Một số phương tiện truyền thông phương Tây đã sử dụng “không gian ảo”trên Internet để vu cáo và bịa đặt về tình hình báo chí Việt Nam, đồng thời chỉ trích “Việt Nam vi phạm nhân quyền”, nhằm chia rẽ nội bộ, gây rối loạn xã hội.
Trong bối cảnh đó, báo chí cần phải thể hiện rõ bản lĩnh, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, xây dựng môi trường truyền thông lành mạnh, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Từ những thông tin “rác” trong kỷ nguyên số
Nếu tính trong năm 1995, thế giới mới chỉ có 154 tờ báo điện tử, đến nay đã có hàng trăm triệu website, blog cá nhân khác nhau, hằng ngày, hằng giờ thu hút vài tỷ lượt người xem và trao đổi thông tin.
Khi bàn về nội dung thông tin trên Internet nói chung và báo chí nói riêng, không ít ý kiến cho rằng, thông tin trên báo chí, nhất là các báo mạng hiện nay khá vụn vặt, tùy tiện, nhiều thông tin thiếu chính xác, không chọn lọc, đôi lúc còn suy diễn chủ quan, làm lệch lạc nội dung và bản chất sự việc...Một trong những nguyên nhân quan trọng là nhận thức và trình độ văn hóa của người viết. Không chỉ liên quan đến bản thân nhà báo, mà ngay cả các cơ quan báo chí cũng chịu nhiều áp lực đè nặng lên vai như lượng phát hành, tỷ lệ rating, lượng view thậm chí ngay cả nguồn thu từ quảng cáo. Chính vì vậy, một bộ phận phóng viên phải kiêm cả việc “chạy” quảng cáo, tác nghiệp thiếu chuyên nghiệp, nhiều thông tin vì động cơ không trong sáng, dễ dãi trong khâu biên tập, lơi lỏng và cẩu thả khi đưa tin trên mạng…Đó chính là điều kiện để nhiều tin “hổ lốn” thậm chí là “tin rác” trà trộn với những thông tin chính thống, làm vẩn đục môi trường báo chí truyền thông.
Cảnh giác trước những thông tin thiếu thiện chí
Với sự phát triển nhanh chóng của các trang mạng xã hội, không ít thông tin sai sự thật được trà trộn trong các bài viết thiếu thiện chí của các thế lực phản động, nhằm công kích, nói xấu chế độ, làm giảm sút niềm tin của công chúng. Thời gian qua, một số cơ quan truyền thông nước ngoài lợi dụng Internet liên tục phát tán một số bài viết không tích cực về Việt Nam, thậm chí có “nhà đài” còn đăng tải một bài viết đầy khẩu khí, với những chiêu trò cũ rích, gây kích động, bôi nhọ báo chí Việt Nam, với tiêu đề “Nỗi hổ thẹn của báo chí Nhà nước”. Mặc dù một số cơ quan truyền thông đó có chú thích ở phía dưới bài viết, đây chỉ là quan điểm của tác giả, không phản ánh quan điểm hay lập trường của chính phủ họ, song trong thực tế, những hãng truyền thông này đã cố tình chọn đăng những bài mang tính chất xuyên tạc và gây kích động về tình hình báo chí của Việt Nam.
Sở dĩ một vài phương tiện truyền thông nước ngoài có những suy diễn thiếu thiện chí, phát ngôn gây kích động một phần là do một số trang mạng của Việt Nam non kém về chính trị, bộp chộp trong cách giật tít, khai thác chủ đề... vô hình trung “nối giáo cho giặc”, trực tiếp tham gia vào quá trình truyền thông cho các thế lực thù địch và ngày càng để mất đi ưu thế chủ lưu trong dòng chảy thông tin trước các mạng xã hội. Điều đáng nói là, một số tờ báo điện tử có nhiều người đọc đã quá dễ dãi trong việc đưa tin với các chủ đề cướp, hiếp, giết hoặc 4 T (tiền, tình, tù, tội), thậm chí cả 3S (sex, sốc, sến). Trong khi đó, một số người muốn quan tâm thực sự tới tình hình của đất nước, xã hội không còn cách nào khác đành phải tham gia vào các diễn đàn mạng xã hội – đây là hình thức đặt niềm tin “ăn, thua” rất nguy hiểm trong mớ hổ lốn thông tin ngồn ngộn trên mạng Internet, khó phân biệt thực hư, đúng sai! Còn nhớ, cách đây hơn 4 năm vào tháng 4/2012, trong đợt chính quyền tỉnh Hưng Yên tiến hành hỗ trợ thi công bàn giao một phần mặt bằng dự án Ecopark cho Nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng, trên một số trang mạng của Việt Nam phát đi thông điệp Chủ tịch Hội đồng quản trị của nhà đầu tư này là con gái của một vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, khiến dư luận vô cùng bất bình. Sau khi kiểm chứng, cơ quan chức năng phát hiện đây là một sự nhầm lẫn cơ bản về hai công ty có cùng tên là Việt Hưng. Mặc dù đã được đính chính, nhưng mức độ lan tỏa của thông tin quá khủng khiếp, gây rúng động trong xã hội, tạo cơ hội cho các thế lực ra sức chống phá và suy diễn. Rõ ràng, trước những thông tin đó, báo chí truyền thông phải hết sức tỉnh táo, không được bộp chộp, sự cẩn trọng luôn là cần thiết, tránh được các hậu quả khó lường.
Chuyên nghiệp luôn là thước đo của thành công
Trước những thông tin hổ lốn trên mạng Internet, người cầm bút nói chung, nhà báo nói riêng cần “vượt qua chính mình”, nhận thức đúng mục tiêu của cách mạng Việt Nam, phân tích đúng bản chất của những hiện tượng tiêu cực trong xã hội và có liều lượng thông tin nhất định. Do vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, báo chí không nên né tránh những vấn đề mà người dân đang bức xúc, không “bôi đen” những thực tại còn ngổn ngang trong xã hội. Trong môi trường truyền thông đa chiều hiện nay, báo chí không nên vì quá coi trọng số lượng “view” hay “like” mà đưa quá nhiều những sự kiện vụn vặt, giật gân của “người nổi tiếng”, hình ảnh “nóng” của “hot girl” hay những điều gây bất ổn xã hội… mà cần có những bài viết định hướng để “nắn dòng” thông tin lệch lạc.
Có một thực tế rất đáng quan tâm là, sau khi nhiều vụ việc được báo chí chính thống phản ánh, ngay lập tức trên mạng xã hội, các blog cá nhân hoặc một số tài khoản facebook của các thế lực phản động lại tạo ra những bản tin thật-giả lẫn lộn. Ví dụ, như vụ việc thay thế cây xanh ở Hà Nội, ban đầu xuất phát từ những thông tin chính thức do báo chí trong nước đưa lên, phản ánh những bất cập của vụ việc. Tuy nhiên, các thế lực thù địch lợi dụng vào đó để tung tin rằng có “lợi ích nhóm”, có sự bảo kê, ăn chia, lại quả... rồi lèo lái sang những lĩnh vực khác với những suy diễn hết sức chủ quan. Cũng tại các diễn đàn trên mạng xã hội, các thế lực thù địch ra sức tung hứng, cổ súy lẫn nhau, cố tình lái dư luận vào tình trạng bán tín, bán nghi thậm chí gây hoang mang trong dư luận.
Nếu nhìn từ đời sống truyền thông hiện nay có thể thấy, các thế lực thù địch đang lợi dụng những “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng. Đối với các cơ quan báo chí chính thống khi đưa tin đều phải trải qua quá trình tiếp cận thực tế, kiểm định nguồn tin, biên tập kỹ lưỡng mới xuất bản. Quy trình đó mất khá nhiều thời gian, thậm chí, để bảo đảm tính xác thực của thông tin, vì lợi ích cộng đồng xã hội, của dân tộc, một số tờ báo có thể đưa tin chậm hơn về một vấn đề cụ thể nào đó. Ngay lập tức, một số blog, facebook phản động dựa vào đó ra sức bịa đặt, chế biến, nhào nặn, thậm chí thêu dệt thông tin khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng, tạo sự chú ý của dư luận... Đối mặt với những “khoảng trống thông tin” đó, nhà báo luôn phải tỉnh táo, không nên đăng tải các thông tin thu thập được, nhưng không được cơ quan báo chí sử dụng trên các mạng xã hội cá nhân của mình, bởi uy tín của cơ quan đang công tác có thể bị giảm, khi các quan điểm cá nhân của nhà báo được đưa lên các mạng xã hội.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi