gây kích ứng mắt.

Hơn nữa, từ đầu những năm 1900, người ta đã chứng minh axit benzoic và muối benzoate khi gặp vitamin C có trong thực phẩm sẽ tạo thành phản ứng sinh ra benzene - là chất gây ung thư, bị khuyến cáo tránh hấp thu qua đường thở, hoặc đường ăn uống.

Lúc này, người Việt lại tự hỏi: Sao hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su xuất sang Nhật dao động từ 0,41g/kg đến 0,45g/kg là dưới ngưỡng, nhưng Nhật Bản vẫn cấm?

Nước mắm, gia vị truyền thống lép vế trước thực phẩm công nghiệp - Ảnh minh họa: PLO.

 

Đáng chú ý, báo chí cũng vừa đăng tải lý giải của Masan về việc bị Nhật Bản thu hồi sản phẩm, rằng nhiều khả năng lô tương ớt Chin-su bị thu hồi là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, có ghi rõ “dành riêng cho thị trường Việt Nam", không dành cho xuất khẩu… Có thể hiểu rằng, sản phẩm có chứa chất phụ gia có thể gây ung thư trong trong tương ớt Chin-su là chỉ "dành riêng" cho người Việt, còn người Nhật thì không.

Việc nhà sản xuất làm sản phẩm tốt hơn cho xuất khẩu (ở chỗ không chứa axit benzoic) mà để mặc nguy cơ với đồng bào trong nước là một sự thật có quá đắng cay, chua xót?

3. Cần biết rằng, năm 2018, Masan ghi nhận doanh thu hơn 38 ngàn tỷ đồng, đã đóng thuế và tạo ra không ít việc làm, lại biết hướng tới xuất khẩu... Một doanh nghiệp lớn "gốc Việt", khi vấp váp nơi xứ người tại sao lại không nhận được nhiều sự chia sẻ?

Có thể do hành trình "bình thiên hạ" của Masan và con đường thành tỷ phú đô la của ông Nguyễn Đăng Quang dù nhiều cam go, nhưng "liêu trai" không ít. Và song song với sự vươn mình ấy, hàng loạt nhãn nước mắm, gia vị truyền thống Việt đã, hoặc có nguy cơ bị đẩy vào vực thẳm.

Thực tế là, 14 năm trước, nước tương truyền thống Việt Nam đã ngã gục, bởi một cách thức bị hoài nghi là "truyền thông bẩn" và thành "mốt" sau này.

Đó là vào tháng 7/2015, các tờ báo đăng tin một tổ chức ở Bỉ cáo buộc nước tương Chin-su chứa 3-MCPD, sau đó là chiến dịch truyền thông rầm rộ về nguy cơ chất này gây ung thư. Kết quả, nước tương truyền thống và công nghiệp đều được đưa đi thử nghiệm, rồi ra kết quả: Chin-su không chứa chất 3-MCPD, trong khi... đại đa số nhãn nước tương truyền thống thì… vượt ngưỡng. Nước tương truyền thống Việt đã "chết" tức tưởi như thế.

Nước mắm làm từ cá và muốn bị "đánh đồng" với nước chấm phụ gia - Ảnh minh họa: TTO.

 

Sau nước tương, lại tới nước mắm khốn khổ.

Vào tháng 10/2016, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, một cách "tự phát" đã mang cả trăm mẫu mắm đi kiểm nghiệm. Kết quả là nước mắm truyền thống có chỉ số asen vượt ngưỡng. Tuy nhiên, họ lờ đi chuyện asen trong mắm truyền thống là asen hữu cơ, vô hại. Truyền thông lại rầm rộ thạch tín - asen độc hại, chết người,... và quảng cáo mắm công nghiệp.

Lần này, nước mắm truyền thống đã chưa "chết" như nước tương năm xưa, nhờ sự lên tiếng mạnh mẽ của chính họ và cộng đồng có lương tri, trách nhiệm.

Nhưng tới đầu 2019, chỉ hơn 2 năm tạm gọi là "yên ổn", sóng gió lại nổi lên.

Đó là việc dự Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm"chỉ phân 2 loại là nước mắm nguyên chất và nước mắm. Trong khi thị trường chỉ có nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp - còn gọi là nước chấm (?!).

Dự thảo cũng yêu cầu kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật,… trong khi nguyên liệu làm mắm ở Phú Quốc là cá cơm đánh bắt từ biển; Quy định phải loại bỏ cá nguyên liệu đã phân hủy mạnh,… trong khi làm mắm sử dụng cá không tươi là bình thường, trừ nước mắm Phú Quốc ướp muối ngay trên tàu;… (!?).

Trong thời đại 4.0 bùng nổ và thức tỉnh về thông tin, người tiêu dùng đã đủ tỉnh táo, đủ công cụ để giải cứu mắm truyền thống trước nguy cơ bị "cắt cổ"?

Từ sự việc 18.168 chai tương ớt bị "cấm cửa", thì thà một lần đau, cơ quan chức năng cần yêu cầu, bản thân các nhà sản xuất cần tự giác công bố mọi nguy cơ của hóa chất bảo quản,… hay cấm hẳn như người Nhật đã làm.

Còn với mọi doanh nghiệp Việt, cần thấm thía bài học "mưu sâu họa càng sâu".

Và đỉnh cao, đẳng cấp, nên thể hiện ở việc "đá đáp" người ngoài ra sao, chứ đừng nên liệt những bé nhỏ, đáng thương trong nhà ra mà truy bức, tìm diệt.

 

Theo Đoàn Kiên Giang/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Thực thi nghiêm pháp luật sẽ hạn chế việc lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi (02/04/2019-11:06)
  • Cảnh giác với những lời lẽ lu loa, tâm địa đen tối (02/04/2019-11:05)
  • Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa ứng xử (29/03/2019-15:22)
  • Nhà chùa nên đẩy mạnh giảng dạy Phật pháp, không sa đà vào cúng bái (27/03/2019-19:15)
  • Đồng hành cùng trẻ em trên môi trường mạng (27/03/2019-19:13)
  • “Kiên quyết làm trong sạch đội ngũ thì dân càng tin, ủng hộ Đảng” (26/03/2019-7:39)
  • Những khoản thưởng, phạt kỳ lạ ở Việt Nam: Sẽ đi vào sách Guinness thế giới? (26/03/2019-7:36)
  • Tà thuyết và sự mê lầm niềm tin (23/03/2019-16:36)
  • Không tiếc những ai phai nhạt lý tưởng, không còn thiết tha với Đảng (23/03/2019-16:34)
  • Nữ phóng viên mê làm từ thiện (21/03/2019-10:44)