Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Lại nỗi lo “giặc lửa” (19/01/2020-21:48)
    (NLBTH) - Càng gần vào tết nguy cơ hỏa hoạn càng trở nên đáng sợ hơn. Chỉ trong một tuần qua chúng ta đã phải tiếp nhận thông tin đau lòng khi có tới hai vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra khiến một ngôi chùa cổ lớn tại Hà Nội bị thiêu trụi và Tòa nhà dầu khí tại thành phố Thanh Hóa bị hư hỏng, nhiều người thương vong.

Hình ảnh minh họa, từ internet

Kết luận của cơ quan điều tra đều chỉ ra rằng nguyên nhân của các vụ hỏa hoạn phần lớn là do nhân tai. Nghĩa là hỏa hoạn xuất phát từ sự lơ là trong công tác phòng cháy cũng như thiếu chủ động trong chữa cháy của con người. Bên cạnh đó cách nghĩ đơn giản, lối sống thực dụng cũng khiến gia tăng số vụ hỏa hoạn.

Sau mỗi vụ hỏa hoạn lại có thêm bài học được rút ra, nhưng điều cần thiết hơn cả là chúng ta ứng xử với điều đó như thế nào, thì lại chưa được nhiều người, nhiều cơ quan nghiêm túc nhìn nhận, phòng tránh một cách triệt để.

Rất nhiều người thường giật mình, thậm chí lo sợ khi nghe tin hoặc chứng kiến một vụ hỏa hoạn nào đó. Thế nhưng có cảm giác điều đó cũng chỉ là câu chuyện phút chốc, nó sớm phải nhường chỗ cho những toan tính cuộc sống thường nhật.

Nguy cơ hỏa hoạn và nỗi đau từ sự mất mát chưa thật sự thôi thúc trách nhiệm, chuyển hóa hành động ở nhiều người dân. Thậm chí có người còn quan niệm việc có xảy ra cháy nổ hay không phụ thuộc vào số mệnh của chủ nhân.

Chính bởi suy nghĩ ấy đã khiến không ít gia đình và người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp coi thường “giặc lửa”.

Họ thường xây dựng những ngôi nhà, văn phòng, kho xưởng, quầy hàng mà gần như ít có sự đầu tư hệ thống phòng, chống cháy nổ, thoát hiểm, cũng như tạo ra sự tiện lợi để có thể thực hiện việc cứu hỏa một cách dễ dàng hơn.

Những ngày sắp tới đặt chúng ta vào hoàn cảnh phải đối mặt với nguy cơ hỏa hoạn cao hơn khi mà người dân nghỉ tết, việc phân công ứng trực tại các công sở, kho bãi thường rất lơ là. Cùng với đó thói quen sử dụng lửa để thờ cúng, thiêu hóa vàng mã tại các gia đình và điểm tâm linh trong những ngày tết cũng rất đáng nói.

Đã có rất nhiều vụ hỏa hoạn do sự bất cẩn trong sử dụng điện và lửa dẫn đến cháy nổ tại các di tích. Ngay tại Thanh Hóa, đền thờ Trung túc vương Lê Lai (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) cũng đã bị thiêu trụi cách đây ít năm do việc sử dụng lửa trong di tích không tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn cháy, nổ.

Những nỗi lo nguy cơ hỏa hoạn theo thời gian cứ nối dài thêm, nhưng trách nhiệm cao nhất và cũng gần như là duy nhất vẫn được đặt lên vai cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, mà lẽ ra nó phải được cộng đồng trách nhiệm từ dân cư.

Sau những tai nạn thương tâm do hỏa hoạn gần đây tiếp tục thúc bách chúng ta phải hành động thật sự, thay đổi thói quen xấu trong ứng xử với lửa, mà trước mắt là ngay trong kỳ nghỉ tết và lễ hội mùa xuân sắp tới.

Lam Vũ

 

 

Các tin khác:
  • Tăng cường kiểm soát giá thuốc (18/01/2020-21:52)
  • Sống chậm cùng cà phê (15/01/2020-21:40)
  • Nét văn hóa và sự thay đổi trong ứng xử (14/01/2020-21:37)
  • Chung tay xây tết ấm (13/01/2020-7:17)
  • Nêu cao tự giác, khẳng định sự liêm chính (10/01/2020-16:16)
  • Đề cao lòng tự trọng để luật thật sự thấm vào cuộc sống (09/01/2020-7:22)
  • Cơn sốt đất làng (07/01/2020-10:07)
  • Đảm bảo quyền lợi, hướng đến ổn định (05/01/2020-19:55)
  • Dịp để rà soát, thanh lọc cán bộ (03/01/2020-13:37)
  • Chủ động thực hiện cuộc cách mạng lớn (31/12/2019-21:56)