Thứ năm, ngày 14/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Cấm kỳ thị người nhiễm Covid-19, xử lý nghiêm việc thông tin sai sự thật, khai báo không trung thực (17/03/2020-21:02)
    Chiều 16-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp bàn ứng phó dịch bệnh Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ
.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hai tháng qua, các cấp, ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có nhiều cố gắng xử lý nhiều vấn đề đặt ra trong phòng, chống dịch bệnh, do đó đã mang lại kết quả tốt, nhất là trong giai đoạn 1. Các cấp, các ngành, địa phương đã và đang nỗ lực nhiều biện pháp để hạn chế tối đa việc lây lan từ nước ngoài. Chúng ta nhận định, giai đoạn này, dịch khốc liệt hơn trước, cũng là "giai đoạn vàng" trong vấn đề phòng, chống dịch, hạn chế lây nhiễm và tử vong.

Theo Thủ tướng, hiện nhiều nước trên thế giới có nguy cơ lây nhiễm cao, cho nên chúng ta tạm thời dừng cấp visa cho khách nước ngoài vào Việt Nam trừ khách mời, người có hộ chiếu công vụ, ngoại giao. Đây chỉ là biện pháp tạm thời nửa tháng đến một tháng. Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục hạn chế tối đa việc tụ tập đông người ở các tỉnh, thành phố, nhất là các thành phố lớn để hạn chế lây nhiễm, kể cả quán bar, karaoke...; tiếp tục thực hiện phương thức cách ly tập trung cùng với cách ly tại giai đình theo quy chế; cách ly theo nhóm được giám sát. Đây là biện pháp quyết liệt, căn bản, trong đó vai trò của địa phương, trước hết xã, phường là hết sức quan trọng để cùng với ngành y tế giám sát những người từ nước ngoài về nghi bị lây nhiễm.

Thủ tướng đánh giá cao các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân liên quan đã ủng hộ vật chất để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thủ tướng giao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam chủ trì, phát động, tiếp nhận mọi sự đóng góp để bàn giao Bộ Y tế mua sắm vật tư theo phương thức chỉ định thầu với giá thị trường; thành lập tổ công tác do Bộ Tài chính chủ trì giá công tác này công khai, minh bạch trong từng thời điểm. Đề nghị Ban Chỉ đạo xem xét cụ thể các mức tăng phục vụ ăn uống, các việc khác cho người đang cách ly và lực lượng phục vụ. Yêu cầu Ban Chỉ đạo trực tiếp quan tâm bác sĩ, y tá, nhân viên y tế trong quá trình cách ly, bảo đảm sinh hoạt tối thiểu.

Bộ Y tế có cách làm cụ thể mua ngay thiết bị vật tư y tế. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trực tiếp mua sắm thiết bị y tế cho các bệnh viện của mình đủ cơ số cần thiết; Bộ Công thương bảo đảm các cơ sở sản xuất đủ khẩu trang đáp ứng nhu cầu. Chuẩn bị phương án cách ly trong quân đội, giao Chủ tịch UBND các địa phương, ngành du lịch chuẩn bị thêm các địa điểm khác. Giao Tư lệnh quân khu điều hành việc này trên địa bàn.

Thủ tướng yêu cầu, cấm kỳ thị người nhiễm Covid-19, lên án và xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai sự thật, không trung thực trong khai báo... Trong bối cảnh quốc tế đang bùng phát dịch mạnh mẽ, Thủ tướng yêu cầu các bệnh viện T.Ư, quân đội, công an, các địa phương có phương án nóng để chuẩn bị; sẵn sàng tiếp tục huy động các bác sĩ, y tá đã về hưu để phục vụ khi cần thiết. Thống nhất thực hiện theo quy định của pháp luật về vấn đề thông báo dịch của Hà Nội và Đà Nẵng.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính chủ trì các gói tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức khác phục vụ phòng, chống dịch. Thủ tướng lưu ý, cần phát huy vai trò của y tế tế phường, xã; việc quản lý địa bàn hết sức quan trọng. Các khu chung cư cao tầng, sân bay phải có phương án phòng dịch và làm tốt các công tác khử trùng; người có bệnh nền có nguy cơ tử vong cao, do đó khuyến khích người trung cao tuổi đi khám sức khỏe, kê khai bệnh, khai y tế điện tử tự nguyện. Truyền thông phải làm tốt công việc này.

Xét nghiệm là biện pháp quan trọng ban đầu để kiểm soát virus, do đó các biện pháp xét nghiệm được triển khai rộng rãi là quan trọng; cần chú ý hơn các đối tượng khác yếu thế hơn e ngại đi khám trong xã hội nhất là lao động ngoại tỉnh, sinh viên. Đặc biệt, người đi trên máy bay cần phải được xem xét tình trạng y tế ngay trên máy bay và các hình thức xét nghiệm khác; hạn chế các chuyến bay từ vùng dịch đến hạ cánh ở các sân bay ở Việt Nam; trường hợp nếu hạ cánh thì Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải bàn để quyết định chọn vị trí hạ cánh trên tinh thần bảo đảm cách ly những người ở nước ngoài về Việt Nam dù bất cứ đối tượng nào.

Việc sàng lọc ngay trên máy bay sẽ giải tỏa tốt ở các sân bay. Các sân bay có trách nhiệm kiểm soát y tế. Bộ Y tế phải làm tốt quy trình này một các công khai, cụ thể. Nhấn mạnh công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, các cấp, các ngành hiện nay đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề, do đó Thủ tướng yêu cầu tinh thần "chống dịch như chống giặc", "bốn tại chỗ", huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang trực tiếp vào cuộc, nhất là quân đội. Ngành y tế huy động toàn hệ thống phục vụ chiến dịch này, phát động chiến dịch, đợt thi đua trong ngành để tranh thủ "giờ vàng" này, không bùng nổ dịch ở nước ta. Thường trực Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện tốt hơn Chỉ thị 11/CT-TTg đã đề ra.

* Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ họp về thúc đẩy Dự án thu phí tự động không dừng (TPTĐKD) tại các các trạm BOT.

Dự án do Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) triển khai ở các trạm BOT. Hệ thống TPTĐKD tại các trạm BOT do Bộ GTVT quản lý được chia làm 2 giai đoạn. Theo mục tiêu ban đầu, Dự án phải hoàn thành vào trước 31-12-2019. Tuy nhiên, đến nay dự án bị chậm tiến độ. Trong giai đoạn 2 của Dự án, vượt qua nhiều nhà thầu, liên danh Tập đoàn Viettel và một số đối tác đã được Bộ GTTV lựa chọn làm nhà đầu tư. Giai đoạn này dự kiến tiếp tục lắp đặt tại 33 trạm TPTĐKD, gồm: 10 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, 23 trạm trên các tuyến cao tốc, quốc lộ khác.

Sau khi nghe Bộ GTVT và các bộ, ngành báo cáo về tình hình triển khai dự án, phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc chưa hoàn thành Dự án theo tiến độ là khuyết điểm cần rút kinh nghiệm sâu sắc, dù có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Thủ tướng yêu cầu, Bộ GTVT gửi báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nhận khuyết điểm để rút kinh nghiệm chung. Thủ tướng hoan nghênh các bên liên danh Viettel và các đối tác đã phối hợp và có phương án triển khai để đến cuối năm nay hoàn thành triển khai TPTĐKD trong giai đoạn 2 này.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng trong Thông báo số 08 ngày 9-1-2020. Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo các bên của dự án thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ để hoàn thành trong năm 2020. Các bên liên doanh phải thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.

 

Theo: Báo Nhân dân điện tử

 

 

Các tin khác:
  • Khai báo y tế tự nguyện chính là yêu nước (11/03/2020-13:44)
  • Ra mắt hai ứng dụng cung cấp thông tin chính thức của Nhà nước về dịch bệnh Covid-19 (10/03/2020-16:23)
  • Ý thức trách nhiệm là yếu tố sống còn trong chống dịch bệnh (10/03/2020-16:21)
  • Dịch Covid-19: Không khai báo y tế, làm lây lan dịch bệnh có thể lĩnh án tù (09/03/2020-15:26)
  • Chậm nhất từ 10/3, thực hiện khai báo sức khoẻ toàn dân (09/03/2020-15:24)
  • Chưa cần thiết phải dự trữ thực phẩm (09/03/2020-15:22)
  • Gửi tin nhắn rác bị phạt tới 80 triệu đồng (09/03/2020-15:18)
  • Nâng cao chất lượng hoạt động phóng viên thường trú Báo Nhân Dân (06/03/2020-15:39)
  • Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3 (03/03/2020-7:18)
  • Hoàn thành quy hoạch báo chí 19 tổ chức hội Trung ương (02/03/2020-10:03)