Bao nhiêu người đã vất vả chống dịch bệnh suốt nhiều ngày nay
Với đặc tính rất dễ lây lan và lây lan rất nhanh của Covid-19, chỉ cần người mang mầm bệnh thiếu ý thức phòng ngừa cho cộng đồng là rất có thể làm dịch bệnh bùng phát bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.
Trường hợp N17 (N.H.N) ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội đi nước ngoài trở về, có triệu chứng nhiễm virus Covid-19 nhưng không tự giác khai báo với các cơ quan chức năng đã làm cho cả bộ máy của TP. Hà Nội bị cuốn vào guồng chống dịch khẩn cấp, làm cuộc sống của hàng chục nghìn người bị đảo lộn, làm cho không biết bao nhiêu người hoang mang, lo sợ. Và nghiêm trọng nhất là có nguy cơ làm cho dịch bùng phát ở Thủ đô và nhiều địa phương khác.
Bài viết này, người viết bài không có chủ đích phê phán N.H.N cô đang là bệnh nhân nhiễm Covid-19 thì không nỡ lòng nào. Bài viết nhằm mục đích nêu lên hậu quả do N.H.N không tự giác khai báo khi bản thân có triệu chứng của căn bệnh nhiễm covid - 19 để làm bài học chung cho mọi người, nhất là khi dịch bệnh nguy hiểm này đang hiện hữu ở Việt Nam.
Xin khái quát những hệ lụy mà các cấp chính quyền và cộng đồng phải hứng chịu, để mọi người thấy được sự nghiêm trọng của vấn đề. Ngay sau khi nhận được thông báo của Bộ Y tế vào lúc 21h30 ngày 6/3, về việc bệnh nhân N.H.N dương tính với covd -19, lãnh đạo cao nhất của TP. Hà Nội đã phải triệu tập cuộc họp khẩn vào 22h30 cùng ngày để bàn biện pháp ứng phó. Sáng ngày 7/3, Ban Chỉ đạo Chống dịch Covid-19 tại Hà Nội họp bất thường về công tác chống dịch trên địa bàn.
Sáng ngày 7/3, cơ quan chức năng của Thành phố đã lập danh sách 33 người tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân N.H.N và 90 người tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần (F2). Trong đó 27 người phải lấy mẫu xét nghiệm.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã thành lập 25 đội phản ứng nhanh điều tra tối đa, tìm những người có nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc với các đối tượng F1, F2, F3. Kết quả đã phát hiện xấp xỉ 200 người buộc phải cách ly.
Cơ quan chức năng của Thành phố quyết định nâng một bậc cách ly (người thuộc diện cách ly tại nhà vẫn phải đưa đi cách ly tập trung, người cần giám sát theo dõi y tế thì tiến hành cách ly tại nhà, người tiếp xúc gần với bệnh nhân phải cách ly tại bệnh viện và lấy mẫu xét nghiệm như một ca Covid-19). Các đối tượng F4, F5 phải cách ly tại nhà 14 ngày.
Lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu Bệnh viện Hồng Ngọc dừng hoạt động, các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện này được khuyến cáo không ra viện. Hơn 500 thầy thuốc, nhân viên y tế của Bệnh viện Hồng Ngọc tổ chức cách ly tại một địa điểm ở khu vực quận Long Biên.
Tại phố Trúc Bạch, nơi cứ trú của N.H.N, lập chốt tại hai đầu tuyến phố, đóng cửa các nhà hàng; nhân viên y tế giám sát sức khỏe tất cả người dân trong khu vực mỗi ngày 2 lần, nếu ai ho sốt thì chuyển thành ca nghi ngờ nhiễm virus và đưa vào bệnh viện cách ly.
Trong cuộc họp khẩn tối ngày 6/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị tạm dừng các cuộc hội, họp không quan trọng để tập trung chống dịch; đề nghị UBND Thành phố cho học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học đến ngày 15/3/2020; đề nghị Cảng vụ hàng không Nội Bài dừng hoạt động chiếc máy bay N.H.N đi từ Luân Đôn về Hà Nội.
Sáng ngày 7/3, Binh chủng Hóa học tổ chức phun thuốc khử trùng nhiều tuyến phố thuộc phường Trúc Bạch, quận Ba Đình.
Không chỉ có vậy, nhiều người đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm dự trữ. Đến mức Thủ tướng Chính phủ buộc phải yêu cầu hệ thống các nhà bán lẻ mở cửa bán gạo đến 11h đêm nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân.
Chiều 7/3, bác gái và lái xe của gia đình N.H.N có kết quả xét nghiệm dương tính với covd – 19. Không chỉ ở Hà Nội, trong cuộc họp khẩn sáng ngày 7/3, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành yêu cầu huyện Thủy Nguyên và quận Dương Kinh cách ly ngay 2 khu dân cư có người tiếp xúc với bệnh nhân N.H.N.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Huy Hoàng, riêng thôn Phù Lưu nơi ông N.V.T (bố của N.H.N) sống, có 7.000 dân sẽ tổ chức cách ly toàn thôn trong chiều 7/3.
Từ những hệ lụy trên đây cho thấy, cả guồng máy của các cơ quan, các địa phương bị cuốn vào nhiệm vụ phòng chống dịch khẩn cấp; cuộc sống của hàng chục nghìn người dân trên nhiều địa bàn bị đảo lộn lớn; hàng nghìn người buộc phải sống cách ly; người thân và lái xe của gia đình N.H.N đã bị nhiễm. Nghiêm trọng hơn, thành quả to lớn về phòng chống Covid-19 của cả hệ thống với sự tham gia của hàng triệu người trên phạm vi cả nước trong hơn 2 tháng qua đang bị đe dọa.
Trong bối cảnh Covid - 19 đang tiếp tục lây truyền tràn lan khắp thế giới, Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ dịch bùng phát, từ bài học đó, hễ bất cứ ai khi có các triệu chức nhiễm Covid - 19 cần chủ động cách ly, không để lây nhiễm sang người khác và tự giác, kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính mình; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người thân và cả cộng đồng.
Với cộng đồng mạng, lúc này hơn lúc nào hết mọi người cần phải bình tĩnh và ý thức được trách nhiệm công dân, trách nhiệm với cộng đồng để hành xử đúng mực và có trách nhiệm. Vì chỉ cần một bài viết, một thông tin sai sự thật hoặc cố ý gây tâm lý hoang mang đưa lên mạng là rất có thể để lại hậu quả nặng nề cho địa phương, cho cả cộng đồng, trong đó có người thân của mình.
Đừng vì sự tắc tách của một người mà làm cả bộ máy chính quyền bị cuốn vào phòng chống dịch khẩn cấp; làm đảo lộn cuộc sống, đe dọa sức khỏe và tính mạng của hàng chục, hàng trăm nghìn người. Lúc nào cũng vậy, nhất là lúc dịch bệnh đang hoành hành, mỗi chúng ta hãy là người mang lại điều tốt lành cho người khác, chứ đừng trở thành người gieo rắc tai họa cho người khác.
Vì tính chất nghiêm trọng của tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người, nên Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định: Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội dẫn đến phải công bố dịch (thuộc thẩm quyền của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành hoặc bộ trưởng Bộ Y tế) bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm.
Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia như Sigapore, Thái Lan, Trung Quốc, Israel …đều có quy định phạt rất nặng về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Thiết nghĩ, để mỗi người dân luôn có ý thức trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng không chỉ dừng lại biện pháp giáo dục, tuyên truyền mà cần phải xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Nguyễn Huy Viện/ Vietnamnet