Không hề huyễn hoặc mình chút nào cả, tôi tin đang có nhiều người cùng suy nghĩ giống mình.
Bật ti vi lên, ở kênh VTV6 đúng lúc đang phát chương trình “Những phụ nữ có gu”. Hay đấy chứ, mình là nam nhân, lâu nay thường nghĩ đến chuyện của đàn ông, nỗ lực kiếm tiền, thường la cà quán xá, bia rượu, cà phê, nhiều hôm trắng đêm ở một cuộc vui đâu đó nên ít để ý đến thế giới phụ nữ, thậm chí chỉ là những người phụ nữ quanh mình.
Ít ở nhà, nên chưa cảm nhận đầy đủ vị của bữa cơm ngonđoàn tụ mỗi cuối ngày hay cái hay của một chương trình ti vi ý nghĩa khi ta ăn, ta xem trong căn nhà ấm cúng.
Những suy nghĩ xung đột trong suốt những ngà qua, giờ là lúc để tĩnh tâm hơn suy xét lại, và sẽ có sự phân định đúng sai. Một kỳ ở nhà không mong muốn theo yêu cầu cách ly xã hội đã làm cho mọi việc trong không gian chật hẹp trở nên thân thuộc hơn, các thành viên trong gia đình cũng gần gũi nhau hơn.
Đúng là trong những điều tưởng như không thể, ta đang tìm ra chân lý.
Nó có vẻ như được truyền cảm hứng từ chính chương trình đang phát trên ti vi mà tôi chăm chú nhất lúc này. Một phỏng vấn với người “phụ nữ có gu” - kiến trúc sư Nguyễn Thu Hạnh -người khởi phát giải pháp biến họa thành phúc cho du lịch Hội An mùa lũ bằng những chiếc thuyền nan nối đuôi nhau đưa khách du lịch vào thành phố chứng kiến một không gian khác lạ mà họ từng đến, từng nghe.
Đó là một ý tưởng từng bị đánh giá là điên rồ, giờ thì đã hiện thực bằng sự cố gắng và kiên gan của người trong cuộc.
Tôi lại liên hệ và so sánh với rất nhiều Clip đang phát trên không gian mạng cổ xúy cho chiến dịch “Ở nhà vẫn vui” trong những ngày này.
Những Clip hướng dẫn cách tự rèn luyện thân thể trong không gian chật hẹp bên trong cánh cổng. Những Clip dạy cách cắm hoa, nấu bánh hay tự hát với màn hình phòng ngủ. Những Clip mà nhiều người thiếu thiện chí vẫn cho là vẽ chuyện.
Chắc chắn là không như thế rồi, nó cũng giống như câu chuyện mà nhiều người vẫn cười cợt ý tưởng chèo thuyền nan đưa du khách vào phố cổ Hội An mùa lũ.
Có niềm tin sẽ tất thắng, sẽ chẳng còn ai có thể nhạo báng điều gì. Không chỉ tôi hào hứng nâng những quả tạ từng lăn lóc trong góc nhà lâu lắm, những đứa con cũng học theo, còn bà xã thì vào việc cho những nồi bánh tự cấp tự túc trong những ngày phố phường không dịch vụ. Thật thú vị nhường nào.
Thời gian cách ly xã hội mới chỉ bắt đầu. Nó còn phải là một sự trường chinh trong ý thức và việc làm sau đó.
Theo quy định thì hơn 10 ngày nữa sẽ tháo dỡ yêu cầu cách ly xã hội. Tôi tin đó chỉ là biện pháp hành chính, nó đòi hỏi nhiều hơn những liệu pháp “mềm” từ ý thức con người tự nói không với nguy cơ lây nhiễm.
Ra khỏi nhà, hòa vào cộng đồng, nhưng trên hết ý thức của mỗi người không thể “tan vỡ” màng lọc bảo vệ sức khỏe trong một xã hội mà bệnh dịch hiểm ác vẫn còn có thể rập rình.
Đây chính là lần tập dượt để nâng cao khả năng ứng phó của con người trước những nguy cơ có thể xâm hại. Chúng ta không chỉ có những con vius thực thể tấn công vào cơ thể. Còn có những con vius văn hóa vô cùng độc hại tấn công vào suy nghĩ con người để lôi kéo, dẫn dắt ta đến với những điều không mong muốn.
Những ngày này mỗi người đều phải thế, cùng nâng cao ý thức chống dịch từ trong đầu mình. Tuyệt đối chấp hành các yêu cầu từ cơ quan chức năng, cùng lúc chống bệnh dịch ở cả hai phương diện: đời sống thực và không gian ảo trên mạng xã hội, để “khó khăn kép” không tiếp tục đè gánh nặng lên vai những người đang phải gồng mình trên tuyến đầu chống dịch.
Thứ bảy tuần này vừa nhằm ngày nghỉ, cũng sẽ đúng tiết thanh minh. Dự kiến từ trước là sẽ rất đông người đi mua sắm lễ vật về quê hoặc ra nghĩa trang để cúng bái tổ tiên. Nhưng điều đó không xảy ra. Đường phố vẫn vắng lặng và chợ không quá ồn ào. Mỗi người tự ý thức được trách nhiệm bản thân và nghĩa vụ với cộng đồng, cùng ở nhà và chỉ ra đường với công việc đặc biệt và việc làm bắt buộc.
Quê nội tôi ở xa, năm nào cũng thế cứ đúng khí tiết thanh minh lại kéo cả nhà về thắp hương cho tiên tổ, tạ bái thần linh quản mộ phần các cụ, nhân dịp chơi thăm người thân. Việc ấy đã diễn ra lâu lắm rồi, nên cứ dịp tháng ba người ở quê lại điện vào, những đứa trẻ nhà tôi thì náo nức. Một việc vừa tâm linh, lại tình cảm.
Nhưng năm nay thì đành làm khác một lần. Tôi phải đưa ra quyết địnhkhó khăn là không về quê thanh minh nữa.
Phải chấp hành nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu cách ly xã hội. Có chút rưng rưng, tôi chắp tay hương về phía quê nhà thầm mong tiên tổ nhà mình đại xá. Tôi tin các cụ cũng sẽ chiều lòng, vì tiên tổ nào chả thương con cháu, tiền nhân nào chả muốn đất nước mình và hậu thế đời sau hùng cường, yên ổn.
Chống dịch là thế, phải xác định như đang chống giặc. Quyết tâm thì có dư, nhưng vẫn cần đến những vị thuốc tâm hồn, như một liệu pháp tinh thần để thêm gia cố niềm tin, sức lực cho một chặng đường khó khăn dự báo không hề ngắn.
Mấy hôm nay tiếng Piano đêm đêm lại cất lên với những giai điệu sâu lắng, hào hùng. Ở phía ấy, cách nhà tôi một dãy nhà là nơi cư trú của nhạc sỹ Thế Việt - nguyên Giám đốc Nhà hát ca múa - kịch Lam Sơn. Những bản tấu của anh không đơn thuần chỉ là sự yêu nghề của một nhạc sỹ, mà hơn thế, nó là điều mà anh muốn thông qua âm nhạc truyền đi một sức sống văn hóa cho cả khu dân cư.
Giữa mùa dịch bệnh này không chỉ cần lương thực, thực phẩm, đồ sát khuẩn, nhu yếu phẩm, mà cần phải có thêm món ăn tinh thần.
Ngoài ti vi, sách, báo, chúng ta cũng cần đến âm nhạc để xua đi nỗi trống vắng và cơn lo lắng bất chợt xâm chiếm lòng ta. Tôi tin người nhạc sỹ kia thấu hiểu điều đó, và những bản tấu của anh cất lên đêm đêm chẳng vô tình.
Điều đó cũng giống như suy nghĩ của rất nhiều nghệ sỹ mà tôi biết được qua những dòng tus trên mạng xã hội suốt những ngày qua.
Một nghệ sỹ đã tâm sự rằng dù ở nhà nhưng anh vẫn viết những khúc nhạc mỗi ngày. Còn có nghệ sỹ kịch nói thì bật máy lên kết nối với bạn diễn của mình trao đổi đi những lời thoại của một vở kịch đang tập dở.
Tôi nghĩ rằng, hơn cả nỗi nhớ nghề trong những ngày này, những nghệ sỹ kia vẫn đang đem theo một trách nhiệm rất lớn lao là phải làm cái gì đó thật kịp thời cho ngày mai. Một ngày hết dịch bệnh sân khấu lại sáng đèn, các dịch vụ văn hóa mở cửa trở lại, đều phải cần đến những vở diễn mới, những bài hát bù lại cho sự thiếu hụt trong một thời gian dài của khán giả.
Những việc làm thật biết suy nghĩ, cũng giống như người làm nông nghiệp vậy. Trong dịch bệnh họ vẫn phải vừa làm vừa tính,để không rơi vào trạng thái bị thiếu nông sản, nhất là nhu cầu lương thực, thực phẩm sẽ tăng cao thời hậu dịch bênh.
Những việc ấy tôi tin không chỉ nhà nông chủ động, mà doanh nghiệp trong lĩnh vực cũng đã tính toán kỹ rồi.
Cùng nhau biến họa thành phúc và câu chuyện ở nhà vẫn vui chắc chắn không phải là điều gì quá xa xôi. Hãy tin, hay yêu lấy điều đó trong những ngày này, bởi khi ta ở nhà ta vẫn làm việc bình thường, những ý tưởng sáng tạo vẫn khởi phát, phôi thai.
Chắc chắn rồi, miễn là chúng ta không hoảng hốt, không phân tâm. Cuôc chiến này thành bại bởi lòng người đoàn kết, bởi chúng ta tin có ngày mai bầu trời sẽ sáng. Cách ly xã hội chỉ là sự đóng cửa tạm thời.
Lam Vũ