Cũng qua cách thi trắc nghiệm, không những tiêu cực không giảm mà lại là phương thức để người ta dễ dàng tiêu cực.
1. Con gái tôi đang học tại một khoa khá chuyên ngành về Kinh tế của một trường Đại học thuộc khối Kinh tế, nên phải học nhiều môn liên quan đến khối Tự nhiên, trong đó có môn Toán.
Khi tuyển sinh đầu vào, trường có tuyển cả học sinh học các khối có các môn Toán Văn Địa; Văn Toán Sử, Toán Văn Anh… Điểm đầu vào cũng tương đối cao so với mặt bằng xét tuyển chung của các trường tốp đầu. Vì thế, những học sinh trúng tuyển vào đây cơ bản có điểm các môn ở mức tương đối cao, đa số đạt trung bình 8-9 điểm/môn, trong đó có môn Toán.
Con gái tôi may mắn có lợi thế là cấp 3 con học chuyên khối Tự nhiên nên khi vào học Đại học, các môn liên quan đến logic như Toán, Vĩ mô, Vi mô… cũng không mấy khó khăn. Nhưng đối với các sinh viên học các khối Toán Văn Địa; Văn Toán Sử, Toán Văn Anh… thì khá vất vả. Nhiều con thường nhờ các bạn học khối Tự nhiên hồi cấp 3 giúp đỡ phần bài tập về nhà và Tiểu luận, vì không hiểu và không biết cách làm một bài tự luận.
Khi được hỏi, vì sao các con điểm Toán đầu vào cũng khá cao, toàn ở mức 8-9 nhưng sao lại quá khó khăn trong khi học đến như vậy? Các con thành thật, học sinh ôn luyện ở các lò cả mấy năm trời chủ yếu để phục vụ cho điểm thi Đại học, để đạt điểm cao, các con học chủ yếu phải học “mẹo” và không phải nặng về phần tự luận nên cứ làm nhiều, làm quen thì ắt điểm sẽ cao. Nên khi vào học Đại học, phải học theo phương pháp tư duy, tự luận thì nhiều con bị “đơ”.
Mặc dù học chuyên khối Tự nhiên, cả năm trời học thi Đại học, nhưng con gái tôi cũng phải thú nhận, với kiểu thi trắc nghiệm như hiện nay, để đạt điểm cao môn Toán, không có cách nào khác là nhiều bài phải học “mẹo”, học thuộc như các môn thi khối Xã hội.
2. Tại Nghị trường Quốc hội lần này cũng đang “nóng” lên nội dung về thi cử. Đại biểu Quốc hội cho rằng, thi bằng phương thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán trong kỳ thi THPT hiện nay, khiến cử tri không yên tâm.
Khi dạy và ôn cho học sinh, thầy cô chỉ cần hướng dẫn học sinh các “mẹo” làm bài trắc nghiệm để đạt kết quả cao. Còn học sinh chỉ cần khoanh tối đa các phương án đúng và còn lại là khoanh xác suất. Cách học này dẫn đến tình trạng học sinh bỏ qua các bước khi làm bài. Khi làm một bài Toán và tư duy logic bị xem nhẹ, học sinh chỉ cần ra được đáp án đúng là đủ.
Một cựu giáo viên trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) từng đào tạo hàng chục học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế về môn Toán cũng phải thừa nhận, với đề thi trắc nghiệm, bản thân thầy cũng không thể hoàn thành trong 90 phút, mà kể cả 180 phút cũng khó hoàn thành. Có những bài, với khả năng của thầy phải giải ít nhất trong thời gian 20 phút.
Vì thế, để đạt được những điểm 9, điểm 10 không còn cách nào khác, các em phải học tủ, học mẹo. Với các môn học tự nhiên, cách học, cách thi như vậy là một thất bại, đang làm thui chột khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh.
3. Thực tế trong thời gian vừa qua, những bất cập của việc thi trắc nghiệm, trong đó trắc nghiệm môn Toán đã bộc lộ rất nhiều hạn chế. Điển hình là vụ gian lận thi cử năm 2018 làm rúng động xã hội. Hàng loạt bài thi trắc nghiệm được “phù phép” từ điểm liệt thành những con điểm cao ngất ngưởng 8-9 một cách dễ dàng.
Sau hơn một năm trời, hậu quả của vụ việc này vẫn còn khá nặng nề. Hàng loạt cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, bị truy tố và vướng vòng lao lý. Trong số này, rất nhiều người là những người thầy, người cô, đã kinh qua cả hàng chục năm trong môi trường mô phạm, là tấm gương đạo đức cho học sinh lại trực tiếp tham gia hoặc tiếp tay cho hành vi gian lận. Họ đã cướp đi cơ hội của hàng trăm học sinh sinh có khả năng nhưng phải “nhường chỗ” cho những “thí sinh gian lận”.
Đáng buồn hơn cả, là sự sụp đổ niềm tin vào một môi trường mà ai cũng tin tưởng rằng, nơi đó là “sạch nhất” và không thể nào bị vấy bẩn.
Ngoài nguyên nhân chủ quan là do sự tham gia của những cán bộ trong ngành Giáo dục, một phần nguyên của việc người ta dễ dàng gian lận cũng bởi phương pháp thi trắc nghiệm có nhiều lỗ hổng. Những gian lận được phát hiện vừa qua là do những vết tích để lại trên bài thi. Còn nếu vẫn với cách thức thi trắc nghiệm, nếu người ta chủ ý móc ngoặc, gian lận ngay từ trong phòng thi bằng những hình thức khác, đơn cử như ám hiệu bằng hành động, hành động nào thì tích vào câu a, hành động nào thì tích vào câu b… thì liệu chúng ta có phát hiện được?
Khi thực hiện phương án thi trắc nghiệm, chúng ta đặt nhiều hy vọng sẽ có nhiều đổi mới trong giáo dục. Nhưng thực tế lại cho thấy, cách thi này ở một số môn, trong đó có môn Toán, đang làm thui chột khả năng tư duy của học sinh, biến các em thành những “con vẹt” để có những điểm số đẹp.
Cũng qua cách thi này, không những tiêu cực không giảm mà lại là phương thức để người ta dễ dàng tiêu cực. Qua vụ việc gian lận thi cử 2018, thì càng thấy nó dễ đến mức nào.
Đổi mới giáo dục là cần thiết, kể cả việc thí điểm các cách làm mới cũng là cần thiết. Nhưng khi đã nhìn thấy rõ những bất cập, thậm chí dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì nhất định phải có sự thay đổi. Không thể mãi ôm khư khư cách làm cũ chỉ vì nó chưa hết thời hạn thí điểm hay vì một lý do nào khác.
Bởi, mỗi sai lầm trong lĩnh vực khác có thể khắc phục hoặc sửa chữa, nhưng những sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều thế hệ, ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội và tương lai của đất nước./.
Theo: An An/VOV.VN