Ảnh minh họa. Nguồn: VTC
Như vậy, cùng với các yếu tố đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ, yếu tố sáng tạo sẽ góp phần xây dựng, phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Thời gian qua, người ta hay nói nhiều đến nhân tài. Nhân tài thực chất là những người có trí thông minh sáng tạo nổi trội so với những người bình thường. Trí sáng tạo của con người vừa là động lực, vừa là bệ đỡ cho những phát kiến, phát minh, sáng kiến ra đời, góp phần làm thay đổi, hơn thế là tạo ra những bước đột phá phát triển cho mỗi lĩnh vực, ngành nghề nói riêng và tạo ra những bước ngoặt phát triển cho lịch sử xã hội loài người nói chung.Theo các nghiên cứu, con người có nhiều chỉ số, như: Chỉ số thông minh (IQ), chỉ số cảm xúc (EQ), chỉ số vượt khó (AQ), chỉ số đam mê (PQ), chỉ số đạo đức (MQ), trí thông minh sáng tạo (CQ)… Mỗi chỉ số đều có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần bảo đảm cho sự thành công của con người. Trong đó trí thông minh sáng tạo là một giá trị cốt lõi để phân biệt năng lực trí tuệ giữa người này với người khác.
Do đặc điểm, hoàn cảnh lịch sử, truyền thống văn hóa trọng cộng đồng làng xã ăn sâu vào tiềm thức, tâm lý người Việt, vì thế chúng ta chưa thực sự coi trọng cá tính sáng tạo của mỗi cá nhân. Thậm chí có lúc, có nơi để cho quan niệm “xấu đều hơn tốt lỏi”, “chết đống hơn sống mình” chi phối sâu vào nếp nghĩ, hành vi ứng xử nên vô tình triệt tiêu ý thức tìm tòi, động lực sáng tạo của cá nhân. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm thui chột động lực phát triển của cá nhân, qua đó ảnh hưởng đến sự phát triển của tập thể, cộng đồng. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục phổ thông ở nước ta duy trì quá lâu phương pháp dạy học trang bị kiến thức, thầy đọc-trò ghi, khiến việc khơi dậy tiềm năng, phát huy khả năng sáng tạo của người học còn nhiều hạn chế.
Trí thông minh sáng tạo của mỗi người thường mang tố chất bẩm sinh, nhưng khả năng sáng tạo trong mỗi tư duy con người đều có thể rèn luyện, “đánh thức” được nếu chúng ta biết cách khơi dậy, phát huy đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm và kiến tạo môi trường, cơ chế, chính sách thuận lợi để kích thích, khích lệ, thúc đẩy tiềm năng sáng tạo của con người thành hiện thực. Thành công của nhiều chương trình giáo dục tiên tiến ở các nước phát triển trên thế giới cho thấy, muốn quốc gia cường thịnh, cộng đồng dân tộc phát triển thì phải coi trọng khai thác tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi công dân.
Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra là bảo đảm cho học sinh đạt được ba năng lực cơ bản, gồm: Năng lực tự chủ và tự học; năng lực giao tiếp và hợp tác; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Như vậy, trên phương diện chính sách vĩ mô, ngành giáo dục đã đổi mới tư duy về mục tiêu giáo dục trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Vấn đề là ở chỗ, ngay từ bây giờ, mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo phải sớm thay đổi nhận thức, quyết liệt đổi mới phương pháp giáo dục, dạy học theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh. Việc giáo viên trang bị, cung cấp kiến thức cho học sinh tuy vẫn cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải tìm cách truyền cảm hứng vào ý chí, tình cảm, niềm tin để các em có thái độ học tập tích cực, say mê, biết suy nghĩ sáng tạo, biết phát huy ưu điểm, sở trường, thế mạnh của bản thân để giành kết quả cao nhất và có nhiều sáng kiến hữu ích phục vụ cộng đồng, xã hội, đất nước.
Theo báo Quân đội nhân dân