Phóng viên Đài PT - TH Hà Tĩnh thực hiện chương trình tọa đàm
1. Phát huy trí tuệ và thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa thông qua thái độ và hành vi bày tỏ ý kiến, đánh giá, nhân xét, phê phán, tranh luận, thẩm định của xã hội, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các cộng đồng và cá nhân, thông qua báo chí, truyền thông… đối với quá trình ban hành và thực thi các nghị quyết chính trị của Đảng và các chính sách của Nhà nước nhằm làm cho các quyết sách đó phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống, đó là bản chất của phản biện xã hội ở nước ta.
Từ đó cần nhận thức và nhận diện bản chất của báo chí phản biện xã hội là một thiết chế xã hội, là phương tiện và phương thức kết nối xã hội, can thiệp xã hội chứ không chỉ là công cụ hoạt động chính trị xã hội đơn thuần.
Báo chí - truyền thông đương đại là phương tiện và phương thức thông tin giao tiếp xã hội, liên kết sức mạnh trí tuệ và cảm xúc xã hội để soi rọi vào những vấn đề mà xã hội quan tâm. Đánh giá, phân tích, bổ sung và hoàn thiện nó, thừa nhận hay phản bác với những cơ sở lý lẽ xác đáng. Ở phương diện này báo chí nằm trong sức mạnh của cộng đồng được phát huy trong một thiết chế chính trị, mà ở đó Nhà nước là của dân, do dân và vì dân. Mặt khác cần xem báo chí là một thiết chế xã hội hoạt động trong sự tương tác với các thiết chế xã hội khác. Ở phương diện này, báo chí vừa bình đẳng, vừa bị chi phối bởi các thiết chế chính trị - xã hội cụ thể. Song ngoài tính lệ thuộc của thiết chế này vào các thiết chế khác, thì báo chí còn có tính đặc thù do chức năng báo chí và quy định của Luật Báo chí. Do đó mà báo chí có mối liên kết rộng rãi, có khả năng tạo ra nhiều mối quan hệ liên kết khác.
Báo chí phản biện xã hội có thế mạnh riêng, bởi: Một là báo chí công khai, kịp thời phát hiện những mặt tốt, những nhân tố tích cực, hợp lý cũng như những vấn đề bất công, yếu kém hoặc sai phạm trong quá trình xây dựng, thực thi chủ trương, chính sách, pháp luật; từ đó thực hiện chức năng phản biện xã hội của mình. Hai là thực hiện tự do ngôn luận báo chí do luật định. Báo chí đăng tải những thông tin, những ý kiến của công chúng về những vấn đề bức xúc liên quan đến lợi ích chính đáng của họ, từ đó thực hiện chức năng phản biện xã hội của mình về các vấn đề đang xảy ra. Tiếp cận cả hai vấn đề như đã nêu trên, báo chí thể hiện bản chất của mình là phương tiện và phương thức can thiệp xã hội. Đó là đặc thù riêng của báo chí và do vậy báo chí có thế mạnh trong phản biện xã hội.
2. Những đặc điểm cần được phát huy trong quá trình báo chí phản biện xã hội. Thực hiện chức năng giám sát xã hội nhằm kịp thời phát hiện những nhân tố tích cực cũng như những tiêu cực, sai phạm trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên cơ sở đảm bảo lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo Nhân dân… Báo chí thực hiện tốt các chức năng xã hội, các nguyên tắc hành nghề, thể hiện đầy đủ là phương tiện kết nối xã hội, khơi dậy và phát triển tài nguyên mềm, sức mạnh mềm quốc gia; là quá trình kết nối sức mạnh trí tuệ và cảm xúc của cộng đồng, nhất là với những người, những bộ phận trong quá trình thiết kế và xây dựng quyết sách, chính sách cũng như quy trình thực hiện chúng. Bởi thế phản biện xã hội là quá trình thực thi dân chủ, phát huy mọi tiềm ẩn và sức mạnh của Nhân dân vào sự nghiệp phát triển đất nước trong thể chế nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đây là quá trình thể hiện và thực thi quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí của công dân do pháp luật quy định và mang tính đặc trưng của báo chí Việt Nam. Quá trình phản biện xã hội qua báo chí truyền thông đảm bảo tính nhanh nhạy và kịp thời nhất, huy động nguồn lực trí tuệ và cảm xúc của Nhân dân rộng rãi nhất và tác động đến nhiều nhóm đối tượng, đảm bảo thường xuyên liên tục với các phương thức phương pháp đa dạng, nhiều chiều và sinh động. Trong môi trường truyền thông số và toàn cầu hóa có thể nói không có phương tiện và phương thức nào bảo đảm được các tính chất hữu hiệu như vậy. Do đó quan điểm, thái độ đối với phản biện xã hội của báo chí là một trong những chuẩn mực đánh giá mức độ dân chủ của thiết chế chính trị.
Chi hội Nhà báo Văn phòng Hội Nhà báo tổ chức sinh hoạt
nghiệp vụ và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016
3. Từ những đặc điểm đó, với thực tế báo chí Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề sau đây nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả phản biện xã hội. Đó là, 1) Báo chí Việt Nam là cơ quan ngôn luận của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của các địa phương trong cả nước và là diễn đàn của Nhân dân trong sự nghiệp đổi mới. Cần thống nhất nhận thức là làm sao huy động được sức dân, nguồn lực trí tuệ và cảm xúc của Nhân dân không chỉ qua các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp… mà còn qua báo chí - truyền thông như một diễn đàn công khai, minh bạch và dân chủ rộng rãi để lắng nghe hết, tiếp thu đầy đủ nhưng thông tin phản biện. 2) Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hình thành hành lang pháp lý trong việc quyền được thông tin; quyền được tiếp cận các nguồn tin của báo chí; sử dụng báo chí như phương tiện và phương thức kết nối các nguồn lực xã hội tham gia góp ý, phản biện các chủ trương, chính sách. 3) Cần được thể chế hóa bằng pháp luật về chức năng giám sát, phản biện xã hội của báo chí. Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thường xuyên tổ chức, gặp mặt, họp báo, nêu vấn đề để báo chí có điều kiện phản biện tập trung và có hiệu quả, đồng thời nêu rõ việc tiếp thu và xử lý các thông tin đã được phản biện. 4) Cần nhận thức đầy đủ nền báo chí cách mạng Việt Nam là nền báo chí trên cơ sở vì dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước; là nền báo chí luôn đứng về phía tiến bộ và phát triển xã hội; là nền báo chí chuyên nghiệp tuân thủ các nguyên tắc hành nghề và Luật Báo chí; là nền báo chí có đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp có đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn, biết khai thác thông tin cho công chúng và vì sự nghiệp chung. 5) Nhận thức đầy đủ về chức năng tư tưởng, tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, phục vụ nhu cầu lợi ích chính đáng của đông đảo công chúng xã hội, cho nên những nội dung báo chí phản biện dẫu là ở lĩnh vực nào, thuộc về ai thì trong đó cũng có phần trách nhiệm của báo chí. Để giải quyết, xử lý những vấn đề mà báo chí phản biện thì báo chí cũng phải đứng trong cuộc, góp phần để tạo nên sự lành mạnh trong xã hội và cộng đồng. Chưa nói là, để những nội dung phản biện thực sự có chất lượng thì còn phụ thuộc ở năng lực, ở tâm huyết, ở quan điểm và ý thức phản biện các chủ trương, chính sách vì lợi ích chung, vì hệ giá trị nhân văn và chú trọng xây dựng xã hội lành mạnh.
Theo Người làm báo Hà Tĩnh