Du khách trẩy hội, dâng hương, vãn cảnh chùa đầu xuân trong
ngày khai hội. Ảnh: Thanh Tùng (TTXVN)
Với sự bất tiện của chiếc khẩu trang không mong muốn trên mặt chắc chắn việc làm của người đi lễ khó để mà theo được cái tâm của họ nữa. Nhiều người quan niệm rằng phật, thánh tại tâm, bề trên chắc cũng xá cho sự sơ sài, nên nhanh chóng hành lễ và ra về để bảo vệ mình trước nguy cơ lây lan của dịch.
Trong buổi lễ cầu an, cúng sao rằm tháng giêng ở thành phố Thanh Hóa, nhiều nhà chùa còn hướng dẫn người đi lễ bái sớ trước và ra về ngay, không tập trung rềnh rang với nhiều nghi thức kéo dài hàng tiếng đồng hồ như những năm trước
Do có những yêu cầu bắt buộc để thực hiện công tác phòng dịch nên cũng không còn phải chứng kiến những hành động không đẹp như những lễ hội trước. Đó là cảnh khách không vào được các ban thờ đã dắt tiền lên cửa đền, tay tượng, râu tượng, ném xuống giếng, xuống suối.
Khu vực bàn ghi công đức, bàn sắp lễ cũng không còn phải chen lấn vì quá tải. Ở nhiều di tích có tiếng là thiêng cũng không còn phải chứng kiến tình trạng “chặt chém” du khách với những mâm lễ, suất cúng lên tới tiền triệu. Khi mà cầu nhỏ hơn cung, những kẻ cơ hội cũng khó để mà đội giá, o ép.
Với tinh thần chống dịch như chống giặc, lễ hội xuân năm nay được phía cơ quan quản lý và cộng đồng cùng nhau đặt trong một khoảng lặng so với chính sự ồn ào một cách thái quá của nó trong nhiều năm trước. Nhưng khoảng lặng ấy có thể thay đổi khi mà dịch bệnh không còn, sự thực dụng hiện nguyên hình.
Lâu nay chúng ta đề cập nhiều đến sự yếu kém trong quản lý lễ hội, và thực tế là có một số lễ hội xảy ra tình trạng “vỡ trận”.
Cứ duy trì cách làm này lễ hội năm sau chắc chắn sẽ có sự chuyển biến. Những người tổ chức lễ hội không thể viện lý do rằng nhu cầu lớn nên phải chiều lòng du khách. Khách lễ cũng không thể khăng khăng rằng cái tâm của tôi có sao lại cấm cản. Càng không ai có thể đòi rằng cứ tổ chức lễ hội thì nhất thiết phải thực hiện những nghi thức phản cảm như chém lợn, giết súc vật để tế lễ hay giẫm đạp lên nhau để cướp phết, cướp lộc. Cũng chẳng ai có thể đòi hỏi ngoại lệ rằng ban quản lý di tích phải mở cửa để họ đưa lễ vào tận cung cấm hay nơi tôn nghiêm khác.
Mỗi lễ hội, mỗi di tích đều có quy định, cứ theo luật mà làm. Mọi sự xấu xí từ mặt trái lễ hội lâu nay phần do sự sáng tạo quá quắt của nhiều khách lễ, phần do sự bày đặt đầy dụng ý của nhà tổ chức.
Một mùa lễ hội trong điều kiện dịch dã khiến nhiều nghi thức bị cắt giảm là điều không vui với nhiều người vì nguồn thu sụt giảm, nhưng rồi cũng sẽ qua đi. Mưa rồi vẫn thuận, gió vẫn hòa, nhà nhà yên vui. Vậy nên mong rằng khoảng lặng của lễ hội xuân năm nay sẽ là gợi ý về cách tổ chức cho cơ quan quản lý và sự tham gia cho du khách ở mùa lễ hội năm sau, để chúng ta không còn phải chứng kiến dòng người chen lấn với những việc làm thực dụng, phản cảm nữa.
Lam Vũ