Báo chí muốn tiếp cận được nhóm công chúng thế hệ Y, Z, phải có những sản phẩm sáng
tạo và dễ tương tác với độc giả trên website và nền tảng mạng xã hội hơn
Bối cảnh truyền thông mới
Năm 2016, từ điển Oxford đã chọn từ Posttruth là từ của năm. Từ này chỉ một bối cảnh mà việc xác nhận cảm xúc và niềm tin cá nhân có ảnh hưởng tới việc định hình ý kiến dư luận hơn là những thực tế khách quan. Từ này có nghĩa là “sự thật chủ quan” hay “sự thật ngóng đợi”, khi chủ thể muốn tin vào những gì họ muốn thấy. Đây là một từ miêu tả thời đại hiện tại với sự hậu thuẫn của mạng xã hội.
Công chúng đang sống trong thời kỳ khó phân biệt giữa đâu là sự thật, thực tế và đâu là ý kiến dẫn dắt và thao túng.
Tại Việt Nam, mạng xã hội ngày càng phát triển và trở thành “sân chơi” rộng lớn để giao lưu, chia sẻ và kết nối của giới trẻ. Bối cảnh truyền thông mới cho thấy, thói quen và hành vi tiếp nhận thông tin của công chúng trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã thay đổi. Hơn nữa, tất cả “cư dân mạng” đều có thể tạo ra thông tin và tác động tới mức độ phát tán và phân luồng thông tin.
Đặc biệt, sự xuất hiện của Facebook đánh dấu một bước phát triển mới cho truyền thông xã hội ở Việt Nam. Khi xét đến quy mô lan tỏa của thông tin, James Ball (2017, tr.143)(1) tuyên bố: “Facebook mang đến các trang web, thích hợp và phổ biến như nhau, lưu lượng truy cập cạnh tranh để thu hút sự chú ý của công chúng và cho các nhà quảng cáo của họ”.
Anne Senior(2) , phóng viên của Reuters ví môi trường mạng xã hội bây giờ như “quảng trường” trong một ngôi làng thời trung cổ. Mọi lời đồn thổi, hay tin giả đều xuất phát từ “quảng trường” đó. Tuy nhiên, nếu tốc độ của thông tin rất hẹp và có thể đứt đoạn trong phạm vi ngôi làng truyền thống thì với ngôi làng toàn cầu, sự phổ biến thông tin chỉ qua một cú click chuột, một người có thể nói với trung bình 500 người trong danh sách bạn bè của mình.
Qua đó có thể thấy, báo chí dần nhận ra những điểm mạnh của các phương tiện truyền thông mới trong tác nghiệp và xuất bản tin tức, nhưng đồng thời cũng nhận ra mặt trái của nền tảng này khi phải phân định sự thật với sự tràn lan của lời đồn chưa được kiểm chứng hay tin giả khắp mọi nơi.
Mọi lời đồn thổi, hay tin giả đều xuất phát từ mạng xã hội
“Thời đại của tin giả”
Khái niệm tin giả đã được Edson C. Tandoc Jr., Zheng Wei Lim & Richard Ling (2017, tr.2)(3) đưa ra rất rõ trong một bài báo khoa học: “Trong ngôn ngữ đương đại, đặc biệt là truyền thông, có vẻ như xác định tin tức giả mạo khi đề cập các bài viết lan truyền dựa trên các tài khoản hư cấu được tạo ra giống như các báo cáo tin tức.
Ba học giả cũng nhận định hai động lực chính cho việc sản xuất tin giả là tài chính và ý thức hệ. Một mặt, những câu chuyện giả mạo về những vấn đề tiêu cực, gây phẫn nộ và lan truyền nhanh, độ phủ rộng khiến đối tượng tạo ra tin giả có lượng tương tác lớn để có thể chuyển đổi thành doanh thu quảng cáo. Mặt khác, những người tạo ra tin giả quảng bá các ý tưởng hoặc những người mà họ ưa thích, đôi khi còn nhằm làm mất uy tín người khác có thể là đối thủ cạnh tranh trong chính trị, kinh doanh hoặc đời sống cá nhân.
Một nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ) đã được tờ Financial Times(4) trích lại rằng: Tin giả mang tính tiểu thuyết (hư cấu) hơn là tin thật, và đó có thể là lý do tại sao chúng ta chia sẻ sai lầm nhanh hơn và rộng rãi nhiều hơn.
Các ví dụ về tin tức giả mạo trên cho thấy, các cơ quan báo chí cũng trở thành nạn nhân của tin giả. Ngoài ra, nhiều trường hợp, chính báo chí truyền thống lại trở thành nguồn phát tán tin giả. Do đó, khi báo chí chạy theo tin tức mà chưa được kiểm chứng đều có thể để lại hậu quả đối với xã hội và công chúng của mình. Những áp lực thu hút bạn đọc mà các nhà báo hay các toà soạn phải gồng mình chạy đua với tốc độ mạng xã hội đôi khi khiến họ bỏ qua khâu kiểm chứng thông tin.
Nhà báo không nên bẻ cong sự thật hoặc giật tít, câu view
Những vấn đề đặt ra
Việc số hóa thông tin đã thách thức các khái niệm tin tức truyền thống. Nền tảng trực tuyến cung cấp không gian cho các nhà báo không chỉ để tiếp cận một lượng khán giả đông đảo.
Tuy nhiên, dù mạng xã hội có phát triển thế nào và ai cũng có thể trở thành nguồn phát hay “nhà báo công dân” chỉ với chiếc điện thoại thông minh (smartphone) và kết nối Internet, nhưng báo chí chính thống vẫn luôn giữ vai trò là bên thứ 3 khách quan để kiểm chứng nguồn tin và “gác cổng xã hội”. Chính vì vậy, báo chí phải tạo được lòng tin với công chúng. Nội dung và tính chính xác của thông tin rất quan trọng với sự tồn tại và uy tín của tờ báo.
Trong báo cáo Digital News Project của Reuters về xu hướng truyền thông và công nghệ định hình ngành công nghiệp tin tức năm 2018, tác giả Nic Newman chỉ ra rằng, đây là năm quan trọng đối với mối quan hệ giữa các nhà xuất bản tin tức và nhà cung cấp nền tảng như Google và Facebook nhằm chống lại làn sóng chỉ trích về tác động của họ đối với xã hội và về báo chí. Thời đại của trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại những cơ hội mới cho sự sáng tạo, nhưng cũng khiến thông tin sai lệch và bị thao túng nhiều hơn.
Các cơ quan báo chí và nhà báo nắm bắt được các ảnh hưởng này, họ tự học hỏi, bổ sung cho mình các kiến thức và tận dụng được sự phát triển của mạng xã hội. Thực tế, họ trang bị cho mình những kiến thức về công nghệ và nắm rõ được tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông mới, để làm chủ việc tác nghiệp trong nền báo chí hiện đại.
Nhiều trường hợp, chính báo chí truyền thống lại trở thành nguồn phát tán tin giả
Duy trì nguyên tắc bất biến của báo chí
Nguyên tắc của sự thật là, khi đưa tin tức một cách công bằng và khách quan, các cơ quan báo chí luôn lấy được lòng tin của công chúng, đó là cơ quan có quyền lực và đáng tin cậy.
Dù trong nền tảng nào hay thời đại nào, nguyên tắc tác nghiệp của nhà báo không hề thay đổi. Có thể kể ra một số nguyên tắc chính sau: Kể sự thật - cam kết thông tin chính xác, kiểm tra và kiểm tra lại; Độc lập và công bằng - những câu chuyện hoàn thành mà không có sự nổi trội của thông tin đáng chú ý, cố gắng tránh thiên vị; Nhân văn và đoàn kết - làm không mục đích, không có thiệt hại trực tiếp đến người khác, giảm thiểu tác hại...
Tuy nhiên trong thời đại số, ngoài những nguyên tắc bất biến, nhà báo có thể được trang bị thêm các kĩ năng số để hỗ trợ cho họ trong quá trình tác nghiệp tốt hơn. Báo chí đa nền tảng thực tế trang bị cho nhà báo kiến thức và kỹ năng để sản xuất nội dung cho bất kỳ nền tảng nào và cho phép họ nắm bắt cơ hội khi nền tảng mới xuất hiện.
Ngay cả việc đặt tiêu đề cho một bài báo cũng yêu cầu sự chính xác tuyệt đối, tránh trường hợp tít một đằng, nội dung một nẻo. Thông thường, công chúng hay chú ý tới tiêu đề của bài báo. Với các thuật toán và tối ưu hóa từ khóa tìm kiếm, công chúng lại càng dễ dàng bị gợi ý đọc các tin tức theo gợi ý. Ngoài ra, công chúng có khi chia sẻ, bình luận những câu chuyện mà thực tế có thể họ không đọc hết và kiểm chứng câu chuyện đó và đặt hết niềm tin về sự thật của câu chuyện vào cái tiêu đề đó. Chính điều đó, đòi hỏi các nhà báo không nên bẻ cong sự thật hoặc giật tít, câu view...
Kiểm chứng thông tin là hành động kiểm tra, xác nhận thực tế trong văn bản để xác định tính xác thực và chính xác của các tuyên bố trong văn bản. Hành động này có thể được thực hiện hoặc trước hoặc sau khi văn bản đã được xuất bản. Đây là công việc cơ bản của nghề báo. Tuy nhiên trong kỉ nguyên số, nhà báo có thể tận dụng lại những gì của chính nền tảng số để kiểm chứng thông tin trước và sau khi đăng và phòng chống tin giả. Tờ báo Washington Post (Mỹ) có hẳn chuyên trang Fact Checker(5) trang PolitiFact (6) có đăng các bài “bóc phốt” nội dung không đúng sự thật hoặc thiếu chính xác trong phát biểu, tuyên bố của các chính khách.
Tập đoàn Google đang hỗ trợ nhiều dịch vụ tin tức về năng lực kiểm chứng thông tin. Sử dụng search operators của Google được rất nhiều nhà báo ưa thích và sử dụng thường xuyên. Các thuật toán trong việc đưa ra kết quả tìm kiếm của Google rất có sức mạnh và hiệu quả. Ngoài những sự hỗ trợ của công nghệ, ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, yếu tố con người, chính bản thân các nhà báo là điều quan trọng trong việc phòng và chống tin giả.
Tờ báo Washington Post có hẳn chuyên trang chỉ đăng các bài “bóc phốt” nội dung không đúng sự thật của các báo khác
Vĩ thanh
Mặt trái của Internet chính là khi các tin tức giả mạo được phát tán và có thể gây nguy hại cho công chúng. Một câu chuyện tuyệt vời có thể giải trí, nhưng thông tin sai lệch về cơ bản có thể thay đổi cách công chúng nhìn nhận thế giới, ảnh hưởng đến ý kiến, hành vi và thậm chí là lá phiếu bầu.
Sự cởi mở hơn của các nhà cung cấp nền tảng truyền thông xã hội và sự hợp tác lớn hơn của họ với các các cơ quan liên quan trong việc giải quyết vấn đề tin tức giả là điều cần thiết. Các tổ chức báo chí truyền thống chính là những đối tác tiềm năng. Họ tìm kiếm, kiểm tra và phổ biến tin tức. Các nhà báo được đào tạo để đánh giá tính xác thực, thu hút khối lượng bình luận trực tuyến và thảo luận trên các nền tảng truyền thông xã hội, và có động cơ rõ ràng để duy trì lòng tin vào những đóng góp của chính họ cho đời sống của công chúng.
Hơn nữa sự phát triển của mạng xã hội đã chiếm lĩnh thời gian và mối quan tâm lớn của công chúng. Điều này khiến báo chí phải nhìn nhận lại cách tiếp cận, khai thác và trình bày tin tức của mình một cách hấp dẫn, thời thượng mà vẫn bảo đảm được các nguyên tắc chính xác của mình. Đặc biệt nếu báo chí muốn tiếp cận được nhóm công chúng thế hệ Y, Z họ phải có những sản phẩm sáng tạo và dễ tương tác với độc giả trên website và nền tảng mạng xã hội hơn
TS. Phạm Hải Chung/Người làm báo
(1) James Ball, 2017. Post-truth: How bullshit conquered the world. London: Biteback Publishing
(2) Nhà báo Anne Senior là phóng viên, biên tập viên kỳ cựu của Reuters với kinh nghiệm nhiều năm tại khu vực châu Âu, Mỹ và châu Á trong nhiều lĩnh vực báo in, truyền hình và báo điện tử.
(3) Edson C. Tandoc Jr., Zheng Wei Lim & Richard Ling (2017): Defining “Fake News”, Digital Journalism, DOI: 10.1080/21670811.2017.1360143
(4) https ://www.theguardian.com/commentisfree/ 2018/mar/19/fake-news-social-media-twittermit-journalism
(5) https://www.washingtonpost.com/news/fact-checker
(6) http://www.politifact.com