Thứ sáu, ngày 29/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Khi tin giả được trang bị thêm “đôi cánh” (02/08/2019-11:09)
    Nếu ví Facebook như một quốc gia thì đây là “quốc gia” đông dân nhất thế giới, có biên giới phẳng với khoảng 2,32 tỷ tài khoản hiện diện trên toàn cầu, do đó mức độ ảnh hưởng khi lan truyền tin giả trên thế giới ảo có thể tạo ra những tác động, hệ lụy nguy hại trong đời thật.
Facebook là “quốc gia” đông dân nhất thế giới

Dữ liệu cá nhân không còn riêng tư

Ngày 13/7, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) thông qua mức phạt 5 tỷ USD đối với Facebook, vì liên quan đến sự cố rò rỉ dữ liệu của người dùng. FTC đã tiến hành điều tra các cáo buộc Facebook chia sẻ trái phép thông tin của 87 triệu người dùng với công ty tư vấn Cambridge Analytica của Anh.

Công ty tư vấn Cambridge Analytica được Facebook cấp quyền sử dụng thông tin người dùng nhưng lại sử dụng sai mục đích, để xây dựng “đồ họa tâm lý” cho quảng cáo chính trị, tác động mạnh mẽ lên kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, tạo ra những quảng cáo hướng đích dành cho các chiến dịch ủng hộ Brexit,...

Bên cạnh đó, với công nghệ nhận diện khuôn mặt thông qua tính năng Tag, Facebook một lần nữa có nguy cơ đối mặt với một vụ kiện lớn, khi thu thập trái phép dữ liệu sinh trắc của người dùng thông qua tính năng nhận diện khuôn mặt trên mạng xã hội tại bang Illinois (Mỹ) nơi có những điều luật nghiêm ngặt bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Nhiều ý kiến cho rằng, Facebook nói riêng và các trang mạng xã hội nói chung giờ đây không còn là không gian riêng tư của mỗi người. Bên cạnh những mặt tích cực, Facebook đang trở thành “công cụ” đắc lực để một số nhóm người lợi dụng nhằm xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu, gièm pha, làm mất uy tín của cá nhân, doanh nghiệp, hay đối thủ cạnh tranh... mà nạn nhân có thể là bất kỳ ai trong xã hội kể cả khi bạn dùng hay không dùng Facebook.

Nạn nhân của dữ liệu lớn và trí thông minh nhân tạo

Tin giả đang là vấn đề khiến nhiều người, nhiều quốc gia phải “đau đầu”, trong tương lai, tin giả có thể được phát tán với mức độ nguy hiểm hơn nhờ vào sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data).

Giáo sư Maggie Farley, trợ giảng tại Trường Truyền thông của Đại học Hoa Kỳ chia sẻ, trong quá trình tiếp nhận thông tin, người dùng có xu hướng thích xem và tin những đoạn clip, video hơn tin tức và hình ảnh. Tuy nhiên hiện nay, người dùng đang gặp khó khăn trong việc phân biệt đâu là video giả (video fake), đâu là video thật, trong khi những đoạn video giả ngày càng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội.

Đoạn video phát biểu của Tổng thống Obama xuất hiện trên mạng xã hội năm 2017 được tạo ra bởi công nghệ Deepfake - video giả mạo dùng trí thông minh nhân tạo với khẩu hình miệng, biểu cảm và giọng nói giống nhân vật 100%, nhưng được lồng tiếng với nội dung theo ý muốn của người tạo video.

Để làm việc này, các chuyên gia đã thu thập hàng nghìn video của Tổng thống Obama trong một khoảng thời gian dài, phân tích, nhận biết khẩu hình rồi dùng công nghệ Deepfake dự đoán ông sẽ nói câu tiếp theo và lồng tiếng... Hiện nay, trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra bức ảnh chân dung của một nghi can khủng bố và lan truyền thông tin về vụ khủng bố lên mạng xã hội, dù thực tế tên khủng bố đó hoàn toàn không tồn tại, khiến cho nhiều người phải lo lắng.

Trong trường hợp này, nhiều người sẽ sử dụng công cụ tìm kiếm bằng hình ảnh của Google để tìm kiếm bức ảnh chân dung liên quan đến tin tức giả mạo, tuy nhiên bức ảnh này được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo và hoàn toàn không tồn tại nên Google cũng không thể xác định được nguồn gốc của bức ảnh cần xác định thông tin. Tương lai, video fake sẽ phát triển sau một thời gian, khi dữ liệu Big data đủ lớn và trí thông minh nhân tạo ngày một thông minh hơn, bất kỳ ai đều có thể trở thành nạn nhân của video fake.

Bên cạnh đó, những người tạo ra tin giả thường biết cách thu hút sự chú ý của người dùng, kích thích họ chia sẻ thông tin, tương tác sau đó tạo ra những vũ khí cảm xúc, đánh trúng tâm lý tò mò, hoang mang của người dùng. Ví dụ, những thông tin giật gân, bất ngờ; những trang web có tin giả - thật lẫn lộn... khi thông tin giả lan truyền khắp nơi gây ra nhiều hậu quả, thậm chí gây biến đổi cả xã hội.

Facebook nói riêng và các trang mạng xã hội nói chung giờ đây không còn là không gian riêng tư của mỗi người

Hạt nhân trong cuộc chiến chống tin giả

Sự vào cuộc của hàng loạt quốc gia trong cuộc chiến chống tin giả cho thấy, nguy cơ từ tin giả ngày càng trở nên phức tạp, nguy hiểm. Thực tế này không chỉ yêu cầu các quốc gia có thái độ nghiêm túc, hành động quyết liệt, có sự hợp tác trên quy mô toàn cầu, mà còn đòi hỏi trách nhiệm từ chính các cơ quan, đơn vị báo chí.

Người ta thường nói, báo chí thời 4.0 là thời kỳ của robot làm báo, thời đại của báo chí dữ liệu, nhưng nếu quá ỷ lại vào công nghệ con người sẽ bị dẫn dắt bởi tin giả, vì tin giả cũng được tạo ra bởi trí thông minh nhân tạo. Hiện nay, mạng xã hội Facebook đã áp dụng nhiều phần mềm phát hiện tin giả và đạt được một số thành công nhất định, tuy nhiên, xét đến cùng con người vẫn là hạt nhân trong cuộc chiến chống tin giả vì tất cả mọi chương trình đều do con người tạo ra.

Trong môi trường thông tin đa chiều như hiện nay, báo chí không chỉ làm nhiệm vụ phản ánh chân thực đời sống xã hội mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng thông tin tới công chúng, bác bỏ những tin đồn thất thiệt một cách nhanh chóng, đúng và kịp thời, giúp công chúng tìm ra đâu là sự thật, giải đáp thắc mắc, xua tan đi sự hoài nghi, định hướng dư luận.

Do đó, người làm báo phải luôn tỉnh táo khi tiếp nhận mọi thông tin, có sự kiểm chứng nhiều chiều, để làm được điều này, yêu cầu mỗi người làm báo luôn luôn cập nhật kiến thức, nâng cao nghiệp vụ và phải luôn đề cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Nếu thông tin đúng, nhà báo có thể biến dữ liệu thành sản phẩm báo chí. Nếu thông tin sai, nhà báo có nhiệm vụ phản bác, đấu tranh, cung cấp cho độc giả nội dung đúng để chống sự nhiễu loạn thông tin./.

Theo Tú Linh/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Tăng lương cán bộ, công chức: Chất lượng công việc có tăng? (01/08/2019-16:15)
  • Chuẩn bị nhân sự cấp ủy, tránh nâng người này, hạ người kia (30/07/2019-9:58)
  • Cán bộ nào sẽ từ chối và nộp lại “quà tặng”? (21/07/2019-13:56)
  • “Lưới” thanh tra “dày” mà vẫn “lọt” (17/07/2019-22:03)
  • Khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân (17/07/2019-22:01)
  • Chúng ta không thể im lặng trước các luận điệu sai lệch, xuyên tạc về an ninh mạng (11/07/2019-14:37)
  • Khi “bệnh vô cảm” vào kỳ thi năng khiếu báo chí... (11/07/2019-14:34)
  • Tham nhũng vặt làm mất lòng tin của dân với chính quyền (09/07/2019-11:22)
  • Thanh Hóa: Tăng cường bảo đảm ATGT nhằm giảm TNGT trên địa bàn tỉnh (09/07/2019-11:18)
  • Rộng cửa đón hàng Việt chất lượng tốt (08/07/2019-21:34)