Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Chạy theo trào lưu (11/03/2020-13:46)
    (NLBTH) - Đang đau đầu vì phải lo khoản kinh phí gửi về quê góp lo việc tôn tạo âm phần thì gặp ông anh cùng quê đang công tác ở một cơ quan tại Thủ đô. Nhân lúc cao hứng anh hỏi: “Ở quê chú có xây nhà thờ không nhỉ?”. Rồi anh say sưa kể về ngôi nhà thờ mà anh vừa mất gần năm để hoàn thành.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet

Câu chuyện của anh như thêm cứa vào lòng. Món tiền chỉ gần chục triệu đồng góp cho họ tôn tạo mộ phần còn khó lo, thì lấy đâu ra tiền để cất dựng nhà thờ.

Có vẻ như nhiều người đang suy nghĩ một cách quy nạp rằng cứ có chút vị trí công tác là có thể kiếm được tiền để thể hiện sự hiếu kính với tổ tiên hay sao?

Vì hoàn cảnh chưa cho phép mà tôi nghĩ thế thôi, chứ thực ra có cái nhà thờ ở quê nhà sẽ giúp mình năng về hương khói cho tổ tiên hơn, tình cảm họ mạc vì thế mà thêm phần gắn bó. Xây cất nhà thờ xét ở góc độ nào đó là việc nên làm.

Vùng quê nơi tôi sinh ra thuần nông nên người làng ly hương nhiều, trong đó nhiều người có của ăn của để. Và khi có tiền không ít người thường nghĩ đến việc nghĩa bằng cách xây từ đường ở quê nhà. Những nhà thờ cầu kỳ, kiểu cách, có nhà thờ lên tới vài tỷ đồng mọc lên ngày một nhiều hơn ở vùng quê nghèo.

Không chỉ mình quê tôi, câu chuyện xây nhà thờ dường như đang chiếm một phần đáng kể trong nhiều mâm rượu, bàn trà. Giờ đây nhiều người chọn cách tự hào gia cảnh không còn bằng những ngôi nhà ở mặt phố, bởi bây giờ có quá nhiều nhà đẹp. Cũng không vì những chiếc xe sang nữa, bởi xe chạy đầy đường. Họ chọn cách thể hiện đẳng cấp của mình bằng ngôi nhà thờ ở vùng quê nơi họ sinh ra.

Có vài lần tôi được người quen thân mời dự khánh thành nhà thờ. Tôi không dám đặt câu hỏi là chủ nhân của những chiếc nhà thờ cầu kỳ ấy lấy nguồn kinh phí nào để xây dựng, mà chỉ băn khoăn ở nghi thức khánh thành những công trình ấy.

Dĩ nhiên nghi thức thường phải hài hòa và tương xứng với giá trị công trình. Nhưng tương xứng không nhất thiết gắn liền với sự khoa trương và lãng phí.

Một bạn học của tôi kinh tế cũng chỉ tầm tầm, nhưng vì ức bởi mấy bạn đồng khóa hồi đi học thua kém nhiều nhưng làm ăn sau này phát đạt, về quê bỏ tiền mua thêm đất của mấy nhà hàng xóm cất nhà thờ to đẹp, nên anh không chịu.

Cảnh con gà tức nhau tiếng gáy buộc anh phải tìm đủ cách huy động kinh phí. Rồi ngôi nhà thờ cũng ra đời, nhưng dù rất cố gắng nó vẫn không che dấu được sự khiếm khuyết của túi tiền, khó tránh được chuyện bàn tàn, trong khi đó vốn liếng của anh thì lại eo hẹp đi, thất bại rồi cũng đến.

Tôi cứ nghĩ cuộc sống cần có sự ganh đua, nhưng tùy từng vấn đề và điều kiện.

Xây nhà thờ là một cách tri ân tiền nhân, còn mang theo mục đích khác vào việc xây nhà thờ, thì rất dễ dẫn đến những câu chuyện không hay.

An Nhiên

 

 

Các tin khác:
  • Không xem nhẹ kỷ cương (10/03/2020-16:26)
  • Tính tự giác phải cao hơn cả quy định (06/03/2020-15:44)
  • Báo chí trước sự bùng nổ của mạng xã hội (04/03/2020-23:05)
  • Đừng để quy định chỉ hay trên giấy (03/03/2020-14:27)
  • Thống nhất nhận thức để thay đổi hành động (02/03/2020-13:18)
  • Giúp cởi bỏ áp lực cho cán bộ (28/02/2020-7:31)
  • Trong gian khó càng nhận ra sự cao cả của nghề (26/02/2020-9:34)
  • Tạo sự ổn định cần thiết (24/02/2020-8:39)
  • Mở lối đi mới cho nông sản (20/02/2020-20:57)
  • Thực hiện hiệu quả đầu tư công (18/02/2020-19:32)