Thật cảm động khi có những cụ già đạp xe đến đóng góp 1 triệu đồng, hay cụ bà 95 tuổi may khẩu trang chống dịch
Trong thời gian qua, khi dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên toàn thế giới với hơn 200.000 ca mắc và hơn 20.000 ca tử vong. Ở Việt Nam cũng đã có gần 150 ca bệnh thì nỗi lo lắng của người dân lại càng tăng lên. Cùng với đó, Chính phủ, các ngành các cấp, các lực lượng chức năng và toàn xã hội lại càng thêm vất vả.
Trong lúc khó khăn cũng có những hành động, thái độ không đúng của một số ít người như thiếu hợp tác trong việc cách ly và nhập cảnh tránh dịch. Những hành động đó đã vấp phải sự phản ứng của cộng đồng. Và chắc chắn, những người có hành xử chưa đúng mực cũng sẽ cân nhắc, suy nghĩ lại, coi đó là hành động thiếu kiềm chế, bột phát nhất thời. Và thực tế, có người đã đăng lời xin lỗi công khai trên mạng xã hội vì khi về nước đã có thái độ chê bai nơi “chôn nhau cắt rốn”.
Nhưng trên hết vẫn là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sẻ chia với nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn như thế này. Đó là việc nhiều bà con ở nước ngoài, kể cả ở các nước đang có dịch lây lan mạnh, nhưng vẫn luôn hướng về Tổ quốc, lo cùng với nỗi lo chung của đất nước.
Thật cảm động khi trong thời điểm Hàn Quốc đang là tâm dịch thứ 2 sau Trung Quốc, nhưng những doanh nhân Việt Nam ở Hàn Quốc đã kêu gọi hỗ trợ về trong nước trang thiết bị thiết yếu phòng chống dịch. Nhiều cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và các địa bàn khác đã tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch thiết thực như may khẩu trang kháng khuẩn, hỗ trợ các vật tư y tế, thực phẩm, đặc biệt có những kiều bào tự may khẩu trang để tặng bà con trong nước...
Nhiều du học sinh đã ý thức được việc mình về nước dịp này khiến các lực lượng chức năng thêm vất vả. Nhiều người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về được tận mắt chứng kiến ở những khu cách ly, họ đều thấy thấu cảm cho sự nhọc nhằn, vất vả, làm việc quá 100% sức lực của tất cả các lực lượng từ y tế, quân đội, công an, hải quan... Nhiều người đã phải thốt lên “chính sự kiên nhẫn, tận tâm của các lực lượng làm nhiệm vụ đã giữ lại sự bình yên trong sự bất an tâm hồn của rất nhiều người về cách ly, khi đang hoang mang lo sợ mình mắc COVID-19”.
Nhiều người đã tự nguyện đóng góp khi có người nhà về nước cách ly. Bản thân người sống trong các khu cách ly đã cảm nhận và chia sẻ với lực lượng làm nhiệm vụ bằng nhiều hành động cụ thể, thiết thực như đóng góp tiền ủng hộ, giúp đỡ những việc trong khả năng cho phép mà không làm dịch lây lan, chia sẻ với nhau các vật dụng thiết yếu trong khu cách ly...
Ở trong nước, thật ấm lòng trong lúc chống dịch khó khăn, vất vả, mọi người đều chung sức, chung lòng, đồng hành cùng Chính phủ quyết tâm dập dịch. Dù ảnh hưởng của dịch bệnh đến kinh tế vô cùng nặng nề, nhưng người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định “đất nước không bỏ rơi một ai, không ai bị bỏ lại phía sau. Chính phủ sẵn sàng tiếp tục hy sinh những quyền lợi về kinh tế để ngăn chặn dịch COVID-19”Những quyết tâm của Chính phủ như thêm động lực, niềm tin để mọi người cùng nỗ lực, góp sức vào công cuộc chống dịch.
Trong khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí nhiều nơi phải đóng cửa, phá sản, nhưng vẫn đồng lòng cùng cả nước chống dịch, không chỉ chấp hành nghiêm các quy định của chính quyền để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp còn ủng hộ tiền của, trang thiết bị y tế mặc dù cũng đang rất khó khăn. Hầu như người dân cả nước đều hưởng ứng lời kêu gọi hỗ trợ công cuộc phòng chống dịch, đóng góp sức mình, ủng hộ qua các kênh hỗ trợ, trong đó có kênh của MTTQ Việt Nam.
Càng cảm động khi có những cụ già như như Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt (ở phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM)- người có hơn 30 năm chuyên may vỏ chăn từ thiện giúp đỡ người nghèo khó- tuy đã 95 tuổi nhưng vẫn chăm chỉ tranh thủ từng từng giờ để tham gia may khẩu trang phòng dịch COVID-19 cùng các chị em trong chi hội phụ nữ ở khu phố. Hay cụ bà 78 tuổi ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã đạp xe đạp đến trụ sở UBND xã ủng hộ 1 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kèm lá thư viết tay xúc động “Trong chiến tranh, gia đình tôi đã hy sinh chồng, con, chị… Khi nhà nước khó khăn về kinh tế, gia đình tôi cũng bán thóc mua công trái. Ngày nay dịch lại đến, tôi tuy đã già rồi không làm được gì, nay con cháu biếu quà, tôi lại cống hiến cho nhà nước số tiền là 1 triệu đồng. Tuy chưa nhiều nhưng tấm lòng của tôi, mong được ban lãnh đạo các cấp nhận cho tôi"....
Còn rất nhiều câu chuyện cảm động trong mùa dịch khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng và cũng thấy mình phải cố gắng nhiều hơn để chung tay chia sẻ khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh. Người đứng đầu Chính cũng từng nhận định “vaccine có sẵn của Việt Nam là tinh thần kiên cường của dân tộc, vượt khó. Trong khó khăn, càng mạnh mẽ, càng tiến lên”.
Quả vậy, với sự đoàn kết, sẻ chia của tất cả người dân Việt Nam trong và ngoài nước, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng, dịch bệnh sẽ sớm được ngăn chặn./.
Theo VOV