Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Có một “Thành Nhà Hồ thu nhỏ” ở xứ Thanh (19/11/2019-11:03)
    Cổ Bôn xưa, xã Đông Thanh (Đông Sơn) ngày nay vốn là một ngôi làng cổ nổi danh “vùng đất học” với những bậc đại khoa, nho thần tài đức vẹn toàn được người đời sau ca tụng. Trong đó, cuộc đời và sự nghiệp của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi mãi là niềm tự hào, trở thành đại diện tiêu biểu cho tinh hoa đất và người nơi đây. Người xưa đã “yên giấc” cùng đất mẹ nhưng trải qua hàng trăm năm lịch sử, đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi vẫn còn đó, lặng lẽ kể câu chuyện về một tài năng, nhân cách mẫu mực.
Nét cổ kính, trang nghiêm của đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi.

Chuyện về người thầy dạy 2 đời vua Lê

Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi, tự là Ấp Thành, người làng Kim Bôi, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn. Ông sinh năm 1515, trong một gia đình “danh gia vọng tộc”. Ông nội là Nguyễn Uyên làm tri huyện, được gia phong Thái bảo. Thân phụ là Nguyễn Tứ, làm Tham nghị Thái Nguyên, được phong Thái bảo. Thân mẫu là Lê Thị Niệm, con gái đầu lòng của quan Hiến sứ Thụy Bằng Lê Hựu. Ông bà sinh được ba người con trai đều làm rạng rỡ danh tiếng gia đình, dòng họ thuở trước: Trai trưởng là Nguyễn Văn Nghi; con trai thứ hai là Nguyễn Văn Liêm, được phong là Thông chính phó; con trai thứ ba là Nguyễn Văn Diễn, được phong là Tuyên dực tá lý công thần Thượng bảo tự khanh, tước Tuyên Đạt tử.

Khi còn trẻ tuổi, Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi ngày đêm miệt mài đèn sách. Năm 39 tuổi, ông thi đỗ Nhất giáp Chế khoa, khoa thi năm Giáp Dần (1554), đời Vua Lê Trung tông. Là người tài đức vẹn toàn nên ông được giao cho giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới 3 triều Vua Lê: Lê Trung tông, Lê Anh tông và Lê Thế tông. Trải qua 3 triều vua, từng kinh qua nhiều chức vụ khác nhau: Hiệu lý Hàn lâm viện, Đông các hiệu thư, Tham chính Nghệ An, Tả thị lang Bộ Lại, nhập thị Kinh diễn kiêm Đông các học sĩ. Cho dù ở cương vị nào đi chăng nữa, ông vẫn luôn được mọi người tin yêu, quý trọng bởi cả tâm đức và tài năng: “Ông là bậc đại khoa, ngôi cao chốn triều trung, được khí thiêng của trời đất chung đúc, được tôn làm phúc thần. Vinh hoa chồng chất, phúc đức cao dày. Phúc cho nước, phúc cho dân, phúc cho con cháu, phúc cho dòng dõi... Công danh chói lọi, rạng rỡ muôn đời, con cháu được hưởng tiếng thơm lâu dài với dương thế”. Phan Huy Chú cũng từng có những dòng nhận định về con người, nhân cách cao đẹp của ông: “Ông tính đoan trang, cẩn thận, có khuôn phép... Là bậc danh nho đỗ cao, được ba vua tri ngộ, đức nghiệp và tiếng tăm hơn cả các nho thần đầu thời Trung hưng”. Ông cũng là người trực tiếp hầu giảng 2 vị vua: Lê Anh tông và Lê Thế tông nên thường được truyền tụng là “người thầy của 2 đời vua”. Sau khi ông mất, nhân dân lập đền thờ; Vua Lê Thế tông gia ân tặng chức Thượng thư bộ Công, tước Thái bảo, ban thụy hiệu là Phúc Khê tướng công, ban cho 30 mẫu ruộng ở quê nhà để nhân dân làm công điền thờ cúng ông.

Trăm năm cổ tự

Đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi được xây dựng vào năm 1617. Sau đó, đền được con trai thứ hai của ông là Binh bộ Thượng thư, Thái phó, Quốc lão tham dự triều chính, Đăng Quận công Nguyễn Khải cho tu sửa, mở rộng quy mô. Tiếp đó, đến năm 1631, cháu ngoại ông là Lê Khắc Tuy, tri phủ Hà Trung cùng nhân dân trong huyện Đông Sơn tu bổ hoàn chỉnh thêm.

Với tổng diện tích khoảng 38.000m2, khu đền thờ - lăng mộ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi được xây dựng với nhiều hạng mục theo kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm 2 vòng thành khép kín: Thành ngoài bằng đất, thành trong bằng đá. Đây là quần thể có kiến trúc rất đặc biệt so với thời bấy giờ và cho đến tận ngày hôm nay. Đường dẫn từ thành ngoại vào trong khu nội viên được lợp đá tảng, hai bên là hàng tượng chó đá, ngựa đá, voi đá và tượng người chầu bằng đá có kích thước đồ sộ. Hai tấm bia đá rộng hơn 2,5m đối xứng hai bên, một chiếc bao gồm cả phần mái che cũng được đục nguyên khối không tách rời khiến người xem có phần ngưỡng mộ vì sự tỉ mỉ của từng con chữ và hoa văn được khắc tinh tế trên bia. Tấm bia “Phúc Khê tướng công tử” là bia một mặt khổ 194 x 126cm. Trán bia chạm lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh diềm bia có trang trí họa tiết cây mai và chim. Nội dung tấm bia nói về gia đình, dòng họ, thân thế, sự nghiệp của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi khắc khoảng 29 dòng với khoảng 1.100 chữ Hán, chữ khắc to chân phương. Bia dựng vào năm Hoằng Định 18 (1617). Tấm bia “Thượng thư lệnh công ký” cũng là dạng bia đá một mặt khổ 205cm x 144cm. Trán bia chạm lưỡng long chầu nguyệt, diềm rộng 10cm chạm khắc hoa văn. Bài văn khắc gồm 26 dòng khoảng 550 chữ Hán do Tiến sĩ Lê Khả Trù người xã Phúc Thọ, huyện Đông Sơn phủ Thiệu Thiên, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ 10 (1628) soạn. Văn bia ca ngợi công danh sự nghiệp của viên tướng võ Nguyễn Hài được phong Dực vận tán trị công thần, Thượng thư bộ Lại, tước Đặng quận công, Thượng trụ quốc. Ông không những là bậc trọng thần, là chỗ dựa của triều đình, có nhiều công với dân với nước mà còn luôn cứu giúp họ hàng làng xóm. Phần sau khắc bài thơ 8 câu, ca ngợi công danh sự nghiệp của Nguyễn Hài nói riêng và dòng họ Nguyễn làng Kim Bôi nói chung.

Dạo bước qua những phiến đá nhỏ lát nền dọc theo lối đi, giữa khung cảnh thiên nhiên thanh tịnh, yên bình dẫn vào cổng đền. Ngay từ lần chạm mặt đầu tiên, thiết kế cổng thành khiến bất kỳ ai cũng đều có cảm giác quen thuộc đến kỳ lạ, dễ dàng liên tưởng đến công trình kiến trúc độc đáo - Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ - Thành Tây Đô. Cổng dẫn vào đền có hình mái vòm, 1 cửa duy nhất, kết hợp giữa kỹ thuật xếp đá (ở thành cổng) và gạch xây (ở phía nóc thành), bên trên có khắc ba chữ “Tướng công môn”. Tường đá bao bọc cao tới gần 2m, bề rộng 1,5m dựng bằng hai hàng đá tảng, ở giữa đổ đất nện, phía trên là những phiến đá hình mai rùa úp xuống. Từ cổng đền, tiếp tục thong dong vãn cảnh, chẳng mấy bước chân đã có thể tiến thẳng vào khu đền thờ chính. Trước đây, toàn bộ khu đền thờ có tới 24 dãy nhà lớn bé bao quanh, bố trí từ nhà sắp lễ ở ngoài cổng, khu đền thờ, khu hậu viên, khu nhà tổ, khu nhà thờ dành cho người vợ của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi... Trải qua biến thiên của lịch sử, rêu phong của thời gian, đến nay, khu đền thờ chỉ còn lại gian nhà cầu nối nho nhỏ dùng làm nơi thờ tự. Đây là gian nhà nằm giữa, nối gian tiền đường, trung đường với nhà chánh tổng dài và rộng ở phía sau. Tất cả đều có mái chạm trổ cong cong, lát gạch lợp mũi hài, nung thủ công. Gian cầu nối tuy nhỏ nhưng hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều các bức chạm trổ trang trí, vì kèo, xà ngang, hệ thống cột đỡ... minh chứng tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc tinh xảo lúc bấy giờ. Với những giá trị văn hóa – lịch sử, nghệ thuật kiến trúc còn lưu giữ lại được, đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1990.

Vượt ra khỏi khuôn khổ của một nơi thờ tự tư gia, đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi được xem như pho tư liệu quý về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc thế kỷ XVII. Hằng năm, vào mỗi dịp tết đến xuân về, trước mỗi kỳ thi quan trọng hay Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngôi đền vốn yên tĩnh nép mình sau những hàng cây xào xạc gió bỗng rộn rã hẳn lên bởi tiếng bước chân người tìm về chiêm bái. Chẳng mong cầu công danh, lợi lộc, hơn thua với đời, thế hệ cháu con hôm nay chỉ nhất tâm xin được mượn nén hương trầm tỏ chút lòng mến mộ, tri ân sâu sắc tới người thầy trí tuệ uyên thâm, nhân cách cao đẹp. Nhưng cũng có chút chạnh lòng khi thấy gian nhà cầu duy nhất còn lưu lại của một cơ ngơi từng một thời rộng lớn, bề thế đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Ông Hoàng Văn Bảy – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thanh chia sẻ: “Đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi thực sự là một công trình kiến trúc, điêu khắc độc đáo nhưng trải qua thời gian tồn tại mấy trăm năm đã bị xuống cấp nên rất cần sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời từ các cấp, các ngành có liên quan và sự chung tay góp sức của đông đảo quần chúng nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích”.

Theo: Thảo Linh/Báo Thanh Hóa điện tử

 


 

Các tin khác:
  • Thanh Hóa thống trị lứa tuổi 12 tại Giải quần vợt trẻ xuất sắc toàn quốc - tour 4, năm 2019 (12/11/2019-8:49)
  • Thêm một ấn phẩm sách ảnh về Trường Sa. (12/11/2019-6:43)
  • Hàng loạt công trình du lịch được quốc tế vinh danh, vị thế Việt Nam đã thay đổi (05/11/2019-12:47)
  • Việt Nam giành 14 huy chương tại Giải vô địch cờ vua Đông Nam Á (05/11/2019-6:15)
  • Vài suy ngẫm về văn hóa rượu và uống rượu (04/11/2019-14:40)
  • Người mê góp nhặt hoài niệm (31/10/2019-15:42)
  • “Viết và đối thoại" trên bệ đỡ của sự thật (31/10/2019-8:33)
  • TTXVN và Liên doanh Vietsovpetro tổ chức triển lãm ảnh “Việt Nam - Nhìn từ biển” (25/10/2019-9:52)
  • Du lịch có trách nhiệm. (22/10/2019-09:56)
  • Du lịch có trách nhiệm (22/10/2019-09:56)