Trong số đó có rất nhiều tin, bài với nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Bên cạnh đó còn có những hành vi “truyền miệng” trong cộng đồng từ những người kém hiểu biết, không nắm bắt được các thông tin chính thống nên đã thổi phồng những con số, những sự kiện hoang tưởng từ dịch bệnh Covid-19 gây hoang mang dư luận.
Đáng chú ý là số người tung tin sai sự thật đủ mọi thành phần, giới tính, nghề nghiệp, trình độ học vấn… từ người nông dân, công nhân, lao động phổ thông đến công chức, viên chức trong các cơ quan; từ người học vấn hạn chế đến người có học vấn cao, kiến thức rộng…
Vấn đề đặt ra là những đối tượng tung tin “vịt” để làm gì? Có rất nhiều lời đáp nhưng tựu trung nhất là để câu line, câu view để làm nổi bản thân…, vì ham vui, vì nhận thức kém, vì quá lo sợ dịch bệnh lây lan, vì tính hiếu kỳ… Đa phần các đối tượng bị xử phạt đều tỏ vẻ hối hận, ăn năn và cam kết không tái phạm. Tuy nhiên, vì sao những đối tượng khác vẫn tiếp tục lặp lại những vi phạm tương tự? Câu hỏi đặt ra là thiếu hiểu biết hay liệu có một thế lực nào đó ở phía sau kích động, giật dây để điệp khúc: thông tin ảo - nộp phạt - cam kết - thông tin ảo (với những đối tượng khác nhưng hành vi tương tự) lại tái diễn?
Về nội dung thông tin sai sự thật thường là: số lượng bệnh nhân nhiễm bệnh tăng cao vùn vụt, cụ thể Việt Nam đã có trên 500 ca nhiễm bệnh tại 12 tỉnh, thành phố, hàng chục người đã tử vong (?) (trên thực tế chưa có bệnh nhân nào tại nước ta tử vong vì Covid-19); những tin “vịt” còn bịa đặt chủ trương của Đảng, nhà nước ta về công tác phòng chống dịch, vu khống các cơ quan bưng bít số người tử vong, số người nhiễm bệnh. Nhiều người còn tự đưa ra những thông tin, dự báo rất phản khoa học, vô căn cứ khiến sự việc có liên quan đến dịch bệnh thêm nghiêm trọng.
Những tin “vịt” đã ít nhiều gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ nội bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nguy hại hơn là đã xuất hiện nhiều thông tin hướng dẫn cách điều trị, phòng bệnh Covid-19 tại nhà rất phản khoa học hay dẫn dụ người dân mua các thiết bị phòng chống không được cơ quan y tế kiểm chứng dẫn đến tình trạng “tiền mất, tật mang”.
Dư luận cho rằng, với mức phạt hành chính như hiện nay (bình quân từ 10-15 triệu đồng) thì chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các đối tượng vi phạm mà cần có thêm khung hình phạt cao hơn, thậm chí có thể phạt tù mới đạt hiệu quả. Cạnh đó, mọi người dân cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác cao với những thông tin “bịa đặt”, tự chọn lọc một cách thông minh những nguồn tin trên các mạng xã hội, những thông tin qua lời kể của người khác, theo dõi, cập nhật thường xuyên những thông tin chính thống của Đảng và nhà nước, các Bộ, ngành liên quan. Cùng với đó, cần lên án, phản bác những hành vi tuyên truyền thông tin sai sự thật, góp phần loại bỏ thông tin tiêu cực, chung sức, chung lòng phòng chống đại dịch Covid-19.
Theo: Trương Thanh Liêm/Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam