Nguyễn Hữu Linh đến tòa trong vòng vây truyền thông
Cảnh giác với “quyền lực thứ năm” đang trỗi lên
Phiên sơ thẩm lần 1 ngày 25-6-2019, TAND quận 4, TP Hồ Chí Minh đã trả hồ sơ vụ Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái trong thang máy, yêu cầu điều tra lại. Dư luận hoang mang, tranh cãi, cho rằng luật pháp đang thiên vị Nguyễn Hữu Linh, rằng điều tra lại chỉ là cách mượn thủ tục kéo dài thời gian nhằm "để lâu cứt trâu hóa bùn". Cùng lắm, ông Linh cũng chỉ bị một án treo.
Kết quả phiên sơ thẩm lần 2 (vẫn xử kín như lần 1) diễn ra sáng 23-8 đã biến tất cả những lời công kích hàm hồ nhắm vào hệ thống luật pháp trong giả định một bản án nhẹ, không thỏa đáng với tội lỗi sẽ được tuyên. Thực tế Nguyễn Hữu Linh đã bị TAND quận 4 tuyên phạt 18 tháng tù giam cho tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi". Công lý đã được thực thi. Rất nhiều người đang từ căm phẫn sẽ cảm thấy thỏa mãn.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu vụ việc xảy ra trước chừng 5 - 7 năm, khi mạng xã hội chưa thành một áp lực đủ mạnh, rất có thể bản án dành cho Nguyễn Hữu Linh đã khác, nhiều khả năng sẽ "dễ chịu" cho bị cáo hơn. Hoặc giả, nếu không có áp lực mạnh mẽ từ mạng xã hội, vụ án có thể đã không được giải quyết bằng một phiên tòa.
Không nghi ngờ gì nữa, trong khi báo chí chính thống đang rón rén thu mình lại, mạng xã hội đã trỗi lên mạnh mẽ, trở thành "quyền lực thứ 5" trong vai trò giám sát và điều chỉnh hành vi xã hội, Nguyễn Hữu Linh có thể được xem như con dê tế thần đầu tiên của "quyền lực thứ 5" mới vừa trỗi lên này.
Bản án dành cho Nguyễn Hữu Linh có thể coi là một thắng lợi của dư luận và mạng xã hội khi đã đo mắt, cắt kính kịp thời cho thần công lý, vốn sáng suốt nhưng đang bị nghi ngờ là có tật khúc xạ!
Xã hội có thêm một định chế giám sát hữu hiệu, đó là điều đáng mừng. Nhưng cũng đáng lo. Nếu xem luật pháp là công cụ thực thi vương đạo thì giờ đây, mạng xã hội hoàn toàn có thể được nhìn nhận như một áp lực bá đạo. Tác dụng răn đe, phòng ngừa, hạn chế cái ác, cái xấu của mạng xã hội rất lớn, nhanh và rất kịp thời. Tuy nhiên, đó là một định chế rời rạc không có cấu trúc hệ thống ổn định và nặng cảm tính. Nếu không cẩn trọng, không có sự kiểm soát, rời xa hoặc lấn át vương đạo, quyền lực bá đạo dễ dẫn xã hội đến hỗn loạn.
Thời Hậu Lê, chưa có mạng xã hội nhưng cũng đã tồn tại song hành cả vương đạo và bá đạo. Vương đạo của Vua Lê và bá đạo của Chúa Trịnh. Mặc dù trên danh nghĩa, Chúa chỉ phục vụ nhà vua, song trên thực tế, quyền lực bá đạo của nhà Chúa nhiều khi đã lấn át cả luật pháp của Vương triều. Nó đẻ ra kiêu binh. Nó can thiệp sâu vào chính sách, hệ thống quyền lực luật pháp và đẻ ra không ít sự hỗn loạn, cuối cùng tất dẫn đến sụp đổ.
Quyền lực bá đạo trỗi dậy lấn át sức mạnh vương đạo là chỉ dấu của một thời đại văn hóa suy đồi, khi luật pháp - vương đạo - suy vi, bị thao túng, không thể hiện được quyền lực và sự công minh của nó. Nó phản ánh sự bất mãn, thiếu tin cậy, thậm chí thiếu tôn trọng của người dân đối với hệ thống luật pháp.
Ý thức bá đạo, dù bắt đầu từ đâu cũng không nên đón nhận bằng những tràng vỗ tay, không nên say sưa khuyến khích hay thỏa mãn với thắng lợi mà nó mang lại. Bởi lẽ, nó có thể giúp giải quyết ổn thỏa một vài vụ việc cụ thể nhưng dứt khoát nó không thể là phương tiện hữu hiệu và tích cực để quản trị xã hội, nhất là một xã hội đang hướng đến văn minh - dân chủ - công bằng.
Cần nghiêm khắc loại trừ truyền thông bất lương
Luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh)
Luật pháp đã có quy định rất rõ ràng về mức độ chế tài cho các tội danh vu khống, phao tin đồn nhảm… gây thiệt hại cho cá nhân và xã hội về cả tinh thần và vật chất. Tuy nhiên, chế tài này dường như vẫn chỉ mới có tác dụng đối với các sai phạm cá nhân. Nếu hành vi đó được thực hiện nhân danh truyền thông, nhân danh sự khách quan về thông tin, được đăng bởi một cơ quan báo chí nào đó, chế tài luật pháp vẫn chưa hữu hiệu.
Khi báo mạng và mạng xã hội trở thành những kênh thông tin quan trọng và phổ biến, sự bất lực trong kiểm soát thông tin trong ranh giới tích cực - tiêu cực lại càng rõ nét. Cái ác len lỏi giữa dòng chảy thông tin mạng được lan truyền rất nhanh.
Dư luận, mạng xã hội đang thường xuyên gây sức ép lên mọi mặt của đời sống. Giải đáp, làm rõ và đôi khi là thỏa mãn dư luận đang trở thành một “mảng đề tài” ăn khách của báo chí. Chiều 21-8, khi dư luận đang ồn ào về chuyện không thấy bóng dáng ông lái xe Trường Gateway đâu cả, kèm vô số đồn đoán, một tờ báo lớn đã nhanh nhảu giật tít: "Vợ lái xe trường Gateway: “Gia đình tôi rất bức xúc về lời đồn chồng tôi tự tử''. Tít bài báo là một sự bất nhẫn. Nội dung bài báo là sự kéo rê nỗi bất nhẫn. Mục đích để câu khách? Nội dung thông tin của bài báo chỉ rất ngắn: khẳng định ông lái xe còn sống bình thường, không phải đã chết như tin đồn. Toàn bộ những nội dung khác chỉ là nhắc lại mớ thông tin đã cũ nát. Nhưng cách đưa tin, giật tít, trình bày bài báo thì không thể chấp nhận được.
Dĩ nhiên, trước tin đồn ác ý, sặc mùi thuyết âm mưu, gia đình người trong cuộc nếu có bức xúc cũng là dễ hiểu. Nhưng nó có thấm gì so với nỗi đau khổ, mất mát không thể bù đắp của gia đình cháu bé đã thiệt mạng? Cũng không thấm gì so với nỗi hoang mang của toàn xã hội sau vụ việc. Nếu người lái xe xuất hiện công khai, khai báo, cung cấp thông tin minh bạch, mọi lời đồn sẽ bị bác bỏ và chấm dứt. Đó cũng là trách nhiệm của ông, bởi xung quanh ông vẫn còn bao nhiêu tồn nghi, liên quan đến cái chết oan uổng của cháu bé. Dù liên quan hay vô can, ông cũng phải góp phần trách nhiệm làm rõ câu chuyện. Nhưng ông đã không làm thế. Nhiều ngày liền, ông dường như chỉ tìm cách lẩn tránh. Ông và gia đình ông đã tự dành cho mình, hoặc được báo chí dành cho cái quyền được bức xúc.
Báo chí đã làm sai chức năng. Thay vì minh bạch hóa thông tin, bài báo đang nuôi dưỡng sự mờ ám, tạo ra thêm những ẩn khuất (có sức hấp dẫn sự tò mò) để câu khách. Biết tin đồn là sai trái, báo chí vẫn cố tình nương theo để ve vuốt sự hiếu kỳ. Đây là việc nuôi dưỡng sự quan tâm, tò mò của người đọc một cách không lương thiện.
Gây ra tội lỗi là phạm vào điều ác. Che giấu tội lỗi là bất lương. Dùng tội ác, tội lỗi, sự bất lương để thu hút chú ý, lôi kéo sự tò mò cũng không khác gì nhấm nháp cái ác làm khoái cảm. Đó là đồng lõa với cái ác, cái xấu.
Phao tin đồn, dựng nên "thuyết âm mưu" là lỗi của dư luận và mạng xã hội, nhiều phần đáng trách. Nhưng nuôi dưỡng, khai thác nó, đó là sự đồng lõa vô lương của báo chí chính thống. Nó đáng bị lên án như tội đồng phạm.
Nói rõ, đây không phải bài báo, tờ báo duy nhất đã làm như thế. Rất may, trong vụ này, chính mạng xã hội lại đóng vai trò điều chỉnh ngược báo chí khá tích cực. Trên trang cá nhân, chúng tôi và nhiều người khác đã có ý kiến phản đối cách đưa tin, đặt tít này. Chỉ vài chục phút sau, biên tập viên của tờ báo có đăng bài đã liên lạc, nhận sai sót là tít và nội dung không phù hợp, quan điểm không rõ ràng. Báo xin tiếp thu và sửa chữa ngay, biên tập lại không còn những nội dung câu views phản cảm nữa.
Hoan nghênh tinh thần cầu thị, hướng nhân văn tích cực này, chúng tôi không nêu tên tờ báo. Chỉ nhắc lại vụ việc, bởi câu chuyện tương tự không xảy ra duy nhất một lần, trên duy nhất một tờ báo. Nó là một khuynh hướng đang ngày càng diễn ra nhiều hơn, đáng suy nghĩ. Bởi lẽ, đó là một sự tha hóa truyền thông khiến báo chí trở nên dễ dãi, niềm tin bị bào mòn trong lòng người đọc.
Một khi sự dễ dãi vẫn cho phép người ta mô tả tội ác một cách chi tiết, cặn kẽ, tự nhiên và dồn dập thì tác dụng cảnh báo và ngăn ngừa cái ác sẽ không còn nữa. Nó sẽ khiến cho cái ác đã xảy ra được coi như một tồn tại mặc nhiên trong đời sống xã hội. Trường hợp đưa thông tin về vụ người anh thảm sát kinh hoàng cả gia đình em ruột mới xảy ra là một ví dụ cụ thể. Không chỉ là phản cảm, những cách truyền thông như thế cần phải được xem là vi phạm - ít nhất là về đạo đức, thuần phong mỹ tục - và có mức phạt thật nghiêm khắc.
Ít nhất, cái xấu, cái ác cũng phải bị đẩy ra, không thể coi chúng đơn giản chỉ là chuyện đã rồi hay đề tài để khai thác. Xã hội có thật sự ghê tởm, căm giận, tránh xa, kể cả trong cảm xúc tò mò, cái xấu, cái ác mới có cơ hội chùn tay và giảm bớt.
Nguyễn Đức (ghi)
Độc giả đừng biến mình thành "thùng rác không đáy" của truyền thông
Khưu Kim Quên (Sinh viên báo chí - truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh)
Chúng ta đã và đang sống trong một thời đại đầy biến động. Chúng ta cứ tưởng mình uyên bác, lịch lãm khi được tiếp cận với thông tin “khổng lồ”. Chúng ta nói với nhau về Gateway, về Asanzo,... Nhưng liệu cái “mắt thấy tai nghe” đã là sự thật? Hay mặt trái của nó chính là bản thân chúng ta lại là những người dễ bị đánh lừa và dẫn dắt.
Chúng ta bỗng tự biến mình thành chiếc “thùng rác không đáy" ở giữa ngã tư đường, dễ dàng phản ứng mạnh mẽ với hiệu ứng truyền thông hết thảy! Ai muốn “vứt” gì vào cũng đó cũng được. Để rồi, chúng ta vội vàng yêu, vội vàng ghét, vội vàng giận dỗi,... vội vàng tin vào những gì họ muốn chúng ta tin.
Thế là, ta đánh mất... cái gọi là “tư duy” phản biện của mình!
Chúng ta tự “giới hạn” sự hiểu biết của mình trong những gì ta thấy, ta nghe. Mà không kiểm chứng lại lần nữa.
Có một câu nói vui mà tôi rất tâm đắc: “Người ta hay nói: Yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, nhưng rồi, họ lại hối hận vì không nhìn lại lần nữa”. Tương tự, cách tiếp cận các thông tin trên các phương tiện truyền thông của chúng ta cũng vậy! Có bao giờ chúng ta đã “thấy và nghe” lại lần nữa để “không hối hận” chưa?
“Tin lầm, giận vội” là một trong những nguyên nhân khiến cho tin giả hoành hành và khiến cho chúng ta dễ bị dẫn dắt. Sự vụ cháu bé tử vong ở Gateway là có thật, nhưng tài xế tử vong là thông tin bịa. Tương tự vậy, bạn có hình dung ra được một bản tin có thể 99% là thật, nhưng chỉ có 1% là giả. Như vậy, mỗi người đã chuẩn bị đủ “bản lĩnh” đọc đủ để nhận ra?
Mỗi ngày, chúng ta được tiếp cận với hàng nghìn thông tin khác nhau trong mọi lĩnh vực, mọi phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt là mạng xã hội. Trong thời buổi “không hề đứng yên” này đã làm được một chuyện “thần kì” rằng: “Thông tin tự tìm đến chúng ta. Chứ không phải chúng ta đi tìm thông tin nữa”. Điều đó đã dẫn đến, chúng ta bị “cưỡng bức” khi tiếp nhận. Và đúng theo "Thuyết mũi kim tiêm", một khi có quá trình tiếp xúc, chúng sẽ dần trở thành thói quen. Khi đó, chúng ta dần nhận thức và hành động như “đúng rồi” chứ không còn tư duy phản biện nữa.
Một trong những “thủ thuật” mà người làm truyền thông. Đặc biệt là người làm báo ưa dùng đó chính là:
SETTING AGENDA: Người viết liên tục đưa nhiều thông tin về một sự kiện, vụ việc để thu hút người khác chú ý đến sự việc của họ đưa (và có thể quên đi một sự kiện khác).
FRAMING NEWS CONTENT: Người viết chọn lọc thông tin, từ ngữ để đưa đến độc giả nhằm tìm kiếm một sự đồng thuận về một quan điểm/cách nhìn nhận về một sự việc, một vấn đề (mà người viết có/không đề cập trong bài viết).
Hiểu được những điều này, bản thân chúng ta có thể tỉnh táo và bản lĩnh hơn trong việc tiếp nhận giá trị của tin tức. Đừng để mình biến thành “thùng rác” giữa ngã ba đường để ai muốn “vứt thông tin” nào thì vứt vào! Hãy tiếp thu có chọn lọc, và có chiều sâu.
Người đọc, người tiếp nhận thông tin cần bình tĩnh ghi nhận, đừng vội vàng chấp nhận và phải có góc nhìn tư duy phản biện.
Khi truyền thông tiếp tay cho tội ác
TS Hà Thanh Vân (Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ)
Trong thời đại ngày nay, có sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, ngoài các tờ báo giấy truyền thống còn có rất nhiều các tờ báo mạng, các trang tin trên mạng. Ở tỉnh nào cũng có Đài Phát thanh, Đài Truyền hình. Những loại hình truyền thông đó gọi là báo chí chính thống. Nhưng bên cạnh đó còn có loại hình truyền thông phi chính thống như các diễn đàn (forum), các mạng xã hội dưới mọi hình thức như Facebook, Instagram, You Tube v.v… Vì vậy mỗi thông tin đều được lan tỏa rất nhanh và lan tỏa không kiểm soát hết được.
Vậy ngày nay khi xem các loại hình truyền thông chính thống và phi chính thống, chúng ta thấy điều gì là nổi bật nhất cũng như đáng lo ngại nhất? Chắc chắn đó là những thông tin về các tội ác, các vụ án mạng, tai nạn do cố ý v.v…
Trên báo chí truyền thống, ngay cả những tờ báo có tiếng là nghiêm túc nhất, vẫn có hiện tượng này. Một tội ác xảy ra, có những tờ báo dựa vào đó để khai thác viết thành hàng chục bài, đi vào các ngõ ngách, khía cạnh của tội ác. Có những tờ báo không ngần ngại khai thác từ chuyện gia đình, người thân của thủ phạm và nạn nhân, cho đến chuyện các luật sư bào chữa. Có những tờ báo phỏng vấn không chỉ những người có trách nhiệm, những người đại diện các cơ quan chức năng, mà còn phỏng vấn từ hàng xóm, láng giềng cho đến bạn bè của thủ phạm và nạn nhân. Thậm chí có những tờ báo còn miêu tả tỉ mỉ các chi tiết của vụ án cho đến khai thác tin đám tang của nạn nhân, hay việc xử án thủ phạm. Người đọc bị ngập lụt trong các thông tin về tội ác.
Tất nhiên cũng có những người thích đọc vì họ muốn thỏa mãn tính hiếu kỳ, tò mò của mình. Một điều dễ nhận thấy là nếu có nói về tội ác thì số người đọc báo giấy, truy cập báo mạng tăng vọt. Song chúng ta cần phải nhìn nhận chuyện này dưới góc độ của tâm lý con người và hiện tượng xã hội. Một xã hội nói quá nhiều về tội ác, với những con người đọc quá nhiều về tội ác, tất nhiên là có những ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi của con người và không loại trừ việc họ trở nên miễn nhiễm với tội ác, dửng dưng với cái ác hay thúc đẩy họ cũng thành kẻ thủ ác.
Chẳng phải ngẫu nhiên khi cách đây vài năm, chuyện sát thủ Lê Văn Luyện đã phủ kín mặt nhiều tờ báo và gần đây nhất là vụ người anh chém cả nhà em trai ruột cũng được báo chí khai thác từ chi tiết nhỏ và vẫn còn đang rất nóng trên báo. Điều này làm cho nhiều ông bố bà mẹ có ý thức lo ngại và họ tìm cách hạn chế con cái đọc tin tức trên báo bằng mọi cách. Có ai dám đảm bảo suốt ngày sống trong một môi trường nói về tội ác, con người ta có thể phát triển tâm lý bình thường được không?
Trên truyền thông chính thống đã vậy, còn ở loại hình truyền thông phi chính thống thì mọi việc còn hỗn loạn và đáng lo ngại hơn rất nhiều. Nhiều chủ nhân của các trang mạng xã hội còn tập trung đưa đậm nét về tội ác, không chỉ bằng ngôn từ mà còn bằng hình ảnh, clip ghê rợn, đậm ngay vào mắt người xem, người đọc.
Mạng xã hội còn là nơi tung những tin đồn thất thiệt, những lời vu khống độc ác với những bằng chứng ngụy tạo, mà gần đây nhất là vụ đăng hình photoshop của em bé học sinh trường Gateway tử vong và vụ người cha ở Nghệ An vu khống có người hiếp dâm con gái mình.
Với tính chất thông tin nhanh chóng, chia sẻ dễ dàng và nhanh chóng, mạng xã hội đã phủ sóng rất rộng và những tội ác vì thế cũng lan đi trong chớp mắt, đập thẳng vào mắt các công dân mạng. Hiện tượng các công dân mạng bàn về tội ác và mỗi người phỏng đoán thủ phạm hay viết về tội ác theo những kiểu khác nhau cũng là điều rất dễ nhận thấy trên mạng. Trên phương diện này, loại hình truyền thông phi chính thống rất khó kiểm soát.
Vậy chúng ta phải làm gì trước thực trạng này? Thiết nghĩ đây không chỉ là vấn đề của truyền thông chính thống và phi chính thống nữa mà đây là vấn đề chung của toàn xã hội. Không chỉ các cơ quan chức năng vào cuộc, từ cơ quan văn hóa đến cơ quan Công an, mà còn phải huy động hết sức mạnh của xã hội, từ nhà trường đến gia đình. Nhưng quan trọng nhất không chỉ là việc giáo dục con người, mà chính các phương tiện truyền thông chính thống phải nhìn nhận lại cách làm báo, thái độ làm báo của mình sao cho phụng sự cho công chúng tốt nhất mà vẫn đảm bảo được sự đứng đắn nghề nghiệp. Đưa mãi những tin về tội ác một cách quá đà, thì sự tác động của nó lên con người sẽ ngày càng đáng sợ. Và như thế, những tên thủ phạm mới, những tội ác sẽ ngày càng tăng lên như là một hiệu ứng đáp trả.
Theo http://vnca.cand.com.vn