Nhà báo Hồ Quang Lợi là một cây bút chính luận xuất sắc của báo
chí Việt Nam hiện đại (Ảnh: TL)
Trên 500 trang sách, với 56 bài báo được chia làm 5 phần, “Thời cuộc và văn hóa” của nhà báo Hồ Quang Lợi đã làm xao động muôn lòng độc giả ở giá trị văn hóa, giá trị hiện thực, giá trị nhân văn… “Chất văn hóa trong con người ấy bộc lộ ra từng con chữ và nó làm nên vẻ đẹp sang trọng của văn hóa ngôn ngữ nơi ông mô tả sự nóng bỏng và quyết liệt của thời cuộc” (Lời nhà xuất bản). Những giá trị ấy qua ngòi bút tài ba, kỹ lưỡng và đầy tâm huyết của ông được thể hiện thật xúc động và sâu sắc!
Hồ Quang Lợi không những có biệt tài quan sát, nắm bắt những nét rất bản chất cuộc sống mà còn nhìn nhận cuộc sống trong sự vận động đổi thay của thời gian và dự báo tài tình sự vận động đó. Với tầm nhìn rộng mở, hiểu biết sâu sắc, sự nhạy cảm, khả năng bao quát, nhận định, dự cảm đã giúp ông phân tích, chứng minh, đánh giá, luận bàn hết sức sắc sảo, có chiều sâu, có phong cách riêng làm bao người mong đợi!
Ở phần 1 của cuốn sách: “Trong lốc xoáy thế sự” qua cách đặt vấn đề, cách phản ánh, cách viết, cách đáng giá, luận bàn… hết sức chính xác, chân thực, công bằng và đúng đắn những vấn đề đang diễn ra, ông đã làm sống dậy trước mắt người đọc thân phận chìm nổi của những dân tộc và cũng là số phận khổ đau của những đất nước đang bị chiến tranh tàn phá. Vả chăng đó cũng là sự chìm nổi của người dân - kẻ thấp cổ bé họng trong gió bụi, trong cơn binh lửa, đổi thay đầy tang thương dâu bể của thời cuộc!
Chứng kiến những diễn biến xảy ra khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô lần lượt sụp đổ, tạo nên “cơn chấn động” chính trị lớn nhất trong lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, (sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết được Tổng thống Nga Putin gọi là “Thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ”), các chiến lược gia và chính khách của chủ nghĩa tư bản đều hoan hỉ ăn mừng, rằng đây là hồi chuông báo tử và chủ nghĩa xã hội bị diệt vong (?!) - nơi các quốc gia trong vòng xoáy rối loạn, nơi chính trị ở đây biến động dữ dội, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là chính sách hai mặt về dân chủ, nhân quyền, “cách mạng nhung” cùng với sự can thiệp dân sự, quân sự, chính trị của Mỹ và Phương Tây nhằm xóa bỏ những chế độ không còn phù hợp với lợi ích của họ. “Nhưng thực tiễn đời sống chính trị - xã hội ở Đông Âu và Liên Xô cũ không chịu diễn ra theo đúng đề án của các nhà dân chủ mới… Tòa lâu đài dân chủ hào nhoáng vừa được dựng lên té ra lại là một ngôi nhà trống rỗng. Thất nghiệp, đói khát, bất công xã hội, tội ác, những điều vốn xa lạ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa còn nhiều khuyết tật nay bỗng trở thành sự ám ảnh thường ngày trong cuộc sống của họ…” (tr.16).
Những bài báo của Hồ Quang Lợi như những tiếng gọi cất lên từ đáy thẳm trái tim, gợi về nỗi đau, niềm cảm thương cháy bỏng đến mức gần như không thể kìm nén! Đứng trước sự bất công, sự đổ nát, sự chết chóc tang thương trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh, trong cuộc chiến “chống khủng bố” do Mỹ phát động làm đất nước Apganixtan tan nát, hay cuộc không kích kéo dài 78 ngày đêm của Natô hủy diệt đất nước Nam Tư… ông nhận ra sự đáng sợ của chiến tranh, bom đạn, nhận ra sự mong manh cuộc sống ở đây. Khi đưa ra những ý kiến luận bàn, ông luôn xoay quanh sự bi ai về thân phận của những người dân trong vùng chiến sự, luôn cất lên lời kêu gọi hòa bình! Hòa bình là điều ông luôn trăn trở, bởi khi thấy những đất nước, thành phố, thôn quê bị đổ nát, văn hóa hoang tàn, ranh giới của sự sống và cái chết mong manh trong từng tích tắc. “Chiến tranh và hòa bình là bài học quý báu nhất, đắt giá nhất và khó khăn nhất của mọi thời đại.” (tr.17) “Hòa bình - điều quý nhất - lại là cái khó bảo vệ nhất và bài học chiến tranh - hòa bình, bài học cốt tử nhất lại là bài học khó thuộc nhất.” (tr.55)
Trong sự liên tưởng của ông nhìn thấy gương mắt thất thần của người dân, những giọt nước mắt của họ, sự bế tắc khôn cùng, nỗi ám ảnh, cô độc của những con người trên dải đất này. Ngòi bút ông rung lên một nỗi đau khó tả! Hòa bình có tồn tại trên mảnh đất này chăng? Đó là câu hỏi đau đáu ông muốn đặt ra. Dù bên thắng, bên thua, bên gây chiến hay bên phải chịu sự tàn phá, cướp bóc, phải xuống thang, ngồi lại với nhau thì hòa bình mới có cơ hội! Trong sự biến động dữ dội của thế sự, sự biến đổi khó lường thời cuộc, hòa bình vẫn là nỗi niềm khát khao cháy bỏng của nhà báo Hồ Quang Lợi và tất cả chúng ta!!!
Phóng tầm mắt nhìn rộng ra thế giới “Trong lốc xoáy thế sự” để thấy biết bao tấn thảm kịch đã diễn ra trong những “cơn đau lịch sử’’ “trước một thế giới dễ bị tổn thương”, nhà báo Hồ Quang Lợi lại quay về với “kỷ nguyên Việt Nam” - nơi đã làm cho nước Mỹ chìm đắm trong thất bại, trong nỗi đau về hội chứng tồi tệ đó. Người Mỹ mới hiểu ra rằng truyền thống và sức mạnh của VĂN HÓA GIỮ NƯỚC Việt Nam trong tổng thể cấu thành truyền thống và sức mạnh Việt Nam. Chính Bờ-ran-man, Giám đốc nghiên cứu kế hoạch chiến tranh không quân của Mỹ cũng công nhận: “Trong lúc các nhà lãnh đạo nước Mỹ càng ngày càng đặt nhiều hy vọng vào kỹ thuật để khuất phục Đông Dương, thì lực lượng kháng chiến lại tìm thấy sức mạnh chủ yếu ở họ là chỗ khác: trong nền văn hóa và tinh thần của nhân dân họ” (“Việt Nam - Lương tâm của thời đại”, Nxb Sự thật, Hà Nội, năm 1985, tr.307).
Viết về VĂN HÓA GIỮ NƯỚC Việt Nam, ngòi bút Hồ Quang Lợi tràn ngập cảm xúc tự hào “văn hóa Việt Nam là văn hóa giữ nước, dùng chữ hơi quân sự một tý “văn hóa đánh giặc”, văn hóa bảo vệ Tổ Quốc. Đó là nguồn lực nội sinh từ nền tảng văn hóa dân tộc.” (tr.191) Như vậy, theo nhà báo Hồ Quang Lợi, văn hóa giữ nước Việt Nam chính là lòng yêu nước nồng nàn - là bậc thang cao nhất, là yếu tố cốt lõi và chi phối đời sống tinh thần của dân tộc.
Chẳng thế mà trong ba lô của người lính ra trận có cả thơ, tiểu thuyết, có những người lính như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm; đến như vị tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp, lúc nghỉ, hoặc đi công tác đều mang cả hòm sách và không bao giờ quên Truyện Kiều của Nguyễn Du. (Lời chị Phúc, con Đại tướng kể với tác giả - tr.234) “Một dân tộc như thế thì trong khổ đau, hoạn nạn, thậm chí thảm họa, vẫn nhìn thấy tương lai, thấy phía trước mình là ánh sáng của chính nghĩa, của tương lai, văn hóa.” (tr.193) Lòng yêu nước Việt Nam có sức sống mãnh liệt và luôn tỏa sáng là động lực tinh thần chủ yếu tạo nên tâm hồn, cốt cách, bản lĩnh, trí tuệ của các thế hệ người Việt Nam - sức mạnh to lớn của dân tộc.
Đứng trước những kẻ thù hùng mạnh, với lòng yêu nước nồng nàn, dân tộc Việt Nam đã kiên cường đấu tranh giữ nước, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, không để bị đồng hóa. Đây là một điều kỳ diệu trong lịch sử nhân loại. Văn hóa giữ nước Việt Nam với nội dung cốt lõi là ý thức về chủ quyền quốc gia và tinh thần độc lập dân tộc. Giá trị tốt đẹp đó trở thành một trong những giá trị truyền thống văn hóa cao quý nhất, bền vững nhất, ở vị trí hàng đầu và được người Việt Nam coi là chuẩn mực cao nhất của đạo lý dân tộc. Qua các bài viết của nhà báo Hồ Quang Lợi, độc giả nhận ra rằng: Văn hóa giữ nước Việt Nam là văn hóa sáng tạo và nhân văn. Bởi giữ nước là hành động văn hóa mang ý nghĩa nhân văn cao cả, đó là bảo vệ quyền sống, quyền làm người, quyền bình đẳng, bảo vệ nhân phẩm, bảo vệ lòng tự tôn dân tộc, thể diện quốc gia, chống lại cái ác, cái giã man, cái bất công… nó cấu thành chỉnh thể văn hóa dân tộc.
Có người bảo: thời gian trôi qua sẽ xóa nhòa tất cả. Không! Có những con người, thời gian càng trôi qua, hình ảnh của họ, chân dung tinh thần của họ đọng lại, được đặt ở nơi sâu nhất trái tim mọi người. Nỗi nhớ và lòng biết ơn của người đời thách thức thời gian, xuyên suốt cuộc đời của họ. Những con người đó sống vì PHẨM CÁCH, vì nhân phẩm. Đó là vòng nguyệt quế, là tài sản quý giá nhất của đời người. Đó là đạo lý bất biến và vĩnh hằng từ cổ chí kim. Muốn làm tốt bất cứ việc gì, cũng phải làm người tốt trước! Những nhân vật hay chân dung tinh thần mà nhà báo Hồ Quang Lợi đưa đến với bạn đọc như Kim Ngọc, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, giáo sư Vũ Khiêu, nhà báo Hữu Thọ, giáo sư Phan Huy Lê, nhà báo, nhà văn Phan Quang, tiến sĩ Phạm Quang Nghị… là những con người có đủ tài năng, bản lĩnh, và trên hết là đủ sức mạnh của lòng nhân ái, của tấm lòng và trái tim nhân hậu để cảm hóa người đời. Họ sống đúng, sống đẹp, sống tốt giữa mọi người không phải vì mình mà vì người khác, coi lối sống, cách sống đó như một nhu cầu, một sự thỏa mãn đạo đức và văn hóa làm người. Đó là thước đo giá trị phẩm cách, nhân phẩm trong mỗi con người. Họ sống và làm việc hết mình, tận tụy thực hiện bổn phận, nghĩa vụ, nhất quán giữa lời nói và việc làm. Sống có tâm, có tình, có nghĩa, vị tha… là những nét cao quý, đáng nể trọng của đạo lý làm người ở họ.
Viết về họ, nhà báo Hồ Quang Lợi vừa sử dụng bút pháp hiện thực, hồi ức, chiêm nghiệm, vừa bằng sự hoài niệm… nên chân dung của họ lung linh ánh sáng của lương tri, của tinh thần nhân ái cao cả. Thực sự xúc động và nước mắt tràn mi khi giáo sư Vũ Khiêu viết lời vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “… sinh ra tôi là cha mẹ, hiểu biết tôi là Anh. Tấm lòng tri ngộ ấy tôi biết lấy gì đền đáp? Mấy hôm nay tôi ngồi khóc viết mấy lời trên, từ đỉnh trời cao, Anh có thấu hiểu lòng tôi?” (tr.251) Lời khóc của giáo sư Vũ Khiêu làm tôi thầm nghĩ, phải chăng Đại tướng đã đạt đến mức cao khoát trong tâm linh để làm chủ được mọi tình huống bất thường, trái tim luôn yêu thương trân trọng và khoan dung mọi người. Con người Đại tướng không coi trọng danh vọng, sống thực hơn danh, hẳn Đại tướng ở cõi tiên chẳng bận tâm đến những giai đoạn lích sử đau lòng?
Báo chí và văn hóa có một mối quan hệ không thể tách rời, bởi báo chí là công cụ truyền thông mang thông tin, thông điệp đến với công chúng. Và như vậy báo chí như một bộ phận cấu thành của văn hóa. Hiểu rất rõ và sâu sắc điều đó, nên những bài viết của Hồ Quang Lợi luôn bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh sinh động mọi vấn đề cuộc sống. Báo của ông lung linh trí tuệ, có tầm hiểu biệt sâu rộng, có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Mỗi bài viết đều chứa đựng hàm lượng chất xám và nhiệt huyết của ông. Hãy tĩnh tâm lắng nghe ông tâm sự: “Báo chí có trách nhiệm bảo vệ công lý và lẽ phải, cho nên nhà báo phải dũng cảm và có tinh thần dấn thân. Đã nói đến báo chí là nói đến tinh thần chiến đấu, đi đến cùng, làm rõ sự thật, bảo vệ sự thật. Nhưng tính chiến đấu của báo chí phải gắn liền với tính nhân văn… Càng đấu tranh vạch trần cái xấu, cái ác càng đòi hỏi tính nhân văn… Cho nên, nếu phải gói gọn lại, tôi nghĩ, nhà báo phải là người “dũng cảm và nhân văn.” (tr.431)
Một con người không những giàu kinh nghiệm trong nghiệp viết mà đầy dũng khí, dấn thân nhưng lại tràn đầy lòng nhân ái! Bởi khi viết ông luôn chú ý đến đối tượng tiếp nhận và bài viết của mình đang thực hiện chức năng, vai trò chuyển tải, quảng bá văn hóa, làm lan tỏa những gì là tốt đẹp nhất – tình người! Ông coi lao động và hoạt động báo chí là một hoạt động nghiêm túc, công phu; đòi hỏi người cầm bút phải có lương tâm và tất nhiên ông cũng lên án gay gắt sự cẩu thả, vụ lợi trong nghiệp báo. “…Do vậy chúng ta phải phát hiện và ngăn chặn, không để báo chí đáng mất vai trò của mình, trở thành công cụ cho những mục đích sai trái, gây hại cho xã hội. Chúng ta phải luôn nêu cao tinh thần nhân văn, đạo đức nghề nghiệp trong lao động báo chí, Đó là điều cốt lõi, là điều có tính sống còn của nghề báo.”(tr.443)
Ông quan niệm hành xử trong báo chí là một hoạt động đòi hỏi người làm báo phải có văn hóa, do vậy nhà báo coi tác nghiệp của mình là hoạt động văn hóa. Chính văn hóa là cái nôi ấp ủ và phát triển của giá trị nhân văn, là chuẩn mực cao nhất trong đạo lý làm người. Văn hóa có mặt ở bất kỳ lĩnh vực nào, phạm vi hoạt động nào trong đời sống xã hội, là nhân tố nâng cao giá trị các hoạt động vật chất, tinh thần của con người. Theo ông, viết như thế nào để làm lan tỏa những thông điệp, để hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử. Bởi văn hóa ứng xử là sự thể hiện triết lý sống, lối nghĩ, lối hành động của một người, một cộng đồng người, trong mối quan hệ giữa người với tự nhiên, xã hội, trong đạo đức, tình cảm, sự nhẫn nhịn…
Tác gải bài viết chụp ảnh cùng nhà báo Hồ Quang Lợi trong dịp ông ra mắt cuốn sách "thời cuộc và văn hóa" (Ảnh: TL)
Tôi có “duyên” với nhà báo Hồ Quang Lợi từ khi còn là một cô sinh viên báo chí. Năm 1996, trong chương trình học của chúng tôi tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền có môn “Bình luận báo chí” và người dạy là nhà báo Hồ Quang Lợi. Đây là lớp học đầu tiên và duy nhất, nhà báo Hồ Quang Lợi đảm nhận toàn môn (chứ không chỉ thỉnh giảng một, hai buổi)! Trong ký ức của tôi, những giờ giảng của thầy Hồ Quang Lợi vô cùng thú vị, sôi động khi thầy đưa những sự kiện nóng trong nước và thế giới vào các bài giảng và áp dụng các phương pháp thảo luận để sinh viên nêu quan điểm, phát biểu chính kiến.
Sau mỗi tuần học, mỗi sinh viên đều phải chọn bình luận một sự kiện, vấn đề nào đó, và tất cả các bài viết đều được thầy biên tập, nhận xét kỹ càng, tỉ mỉ. Nhờ đó mà trình độ viết bình luận của sinh viên lớp 14A ngày đó tiến bộ rất nhanh, nhiều bài được nhận xét là “chuẩn để đăng báo”, (bài viết cuối môn của tôi được thầy chấm điểm 9)! Buổi học kết thúc môn, cả lớp tôi vừa đứng lên vỗ tay vừa khóc khi nghe thầy tâm sự! Rồi ngày 20 tháng 11 năm đó, nhớ thầy quá, cả lớp kéo ra cơ quan của thầy – báo Quân đội Nhân dân và được mời về nhà thầy. Những sinh viên của lớp 14A bây giờ đã trưởng thành, trở thành những nhà báo “cứng”, đảm nhận những chức vụ quan trọng của các cơ quan báo chí, nhưng hình ảnh về người thầy Hồ Quang Lợi vẫn nguyên như ngày nào!
Thực tế là, dù ở vai trò nào, vị trí nào thì con người và những tác phẩm của nhà báo Hồ Quang Lợi đều khơi dậy trong trái tim người đối diện, bạn đọc niềm khát khao vươn tới cái Thiện, cái Đẹp và chắc hẳn làm ai đó biết sám hối trước những việc chưa hay, chưa tốt của mình. Đó cũng chính là giá trị nhân văn sâu sắc, độc đáo, mới mẻ của tập sách“Thời cuộc và văn hóa”! Với giá trị đó, những bài viết của ông đi thẳng vào trái tim, tâm hồn bạn đọc.
PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang/Tạp chí Người làm báo