Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Nghiêm túc với chữ nghĩa (15/03/2020-21:22)
    (NLBTH) - Cậu em họ đang đêm cập nhật lên facebook dòng chữ: “Toang mất rồi!”, khiến tôi lo lắng hỏi có việc gì, thì nhận được câu trả lời: “Thích thì viết thôi anh”.
Hình ảnh minh họa, từ internet

Gặng hỏi thì biết cậu và bạn gái vừa xảy ra chút khúc mắc trong khi đi chơi lúc đầu giờ tối. Tôi cúp máy nhẹ người hơn, lên giường đi ngủ.

Nhưng giấc ngủ không đến ngay được. Không phải vì tôi bị chi phối bởi câu chuyện tình cảm của lũ trẻ, mà thấy băn khoăn vì sự dễ dãi trong cách dùng từ.

Tôi nhớ lại là mình đã tiếp xúc với từ “toang” ấy rất nhiều lần. Chẳng qua là vì bận nhiều việc nên tôi không lưu tâm mà thôi.

“Toang” là một từ lóng, có thể hiểu như là sự đổ vỡ, hư hỏng đến mức không dùng được nữa. Ví dụ như quần áo rách toang hoặc cái gì đó nổ toang, vỡ toang...

Cách giải thích cho thấy mức độ nguy hiểm của sự việc nào đó, từ đó tác động, hối thúc tâm lý hành động của người tiếp nhận. Thậm chí tác động dẫn đến những suy nghĩ xấu, việc làm không có lợi trong một số hoàn cảnh nhất định.

Mức độ nguy hiểm khi dùng từ này là rất rõ, thế nhưng “toang” vẫn hồn nhiên xuất hiện trên không gian mạng, thậm chí còn ở cả trong một số câu chuyện giữa những người nào đó, như một hot trend.

Gần đây cụm từ được nhiều người trẻ ưa dùng nhất là: “Toang rồi ông giáo ạ”. Cụm từ này khởi phát trong một clip của nhóm 1977 Vlog trên mạng xã hội. Dù chả có nghĩa gì, nhưng vì nó ngồ ngộ nên được nhiều người nói theo, học theo.

Thậm chí nhiều người còn dễ dãi dùng cụm từ này trong những hoàn cảnh mà lẽ ra cần sự nghiêm túc nhiều hơn. Gần đây nhất cụm từ này đã được một số người dùng để ám chỉ tình trạng nhiễm virus covid - 19 vừa được phát hiện ở nước ta.

Trong khi cả hệ thống chính trị trong nước đang nỗ lực từng giờ phòng, chống dịch bệnh, đem lại sự lạc quan, thì rất nhiều người lại đang vô tư dùng những từ ngữ như thế làm nhiều người hiểu sai lệch đi mức độ, tính chất của vấn đề.

Cứ cho rằng đó chỉ là một sự hồn nhiên chạy theo trào lưu ngôn ngữ, nhưng chắc chắn là hậu quả của nó thì không thể hồn nhiên được. “Toang” vì thế có thể xem như là một ngôn từ đang có nguy cơ làm toang hoang cuộc sống.

Đành rằng có những từ ngữ mà pháp luật không ngăn cấm, nhưng khi dùng chúng ta cần có sự thận trọng, nên đặt nó trong những phạm trù đạo đức, có cái nhìn mang tính nhân sinh. Không nên chỉ vì cơn sung sướng nhất thời trong cách sử dụng ngôn ngữ, mà có thể chúng ta đang gây ra điều đáng tiếc.

An Nhiên

 

Các tin khác:
  • Dịp cân nhắc, lựa chọn cán bộ (13/03/2020-17:38)
  • Chạy theo trào lưu (11/03/2020-13:46)
  • Không xem nhẹ kỷ cương (10/03/2020-16:26)
  • Tính tự giác phải cao hơn cả quy định (06/03/2020-15:44)
  • Báo chí trước sự bùng nổ của mạng xã hội (04/03/2020-23:05)
  • Đừng để quy định chỉ hay trên giấy (03/03/2020-14:27)
  • Thống nhất nhận thức để thay đổi hành động (02/03/2020-13:18)
  • Giúp cởi bỏ áp lực cho cán bộ (28/02/2020-7:31)
  • Trong gian khó càng nhận ra sự cao cả của nghề (26/02/2020-9:34)
  • Tạo sự ổn định cần thiết (24/02/2020-8:39)