Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Chờ hình ảnh tươi mới với sức sống lâu bền (18/10/2019-23:15)
    (NLBTH) - Phố đi bộ Phan Chu Trinh dự kiến được thành phố Thanh Hóa đưa vào vận hành, khai thác trong quý 4/2019 đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Trên con phố này thành phố sẽ tổ chức nhiều ki ốt văn hoá - thể thao, ẩm thực, mua sắm và giải trí vào 3 tối cuối tuần.
Phố Phan Chu Trinh về đêm, nhìn từ trên cao (ảnh TTV)

 

Đây được xem là thách thức không nhỏ bởi chưa có nhiều đô thị cấp tỉnh tổ chức được tuyến phố đa chức năng như thế, nhưng ở chừng mực nào đó cũng chính là cơ hội để thành phố quảng bá hình ảnh, vươn tầm giá trị và khẳng định cách làm.

Nếu thành công, tuyến phố sẽ trở thành không gian độc đáo, biến con đường quen thuộc với nhiều hình ảnh chưa thật đẹp mắt trong thời gian qua thành điểm đến hấp dẫn, tạo nguồn thu, góp phần xây dựng đô thị văn minh, thân thiện.

Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến điều đó, vấn đề phải đối diện là cần tổ chức thực hiện một cách hiệu quả, đảm bảo tính ổn định lâu dài.

Những dịch vụ văn hóa, ẩm thực mà Đề án không gian phố đi bộ Phan Chu Trinh đề xuất là không khó để huy động, bởi Thanh Hóa có khá nhiều nguồn cung.

Cái khó là sẽ đưa những dịch vụ giầu chất văn hóa này ra một không gian lâu nay thường sử dụng để tổ chức các hoạt động thương mại này như thế nào?

Thời gian gần đây một số dịch vụ trên tuyến phố Phan Chu Trinh đã được thành phố chấn chỉnh, nhưng vẫn le lói lo ngại về tính bền vững của chủ trương.

Tình trạng hàng rong, xe đẩy, ăn xin, chèo kéo khách sử dụng dịch vụ, đậu đỗ xe, xả rác thải tùy tiện vẫn xảy ra theo kiểu chụp dựt, là điều khá lo lắng.

Dù cho việc xem xét những phương án cụ thể đã được thành phố nghiên cứu, tuy nhiên vẫn phải đề cập đến yêu cầu đặt ra cho công tác quản lý tuyến phố là phải thực sự tạo ra sức hấp dẫn, giá trị riêng biệt của không gian phố đi bộ này.

Ngoài ra còn phải tính đến các yếu tố ngoại cảnh tác động đến như giao thông, an ninh - trật tự... Nghĩa là sự ra đời của phố đi bộ với nhiều dịch vụ nhưng không tạo ra sự xung đột lợi ích với những hộ kinh doanh truyền thống tại đây cũng như gây ra ách tắc giao thông khi sẽ phải thực hiện cấm lưu thông ở một số tuyến phố phụ cận nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ.

Đây là điều cần hết sức quan tâm, bởi xét cho cùng chính sự tiện lợi, hấp dẫn của dịch vụ cũng như cách thức tổ chức vận hành, khai thác khoa học trên tuyến phố mới tạo ra sức sống tươi mới để kéo du khách đến.

Một khi người dân không hứng thú với việc đi bộ trên con phố, thì có tuyên truyền, vận động họ cũng chỉ đến một lần. Điều này từng xảy ra ở nhiều khu, điểm sinh hoạt cộng đồng, một vấn đề cần phải rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn.

Bởi thế, để đảm bảo hoạt động bền vững của phố đi bộ Phan Chu Trinh, việc cần phải làm là xác lập rõ hơn trách nhiệm và cơ chế tham gia quản lý của các chủ thể cũng như sự phối hợp của các cơ quan chức năng như thế nào.

Chúng ta chờ phố đi bộ Phan Chu Trinh sớm được đưa vào vận hành, khai thác, nhưng sự chờ đợi lớn hơn lại chính là sức sống lâu bền của tuyến phố này.

Lam Vũ


 

 

 

Các tin khác:
  • Chuẩn hồ sơ và chuẩn để làm việc (16/10/2019-14:39)
  • Liên kết để nâng tầm nông sản (15/10/2019-14:55)
  • Đồng bộ giải pháp đấu tranh với cát tặc (13/10/2019-21:46)
  • Doanh nhân và niềm tin (12/10/2019-10:10)
  • Tập trung cho chặng đường nước rút (07/10/2019-18:57)
  • Đồng bộ hạ tầng, nâng cao ý thức chữa cháy (04/10/2019-10:31)
  • Con người và con đường (30/09/2019-11:42)
  • Nỗi lo mất cân bằng sinh thái (30/09/2019-11:39)
  • Chọn lựa nguồn cán bộ thực tâm, thực tài (27/09/2019-7:52)
  • Nuôi dưỡng sự tích cực (25/09/2019-10:53)