Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Không xem nhẹ kỷ cương (10/03/2020-16:26)
    (NLBTH) - Mất an toàn giao thông đường thủy nội địa gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng cho đời sống xã hội trong thời gian qua. Dù các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quy định, thực hiện các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục... nhưng bởi còn những lý do khác nhau dẫn đến một số bến đò ngang không có giấy phép, phương tiện không đảm bảo quy định về an toàn vẫn ngang nhiên hoạt động.

Đằng sau sự hoạt động trái phép của các phương tiện này đang phản ánh một thực trạng là hiệu lực của văn bản, hiệu quả từ các biện pháp tuyên truyền, cưỡng chế chưa cao, nếu không muốn nói là đang gặp những vấn đề.

Một trong số những tồn tại đó phải kể đến sự hoạt động bất hợp pháp của bến đò ngang tại xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) và xã Hải Lộc (Hậu Lộc) trong suốt hơn hai năm qua, tạo ra nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy.

Được biết ngày 13/2/2018 UBND tỉnh đã có công văn số 1802 yêu cầu UBND huyện Hậu Lộc và huyện UBND Hoằng Hóa ban hành quyết định đình chỉ bến đò ngang ở xã Hoằng Trường và xã Hải Lộc do chưa có giấy phép hoạt động bến khách ngang sông, lái đò chưa có chứng chỉ điều khiển phương tiện thủy nội địa. Theo đó, UBND hai huyện đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của hai bến đò này, giao trách nhiệm cho Phòng Kinh tế hạ tầng, Công an huyện và UBND xã phối hợp giám sát, yêu cầu chủ đò chấp hành. Trong trường hợp chủ đò vẫn cố tình hoạt động thì xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng sau hơn 2 năm quyết định này có hiệu lực, chủ bến đò vẫn bất chấp, phương tiện ngang nhiên hoạt động với lưu lượng người qua lại mỗi ngày khá đông. Đáng nói hơn là, do phương tiện không được sữa chữa, kiểm định, nên nguy cơ mất an toàn ngày càng trở nên lớn hơn đe dọa đến tính mạng khách đò.

Cho dù nhu cầu đi lại của người dân tại khu vực này là có thật, nhưng chủ phương tiện cũng không thể dựa vào điều đó như một thứ “bùa phép” để hoạt động trái với quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương càng không thể vì lý do ấy mà có thể làm ngơ hoặc thiếu kiểm soát, xử lý nghiêm.

Tình trạng này tiếp tục tồn tại không chỉ làm giảm hiệu lực của văn bản Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến kỷ cương, mà còn có thể xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng bất cứ lúc nào. Cơ quan chức năng của hai huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa cần rà soát lại, sớm có biện pháp khắc phục ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra, để pháp luật về giao thông đường thủy được tôn trọng hơn, kỷ cương được thắt lại.

Tuệ Vũ

 

Các tin khác:
  • Tính tự giác phải cao hơn cả quy định (06/03/2020-15:44)
  • Báo chí trước sự bùng nổ của mạng xã hội (04/03/2020-23:05)
  • Đừng để quy định chỉ hay trên giấy (03/03/2020-14:27)
  • Thống nhất nhận thức để thay đổi hành động (02/03/2020-13:18)
  • Giúp cởi bỏ áp lực cho cán bộ (28/02/2020-7:31)
  • Trong gian khó càng nhận ra sự cao cả của nghề (26/02/2020-9:34)
  • Tạo sự ổn định cần thiết (24/02/2020-8:39)
  • Mở lối đi mới cho nông sản (20/02/2020-20:57)
  • Thực hiện hiệu quả đầu tư công (18/02/2020-19:32)
  • Thành tâm quá mức (16/02/2020-15:20)