Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Đồng hành đẩy lùi “bạo bệnh” (14/02/2020-14:34)
    (NLBTH) - Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử sau khi ban hành đang nhận được sự quan tâm, chờ đợi của rất nhiều người.

Được chờ đợi bởi không chỉ xử phạt nghiêm, Nghị định 15/2020/NĐ-CP còn góp phần phòng, chống tin giả đang gây hoang mang dư luận hiện nay.

Như đã biết, mới đây nhất hàng trăm chủ tài khoản trên mạng xã hội ở Việt Nam đã bị xử phạt hành chính, buộc bóc gỡ thông tin sai lệch về dịch bệnh COVID - 19 mà họ đăng tải. Thế nhưng trong khi cơ quan chức năng đang rất nỗ lực chống lại bạo bệnh tin giả, thì mỗi ngày chúng ta lại chứng kiến thêm những thông tin thiếu trách nhiệm và bịa đặt khác trên không gian mạng.

Cuộc chiến chống tin giả dù rất nỗ lực, nhưng vẫn cho thấy sự thiếu hụt một chế tài với mức phạt đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 15/4/2020 thay thế Nghị định 174/2013/NĐ-CP, quy định rõ hơn về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

Theo đó, mức phạt tiền áp dụng sẽ từ 20 - 30 triệu đồng với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật. 

Nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi đưa tin không đúng sự thật, thông tin bịa đặt, vu khống, tin đồn thất thiệt để thu lợi bất chính từ 50 đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của tổ chức, cá nhân, thì hành vi này đủ căn cứ để xử lý hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015, người vi phạm sẽ phải đối mặt án phạt từ 30 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Chúng ta chờ đợi và tin tưởng mức phạt với những con số lớn hơn này sẽ tạo ra sự thay đổi. Nhưng liệu chỉ dừng lại ở việc phạt một cách cơ học, có đảm bảo ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên không gian mạng không?

Từng có không ít sự lạc điệu của những quy định, dù rất hay, nhưng khi đi vào thực tế do không theo kịp diễn biến cuộc sống hoặc không nhận được sự đồng hành hỗ trợ của cộng đồng, đã trở nên rất đơn độc.

Trong khi chờ đợi hiệu lực thi hành của Nghị định 15/2020/NĐ-CP, cần đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền, giác ngộ để những người còn u mê trên “cõi mạng” thấy hết được sự nghiêm khắc của Nghị định 15/2020/NĐ-CP, chính là sự đồng hành cần thiết và trách nhiệm của cộng đồng, nhà trường và từng gia đình trong cuộc chiến chống lại tin giả đang diễn biến đầy cam go và phức tạp hiện nay.

Tuệ Vũ

 

Các tin khác:
  • Cân nhắc để lựa chọn đúng (12/02/2020-22:57)
  • Phép thử cho quyết tâm chống dịch (12/02/2020-18:25)
  • Nhìn từ khoảng lặng của lễ hội (10/02/2020-09:51)
  • Không lo lắng cực đoan (08/02/2020-23:26)
  • Chủ động để chiến thắng (06/02/2020-10:20)
  • Một tín hiệu tích cực từ sự tham gia của người trẻ (04/02/2020-15:51)
  • Trách nhiệm trồng cây (02/02/2020-21:52)
  • Thay đổi để đáp ứng sự phát triển (31/01/2020-18:38)
  • Sử dụng đúng quyền hạn (21/01/2020-17:37)
  • Lại nỗi lo “giặc lửa” (19/01/2020-21:48)