Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Liên kết để nâng tầm nông sản (15/10/2019-14:55)
    (NLBTH) - Cách đây nhiều năm chúng ta đã đưa ra chủ trương liên kết 4 nhà gồm: Nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông để cùng đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nâng cao giá trị nông sản. Tuy nhiên cơ bản cho thấy đến nay chúng ta vẫn còn loay hoay trong thực hiện.
Ảnh minh hoạ, từ internet

Tại nhiều vùng nông sản nông hộ vẫn đơn độc nuôi trồng, tự tìm đầu ra cho sản phẩm và dễ dàng mất trắng khi xảy ra dịch bệnh và biến động thị trường.

Trong 2 năm 2018, 2019 Việt Nam đã tham gia hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có quy mô lớn nhất từ trước đến nay là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA). Qua đó mở ra hy vọng cho nông sản Việt Nam có cơ hội được tiếp cận tới 37 thị trường lớn. Tuy nhiên để đạt được kim ngạch xuất khẩu như kỳ vọng chúng ta phải đưa được công nghệ chế biến sâu vào trồng trọt, chăn nuôi.

Tại Diễn đàn “Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới” mới đây, nhiều nhà quản lý khẳng định nếu nông dân chỉ dừng lại ở sản xuất thì lãi được một đồng, còn liên kết với doanh nghiệp có thể lãi sáu đồng. Phải có giải pháp thu hút doang nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, cùng làm ăn với nông dân.

Lợi thế khi chúng ta tham gia hai hiệp định thương mại này là nhiều dòng thuế được đưa về 0%, song thị trường nhập khẩu lại dựng lên những rào cản phi thuế quan vô cùng khắt khe, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như yêu cầu về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đây hiện là khâu yếu của nông sản Việt khi mà gần đây một số nông sản của chúng ta đã bị khước từ nhập khẩu hoặc hoàn trả một số lô hàng không đảm bảo.

Theo khuyến cáo, nông sản phải sản xuất theo tiêu chuẩn toàn cầu như VietGap, Global mới có thể vượt qua được các rào cản phi thuế quan dựng lên từ phía nhà nhập khẩu. Tuy nhiên nông dân lại bày tỏ cái khó hiện nay là họ không biết phải tiếp cận như thế nào, làm những gì để có thể vượt được các rào cản này.

Vấn đề nữa là muốn xuất khẩu được hàng hóa thì các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi nhất định phải đăng ký cấp mã số, phải sản xuất theo tiêu chuẩn toàn cầu hóa vì trong EVFTA hay CPTPP vấn đề về truy xuất nguồn gốc được đặt lên hàng đầu. Sản phẩm phải có kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra, hoàn toàn đảm bảo sản xuất sạch, không chứa chất bảo quản, hóa chất.

Có thực tế là nông dân, ngư dân cơ bản vẫn nuôi trồng, đánh bắt, bảo quản theo thói quen “ăn xổi” nhằm để sản phẩm không bị xâm hại bởi dịch bệnh cũng như bảo quản được lâu nhất.

Họ thường lạm dụng hóa chất mà ít nghĩ đến tác động của nó đối với tiêu dùng một cách dài hơi. Cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần phải ký các hợp đồng tư vấn chăm sóc, bảo quản, bao tiêu với nông hộ để họ thực sự làm theo yêu cầu.

Việc liên kết 4 nhà là vấn đề đã được nhận thức, bây giờ là lúc để chúng ta thực hiện đầy đủ và nghiêm túc hơn.

Lam Vũ

 

 

Các tin khác:
  • Đồng bộ giải pháp đấu tranh với cát tặc (13/10/2019-21:46)
  • Doanh nhân và niềm tin (12/10/2019-10:10)
  • Tập trung cho chặng đường nước rút (07/10/2019-18:57)
  • Đồng bộ hạ tầng, nâng cao ý thức chữa cháy (04/10/2019-10:31)
  • Con người và con đường (30/09/2019-11:42)
  • Nỗi lo mất cân bằng sinh thái (30/09/2019-11:39)
  • Chọn lựa nguồn cán bộ thực tâm, thực tài (27/09/2019-7:52)
  • Nuôi dưỡng sự tích cực (25/09/2019-10:53)
  • Cộng đồng trách nhiệm, vì lợi ích chung (24/09/2019-8:38)
  • Lắng nghe tâm tư nhiều hơn gắn với tăng cường giám sát, phản biện (23/09/2019-8:43)