Tấm ảnh “Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác” của Đoàn Công Tính tại
Festival ảnh ở Pháp (trái) và ảnh ở cuốn “Khoảnh khắc” cho thấy rõ sự
chỉnh sửa và ghép thêm thác nước.
Mấy năm gần đây khi được tham gia Hội đồng chấm sơ khảo giải báo chí quốc gia hằng năm, tôi cùng các thành viên đã nhiều phen phải lắc đầu ngán ngẩm khi thấy hiện diện trên bàn chấm là nhiều bức ảnh sặc sỡ làm nhức mắt người xem. Đáng buồn hơn khi đó không chỉ là ảnh của một số chi hội báo ở tỉnh…
Sự thật vẫn là sự thật!
Không ai... điên lại đi thách thức giám khảo, nhưng quả thật nhìn những bức ảnh “photoshop” đó, cảm giác khó chịu là rõ rệt khi những thí sinh dù là cố tình hay vô tình đã hư cấu hóa sự thật.
Có những bức ảnh để mộc sẽ rất hay, câu chuyện thú vị, tạo hình ấn tượng, nhưng tất cả đều được tăng màu thành cảnh giả, thậm chí phản cảm. Có những ảnh dấu cắt ghép quá lộ liễu, có ảnh dây điện xóa vội không hết… Và dĩ nhiên có những ảnh photoshop rất tinh vi phải xem đi xem lại mới nhận ra. Có lẽ cuộc thi ảnh báo chí quốc gia cũng nên bắt thí sinh nộp file gốc (RAW) khi vào chung kết để kiểm tra. Tuy nhiên, ở một số cuộc thi, có tay máy láu cá sửa file phóng ra ảnh, sau đó chụp lại để tạo 1 file RAW gốc. Duy có điều file RAW chụp lại sẽ hiển thị đúng ngày tháng đã chụp, không can thiệp được. Vì vậy, kiểm tra file gốc phải kiểm tra luôn cả ngày tháng xem có khớp với sự kiện không.
Như vậy, vẫn luôn có một cái thước của sự thật, của lòng tin trong thời buổi tràn ngập giả dối và trống rỗng này.
Thói quen tệ hại
Hầu như máy tính nào của phóng viên ảnh báo chí ở ta đều cài photoshop, và ảnh nào cũng phải xử lý. Nếu chỉ dừng ở xử lý sơ như chỉnh sáng, tối, cắt cúp thì được, nhưng thói quen và đúng hơn là cảm giác muốn có tấm ảnh tốt nhất luôn ám ảnh người chụp, vì thế việc xử lý ảnh hậu kỳ “quá tay” trở thành thói quen, kể cả dùng bộ lọc filter hay các hiệu ứng nghệ thuật.
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp vì áp lực thời gian, phóng viên ảnh giỏi nghề cũng không tạo được bức ảnh hoàn hảo như ý thư ký tòa soạn, ví như ảnh chụp một nhóm nhân vật quan trọng mà mặt ai cũng phải nét, có cảm xúc tốt trong thời gian ngắn. Ảnh được ông này thì mất chị kia (mất cảm xúc tốt), thành ra việc ghép mặt nhân vật từ ảnh này sang ảnh khác là giải pháp đối phó nhất thời.
Chưa kể, nhiều tòa soạn báo thích ảnh đẹp mắt, vì thế hay mời nghệ sĩ nhiếp ảnh cộng tác, thành thử ảnh của nghệ sĩ thường đã được xử lý quá kỹ lưỡng làm mất đi tính trung thực của ảnh, như phóng viên ảnh Trần Tiến Dũng (Báo Tuổi Trẻ) cho biết. Quan niệm về vai trò, chức năng của ảnh báo chí tại nhiều tòa báo còn chưa chuẩn, thế nên mới có chuyện chồng ảnh nhỏ lên ảnh to, rồi cắt ghép làm photomontage cốt để bắt mắt mà không tôn trọng sự thật và tính toàn vẹn của ảnh.
Phóng viên ảnh Lương Xuân Trường (Tạp chí Nông thôn mới) khẳng định: Tình trạng phóng viên xử lý ảnh qua photoshop là không thể chấp nhận được. Nhưng anh cũng nói thêm: Trong công tác tòa soạn có thể xử lý photoshop vì những mục tiêu cụ thể, trong những trường hợp cụ thể, chủ yếu liên quan đến tính thẩm mỹ. Khi xử lý phải có sự trao đổi kỹ giữa phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn, thậm chí lãnh đạo báo. Người sửa là kỹ thuật viên, chứ phóng viên, biên tập viên không được trực tiếp sửa.
Và Trường cười buồn: Trong nhiều trường hợp chuyện cơm áo lớn hơn chữ nghề. Tin viết vội, ảnh chụp nhanh… trở thành năng lực sinh tồn của phóng viên nhất là trong giai đoạn này, khi báo điện tử phát triển mạnh. Nhu cầu có những khuôn hình “hot” thường trực ép lên người cầm máy, điều kiện tác nghiệp, sống trong hiện tại khiến người ta dễ dối trá trong nghề.
Giới hạn nào?
Giờ đây khi công nghệ phát triển khủng khiếp, các tính năng trên máy ảnh ngày càng ưu việt hơn từ HDR cho đến các hiệu ứng filter thì giới hạn càng cần đặt ra cụ thể hơn. Năm 2013, ảnh đoạt giải Bức ảnh của năm của ảnh báo chí thế giới (World Press Photo - WPP) của Paul Hansen (Thụy Điển) bị phê phán là dùng phần mềm HDR làm ảnh lung linh và kịch tính hơn rất nhiều…
Những gì được làm trong buồng tối xưa thì nay photoshop - buồng tối hiện đại còn làm được nhiều hơn. Vấn đề là các nhiếp ảnh gia - phóng viên báo chí được phép chỉnh sửa tối đa đến mức nào cho ảnh báo chí. Việc chỉnh sửa sáng tối quá đà hoàn toàn có thể làm thay đổi câu chuyện, chí ít là che đi phần nhược của bức ảnh và làm biến đổi không khí trong ảnh.
Có người lập luận rằng với ảnh chân dung và ảnh thể thao thì việc chỉnh sửa được nới rộng giới hạn hơn các ảnh chụp tin tức vì nó mang yếu tố con người nhiều hơn. Nhưng vì sao lại không thể có một niêm luật chung bình đẳng cho mọi thể loại ảnh báo chí?
Văn Việt
Nguồn: Báo Lao động