Ở xã tôi nghề trồng cây thuốc lào là nguồn thu nhập chủ yếu của nông dân. Đây là loại cây có giá trị kinh tế cao nhất huyện Nga Sơn ở thời điểm hiện tại, đem lại niềm vui cho rất nhiều nông gia.
Nhưng giờ thay cho niềm vui, anh họ tôi lại đầy lo âu mỗi khi nhắc đến thứ cây xóa đói, giảm nghèo, niềm tự hào của của dân làng.
Lần về làng gần nhất tôi không còn nhận ra một cánh đồng mà tuổi thơ tôi đã gắn liền với nó. Ngổn ngang đất cát, bê tông, máy móc đang len vào. Còn hôm rồi thì anh họ tôi bảo khu dân cư này đang mở bán đất nền. Một số khu đất trồng thuốc lào khác đã có thông báo thu hồi.
Một sào thuốc lào có thu nhập bằng nhiều sào lúa, nhưng so với bán đất nền thì nó lại chưa bằng. Người ta đang nhìn thấy cái lợi ấy và quyền quyết định thuộc về người có trách nhiệm. Tầm nhìn sẽ thôi thúc họ giữ lại đất canh tác cho nông dân hay chuyển đổi sang đất ở.
Đương nhiên việc có lợi cho ngân sách của xã sẽ được lựa chọn. Nhưng sinh kế của những nông dân từng canh tác cây thuốc lào trên đất ấy sẽ chuyển đổi thế nào, thì lại chưa có ai chọn hộ lúc này.
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang là câu chuyện thời sự. Tôi cứ vẫn vơ nghĩ rằng đô thị hóa là cần thiết, nhưng có vội vàng quá không khi nhiều diện tích “bờ xôi, ruộng mật” đã bị san lấp, chia lô bán nền, người dân nơi khác đến ở.
Nhữn người dân từng bám vào đất ấy sẽ ra sao, và chắc chắn sẽ chẳng có sinh kế nào ở thời điểm hiện tại có thể đem lại nguồn thu nhập như trồng cây thuốc lào cả. Nghề làm thuốc lào đã có rất lâu đời, người dân xã tôi tự hào về tay nghề sản xuất thuốc lào ngon duy nhất trong huyện.
Cây thuốc lào khiến người dân quê tôi vất vả nhưng là niềm vui. Bây giờ họ được giải phóng sức lao động, nhưng không còn vui được nữa.
Cây trồng vẫn đóng vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp, và những cây có giá trị kinh tế cao luôn được khuyến khích trồng. Ứng xử với cây thuốc lào như thế liệu có vội vàng hay không?
Xã tôi đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có tiêu chí thu nhập. Rồi sẽ còn những khu dân cư khác ra đời, cây thuốc lào trước sau rồi cũng phải nhường chỗ, thu nhập của người dân dần sa sút. Lúc ấy thu nhập trên địa bàn liệu có còn đảm bảo ở khung tiêu chí “Nông thôn mới” nữa hay không? Tôi bất chợt nghĩ đến lời một bài hát của nhạc sỹ Lê Minh Sơn rằng: “Bên cạnh làng tôi đất bán hết rồi/ Chỉ còn nho nhỏ nghĩa địa xa xa... /Đàn trâu lững thững qua cầu đất bán hết rồi đàn trâu về đâu”...
Những làng quê đang ầm ào chuyển mình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới. Một sự nỗ lực khẳng định sức vươn cũng như tạo dấu ấn về nguồn thu cho ngân sách. Nhưng hãy để làng quê luôn là nơi muốn sống của dân làng và hình ảnh đẹp cho những người làng đi xa mỗi khi nghĩ về bằng những quyết định sáng suốt.
An Nhiên