Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Tính tự giác phải cao hơn cả quy định (06/03/2020-15:44)
    (NLBTH) - Sau khi Nghị định 19/2020/NĐ - CP về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 12/2/2020, đã có rất nhiều người quan tâm và chờ đợi hiệu lực thi hành.

Sỡ dĩ như vậy bởi đây được xem là một bước đột phá, tạo hành lang pháp lý rộng rãi hơn bằng những hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc dành cho người vi phạm. Theo Nghị định này, nếu cán bộ, công chức, viên chức gian dối, có hành vi nhũng nhiễu sẽ bị xử lý rất nặng, tới mức bị buộc thôi việc.

Lâu nay không phải không có quy định buộc thôi việc đối với công chức, viên chức, nhưng trên thực tế áp dụng quy định này rất khó do còn tình trạng bao che cho nhau, nhất là trong xử lý vi phạm thường nặng về vấn đề tình cảm, dẫn đến không có nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật đến mức buộc thôi việc nếu như không gắn với việc xử lý hình sự. Tình trạng này khiến cho nhiều cán bộ ngày càng có sự liều lĩnh, bất chấp gây bức xúc dư luận, kìm hãm sự phát triển.

Nghị định 19/2020/NĐ - CP ra đời nhằm hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật, góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Một trong những nội dung quy định rất đáng chú ý tại Nghị định này là trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, công chức, viên chức sẽ bị buộc thôi việc nếu có một trong các hành vi vi phạm như: Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính; chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.

Một quy định xét ở góc độ pháp luật là rất mạnh, giầu tính răn đe, có thể làm thay đổi căn bản ý thức, trách nhiệm, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức.

Dù được chờ đợi, nhưng cũng phải nhìn nhận là, thời gian qua có những quy định khi soạn thảo dù thể hiện được tính ưu việt, nhưng khi tổ chức thực hiện thì lại không được như mong muốn vì thiếu tinh thần tự giác, sự tôn trọng của các đối tượng mà quy định áp dụng.

Với việc Chính phủ ban hành Nghị định 19/2020/NĐ - CP đã tạo thêm những quy định rất nghiêm khắc làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm.

Nhưng để những quy đinh này thực sự phát huy tác dụng trong cuộc sống, đòi hỏi các đối tượng mà Nghị định áp dụng trên hết phải nêu cao tính tự giác.

Chỉ có sự tôn trọng, đề cao tính tự giác trong thực hiện mới chính là môi trường sống tốt nhất để quy định không rơi vào cảnh “cô đơn” trên giấy.

Tuệ Vũ

 

Các tin khác:
  • Báo chí trước sự bùng nổ của mạng xã hội (04/03/2020-23:05)
  • Đừng để quy định chỉ hay trên giấy (03/03/2020-14:27)
  • Thống nhất nhận thức để thay đổi hành động (02/03/2020-13:18)
  • Giúp cởi bỏ áp lực cho cán bộ (28/02/2020-7:31)
  • Trong gian khó càng nhận ra sự cao cả của nghề (26/02/2020-9:34)
  • Tạo sự ổn định cần thiết (24/02/2020-8:39)
  • Mở lối đi mới cho nông sản (20/02/2020-20:57)
  • Thực hiện hiệu quả đầu tư công (18/02/2020-19:32)
  • Thành tâm quá mức (16/02/2020-15:20)
  • Đồng hành đẩy lùi “bạo bệnh” (14/02/2020-14:34)