Thứ sáu, ngày 22/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đồng tiền và vấn đề quốc thể (10/07/2016-7:43)
    (NLBTH) - Phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế du lịch đang được nhiều địa phương đặc biệt chú ý bởi lợi thế từ nguồn tài nguyên và giá trị mà nó đem lại.

Khách du lịch Trung Quốc ngày càng nhiều tại Việt Nam.

(Ảnh chỉ có tính minh họa) 

Tuy nhiên, phát triển du lịch phải hài hòa giữa lợi ích kinh tế và các vấn đề xã hội. Đó là điều mà các tỉnh, thành cần hướng tới, không chỉ vì lợi ích của riêng ngành “công nghiệp không khói” này, mà còn bởi những vấn đề lớn hơn.

Chúng ta vừa kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Ngành Du lịch Việt Nam (9/7) tôn vinh người làm du lịch; khuyến khích, biểu dương những sáng kiến, cách làm hay trong ngành kinh tế đặc thù này.

Nhưng cũng trong tháng 7 năm 2016, cả nước lại xôn xao, thậm chí lên án mạnh mẽ cách làm du lịch ở một số địa phương khi đang quá coi trọng nguồn thu từ du lịch mà để các công ty lữ hành và du khách lộng hành, thậm chí ảnh hưởng đến cả Quốc thể.

Việc du khách Trung Quốc tăng trưởng mạnh trên thị trường du lịch nội địa Việt Nam là điều mừng. Nhưng đi kèm là hành động đáng tiếc, bởi một số du khách đã quá khích khi có biểu hiện tiêu tiền Nhân dân tệ của Trung Quốc và đốt tiền Việt Nam đồng; nhiều hướng dẫn viên Trung Quốc ngang nhiên xuyên tạc lịch sử, chủ quyền biển, đảo Việt Nam với các đoàn khách. Thậm chí còn đánh đuổi, cướp việc từ hướng dẫn viên tiếng Trung của một số công ty lữ hành Việt Nam.

Việc làm này, theo Tổng cục Du lịch là được một số công ty lữ hành của Trung Quốc và Việt Nam bắt tay nhau theo những hợp đồng du lịch “ma quỷ”.

Vì lợi ích kinh tế trước mắt, một số doanh nghiệp du lịch, người làm du lịch đang phớt lờ đi những quy định của pháp luật, thậm chí cả danh dự quốc gia.

Đồng tiền thu được quan trọng, nhưng không thể đánh đổi bằng danh dự, sự vẹn nguyên hình hài của cương thổ, giá trị biển đảo thiêng liêng mà máu xương của cha ông ta đã bao đời xây đắp.

Ngành Du lịch Việt Nam hiện còn thiếu công cụ, lực lượng kiểm tra để xử lý những vi phạm này. Đó là cản trở lớn trong việc thực thi pháp luật, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền thực sự vào cuộc, coi đó là nhiệm vụ Quốc gia, chứ không phải của riêng cơ quan quản lý du lịch.

Những mất mát tinh thần liên quan đến du khách Trung Quốc đang nóng bỏng trong những ngày qua, cũng sẽ là bài học cho nhiều công ty du lịch Việt Nam, cơ quan quản lý du lịch ở các địa phương.

Phát triển du lịch là cần thiết, nhưng phải trong khuôn khổ quy định của pháp luật, chứ không thể chỉ là câu chuyện… tát cạn để bắt lấy!

Người làm du lịch phải cân nhắc để có quyết định đúng.

Anh Vũ

 

 

Các tin khác:
  • Lo lắng từ những “pháo đài” (24/06/2016-7:30)
  • Không thể chấp nhận sự tùy tiện trên phép nước (23/06/2016-8:28)