Ngư dân trên Phá Tam Giang. Ảnh: TL
Câu chuyện về kịch bản phim
Rất ngẫu nhiên, một ngày đầu xuân năm 1999, tôi đọc một bài báo trên Báo Pháp luật với độ dài khoảng 250 chữ nói về hiện tượng những ngư dân nghèo khó trên Phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế không làm giấy khai sinh cho con của họ; họ cũng không khai tử khi có người nhà mất...
Đọc xong bài báo, tôi bị ám ảnh về xứ Huế! Tại sao bên một thành phố Huế đẹp, thơ mộng cùng các danh thắng lại có những làng chài, những ngư dân sống mông muội ngoài pháp luật?
Câu hỏi tại sao cứ ám ảnh tôi suốt cả tuần và tôi quyết định viết đề cương kịch bản phim tài liệu “Chuyện ở Phá Tam Giang”. Đề cương phim chỉ có độ dài 2 trang giấy A4 với chủ đề Phim: Vì sao những ngư dân trên phá Tam Giang lại sống mê muội không khai sinh, khai tử và đa số mù chữ? Tại sao, chỉ cách thành phố Huế tươi đẹp, phồn hoa lại có những người dân sống tách biệt và lạc hậu như thế?
Kịch bản nhanh chóng được thông qua bởi nhà văn, nhà báo Đào Quang Thép, Giám đốc đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, một người rất nhạy cảm với thời cuộc.
Buổi chiều trên Phá Tam Giang. Ảnh: TL
Hành trình tác nghiệp gian khó
Trước khi vào Huế, tôi đã gửi đề cương kịch bản cho nhà báo Văn Công Toàn, Phó giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế nhờ chuyển cho lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Tưởng chuẩn bị trước sẽ thuận lợi khi tác nghiệp! Ai ngờ! Ê kíp gồm tôi biên kịch kiêm đạo diễn, nhà quay phim Doãn Bằng, biên tập viên Anh Vũ hăm hở bay vào Huế. Gặp anh Văn Công Toàn cùng “gáo nước lạnh”: Tỉnh ủy , Ủy ban đang duyệt kịch bản nên đoàn làm phim đợi!
Ba ngày ăn đợi nằm chờ tại khách sạn ở Huế để đợi lệnh của lãnh đạo tỉnh, đó là khoảng thời gian rất dài, mà ba chúng tôi phải trải qua: lo lắng, thất vọng vì khả năng không thể thực hiện bộ phim. Lo phải bồi thường tiền công tác cho đài, lo tiền nên chỉ dám xơi cơm bụi giá rẻ, lo lắng và cả cãi vã... Nhờ sự giải thích của tôi cùng tác động của nhà báo quê hương Huế Văn Công Toàn, ngày 1/8/1999, chúng tôi được phép xuống thị trấn Thuận An cách thành Huế 15 km để làm phim.
Hoàng hôn trên Phá Tam Giang. Ảnh: TL
Tác nghiệp 1 ngày đêm
Cảm giác được phép làm bộ phim, khiến đoàn làm phim chúng tôi hào hứng đến hiện trường. Trên xe tôi đã kịp gặp và nói chuyện với ông Lâm Thành Châu, cán bộ tư pháp của trung tâm hỗ trợ pháp lý tỉnh Thừa Thiên Huế kiêm nhiệm công việc của ông giáo làng. Ngay lập tức, trong đầu tôi có hai trường đoạn phim: Cảnh cán bộ tư pháp đi vận động bà con trên Phá Tam Giang làm giấy khai sinh cho con trẻ và trường đoạn ông giáo Châu dạy trẻ em cái chữ.
Nhà quay phim Doãn Bằng còn chộp được cảnh những đứa trẻ bơi lội, vui đùa trên sông nước, cảnh học bài trên thuyền, cảnh ngôi nhà thuyền vỏn vẹn 9m2 của vợ chồng anh Dương Văn Chẩn và chị Hà Thị Thảo cùng 9 đứa con, cảnh con trẻ tự chèo thuyền đi học... Chúng tôi cũng có những cuộc phỏng vấn nhanh các nhân vật của làng chài thôn Tân Lập, xã Phú Tân - thị trấn Thuận An.
Tôi còn phát hiện có câu chuyện đau thương của người đàn bà góa Trần Thị Mai cùng 5 đứa con thơ trong một túp lều rách nát. Câu chuyện rất xúc động là khi anh Dương Văn Chẩn điểm chỉ vào lá đơn xin cấp giấy khai sinh cho các con của mình. Đây cũng là cảnh mở đầu phim khi chúng tôi dựng phim. Tôi đã bấm lời bình vào cảnh ba cha con bước chân trên thành phố Huế thơ mộng: “Ba cha con làng chài dè dặt bước trên thành Huế. Cha của hai đứa trẻ cứ nắm chặt hai bàn tay nhỏ theo bản năng của một người suốt đời sống trên sông nước. Cha của hai đứa trẻ không biết chữ, còn hai đứa trẻ chưa được đến trường nên họ không biết nơi đây đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Họ càng không biết rất nhiều tiền đã được đổ vào đây để dựng lại lăng tẩm, thành quách của một triều đại đã kết thúc hơn nửa thế kỷ”.
Cảnh ba cha con anh Dương Văn Chẩn lần đầu lên thành phố Huế ngơ ngác, xa lạ là trường đoạn gây xúc động với người xem và cả chính nhóm làm phim chúng tôi.
Chúng tôi còn kịp quay phim cảnh những ngư dân lặn ngụp kiếm tôm cá trong đêm... và những ngôi nhà mui tam đặt trên bờ khi chưa có nhà kiên cố.
Đoạn kết của phim tôi đưa cảm xúc vào lời bình “Khi chúng tôi quay những thước phim này thì thành Huế chưa bị cơn lũ lịch sử. Ai còn, ai mất? 7 đứa con của anh Chẩn chị Thảo đã được cấp giấy khai sinh? 5 đứa con của chị Mai ra sao? Đó là những câu hỏi day dứt khiến chúng tôi không thể không trở lại Phá Tam Giang với mong ước những đứa trẻ ở đây sẽ có giấy khai sinh, được đi học như những đứa trẻ ở miền quê khác!”.
Sau 12 năm, năm 2011, tôi trở lại Huế gặp lại những ngư dân hiền lành, chất phác với câu chuyện của họ. Và đó là câu chuyện của những ngư dân trong phim “Trở lại Phá Tam Giang”!
Theo Vũ Quang/Người làm báo