Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet
Trên nhiều trang cá nhân của mình, nhiều người trẻ đã rất thích thú “khoe” các hoạt động của mình. Đặc biệt là những clip, những bức ảnh về sự hóa thân của họ vào những nhân vật truyền thống trong những ngày đầu năm, như thôn nữ vai mang quang gánh ở hội nấu cơm thi hay một nhân vật nào đó trong một tích trò, một làn điệu chèo với trang phục, điệu bộ khác biệt với phong cách lâu nay của họ.
Sở dĩ những bạn trẻ có cơ hội để tham gia các hoạt động này là do họ được nghỉ ngơi trong dịp tết ở quê nhà hoặc về quê thăm người thân trong dịp tết. Trong số đó có cả những bạn trẻ tự tổ chức du xuân tập thể về các làng quê vào đúng thời điểm các hoạt động văn hóa ở làng xã được tổ chức nhiều nhất.
Sự phát triển của công nghệ cùng lối sống có phần đua đòi trong thời gian qua đã cuốn nhiều người trẻ vào những trào lưu văn hóa xa lạ, thậm chí là lệch lạc. Nhiều sân khấu kịch, nhạc kịch truyền thống không còn đủ khách để đỏ đèn. Trong khi đó rất nhiều không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng trở nên rất đáng báo động khi chỉ còn có sự tham gia của những người lớn tuổi. Một số nhà nghiên cứu văn hóa thậm chí còn đưa ra dự báo hết sức lo lắng về nguy cơ “biến mất” của một số trò chơi, trò diễn dân gian trong tương lai gần.
Sự trở lại với những sân chơi văn hóa truyền thống một cách có phần bất ngờ của nhiều người trẻ trong dịp tết này vì thế đã ít nhiều tạo ra một hiệu ứng lan tỏa.
Khó để nói rằng đó là một sự trở lại thật sự hay chưa, bởi đây có thể mới chỉ là sự tò mò có tính nhất thời hoặc là một kiểu hot trend trên mạng xã hội, nhưng ít nhiều nó cũng cho thấy người trẻ chưa hoàn toàn quay lưng lại với văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nghệ thuật truyền thống cần được bảo tồn và để thực hiện điều đó bên cạnh đầu tư nguồn lực vật chất, chúng ta cần phải có môi trường, đặc biệt là nguồn nhân lực.
Người trẻ bên cạnh việc tham gia vào việc bảo tồn bằng cách hóa thân thành những diễn viên, còn phải sắm vai trò là những khán giả tích cực.
Nghệ thuật chắc chắn chỉ có thể “sống” cùng thời gian khi có khán giả thường xuyên. Lớp người lớn tuổi rồi cũng sẽ ra đi, chắc chắn nghệ thuật truyền thống cần phải có lớp người kế cận để tiếp nối.
Vì thế sự tham gia trở lại của những bạn trẻ trong dịp xuân này đang mở ra một cơ hội. Điều được chờ đợi là chúng ta sẽ chớp lấy cơ hội ấy như thế nào.
Yêu cầu này đặt ra cho cơ quan văn hóa, tổ chức đoàn, đội là cần tạo thêm nhiều sân khấu hơn nữa, những diễn đàn văn hóa với cách tổ chức phù hợp để lôi kéo thanh, thiếu niên tham gia, thổi bùng lên ngọn lửa say mê, tinh thần yêu nghệ thuật truyền thống ở người trẻ.
Lam Vũ