Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Từ gian khó, ta mơ về một nếp sống đẹp hơn (08/04/2020-12:13)
    (NLBTH) - Mùa dịch bệnh có quá nhiều gian khó, nhưng chính trong sự khó khăn ấy lại đang cho ta thêm gợi ý, sự hy vọng về một đời sống văn hóa, văn minh theo cách thức là không cần thiết thì không nên ra đường gây ùn tắc giao thông, hè phố là của người đi bộ hay đám xá không rềnh rang nặng nề lễ tiết.

Xem phim, tôi rất thích nếp sống ở nhiều nước khi đám cướichỉ có cỡ vài chục người đến chúc phúc cho đôi uyên ương tại nhà thờ hoặc một không gian nào đó. Tương tự cũng chỉ có mươi lăm người đưa tiễn người quá cố về nơi an nghỉ…

Sự đơn giản của lối sống đã thổi bay đi bao hủ tục lạc hậu trong tang ma, cưới hỏi ở nhiều quốc gia. Nhưng đó là câu chuyện mà nó đã phải chuyển hóa rất nhiều năm bằng một tư duy cấp tiến cùng sự nhận thức rất cao của cả cộng đồng.

Ở ta, dù đã có rất nhiều lời kêu gọi, những cuộc vận động và không biết bao nhiêu văn bản của các cấp, ngành, cơ quan chức năng được ban hành, nhưng sự phực tạp trong nếp nghĩ của dân cư vẫn làm gia tăng nhiều lệ tục tốn kém, lãng phí.

Nhưng trong thời gian áp dụng các biện pháp hành chínhnhằm đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 thời gian qua vẫn có những đám xá bắt buộc diễn ra, nhưng chỉ ở phạm vi gia đình, và tất cả đều trôi đi như chưa hềcó sự thay đổi nào. Sự lãng phí, tốn kém và mệt mỏi không còn đè nặng lên gia chủ. Mọi người chấp hành, chẳng có sự đổ lỗi nào cả.

Có thể nên xem điều đó như là một sự gợi ý cho lối sống mới của chúng ta chăng, dù biết rất nhiều việc lâu nay đã thành lệ.

Những ngày không hàng quán vỉa hè cũng đâu có khiến cho ta đứt bữa. Thậm chí là còn khiến sợi dây gắn kết gia đình thêm bền chặt.

Chỉ là lâu nay trong cuộc sống có phần gấp gáp và vội vã khiến nhiều người quá lệ thuộc vào dịch vụ. Sự lệ thuộc ấykhiến hàng quán thêm trăm hoa đua nở, thên mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông.

Giải phóng điều đó là cả một sự khó khăn, mà dường như ai cũng có thể đưa ra được lý do để trì hoãn Với người sử dụng thì luôn cho rằng mình có quyền được thụ hưởng dịch vụ còn người cung cấp thì luốn viện cớ nhu cầu lớn nên buộc lòng phải vi phạm... Một sự cộng sinh quá mức đã gây quá tải cho công tác quản lý đô thị với biết bao nhiều câu chuyện nhức nhối ở lòng đường, trên vỉa hè.

Chỉ riêng trong lĩnh vực quản lý đố thị chúng ta đã có biết bao nhiều lần ra quân tuyên truyền, vận động, cưỡng chế, nhưng con số đem lại là gì? Tương tự trong xây dựng đời sống văn hóa, cụ thể là trong tang ma, cưới hỏi, chúng ta cũng đã có biết bao nhiều đề án. 

Thế nhưng tất cả dường như vẫn là câu chuyện kiểu như “bắt nhái bỏ đĩa”, dăm bữa, nửa tháng, kết thúc đợt cao điểm mọi việc gần như lại trở về trật tự ban đầu.

Những quy định tưởng như đã thành hiện thực đến nơi rồi nhưng cuối cùng vẫn bất thành. Chúng ta có thể kể ra trong số đó là những quy định về đám cưới tổ chức tiệc không quá 20 mâm cỗ ở Hà Nội hay mỗi đám ma chỉ sử dụng một vòng hoa để viếng ở Bình Dương…

Cuộc sống có quá nhiều lợi ích và xung đột đang khiến cho việc quản lý trật tự đô thị và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Nhưng chỉ một đợt thực hiện các biện pháp giản cách xã hội với mục đích ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đã làm thay cho nhiều việc trở nên rát khác. 

Phố vắng vẻ, không dịch vụ ta vẫn sống khỏe, sống vui. Cưới không rềnh rang, ăn uống cô dâu, chú rể vẫn cười. Đám hiếu hạn chế người vào ra, tang chủ vẫn không thêm sầu não. Những thứ ấy chúng ta đã mất bao nhiều năm để làm, để lo.

Chẳng ai muốn dịch bệnh để ta phải nhốt mình trong căn nhà không cà phê, không phở sáng. Dù biết khó để nói rằng chúng ta lại phải mượn lý do của một đợt giản cách xã hội để xây nền cho một hình thái nếp sống đô thị và đời sống văn hóa theo đúng như ta mong muốn: Chậm chạp hơn, nâng cao chất lượng hơn so với những khoa trương, tốn kém và lãng phí từng xảy ra. Nhưng chắc chắn dù có khiên cưỡng đến mấy, thì đây cũng là một lý do, sự gợi ý không hề tồi.

Mỗi chúng ta cần nhận thức để thích ứng dần với cơ chế quản lý đô thị và đời sống văn hóa mới. Đặc biệt phải tạo ra một tâm lý tốt nhất để chuyển từ trạng thái chấp hành các biện pháp hành chính của những ngày giản cách xã hội sang trạng thái tự nguyện đón nhận và thực hiện khi hết dịch bệnh.

Lúc ấy vẫn là cà phê sáng, vẫn có những quán bún, bánh, quà vặt trên phố, nhưng trật tự hơn, trong khuôn khổ, tuân thủ tốt hơn hơn các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và an ninh, an toàn, thẩm mỹ.

Tương tự, các đám xá cũng vậy, không nhất thiết cứ phải lao vào cuộc chạy đua để khẳng định vị trí của gia chủ. Mọi việc diễn ra theo khả năng, chỉ cần thấy mãn nguyện và hài lòng.

Một khi chúng ta biết sợ các quy định mang tính pháp luật như sợ con virus bệnh dịch kia, thì trật tự chắc chắn sẽ được lập lại, sớm thôi.

Sống trong những ngày dịch bệnh là lúc để ta có thêm thời gian ngẫm nghĩ về những lát cắt cuộc sống và hình thái xã hội, từ đó nhận diện đầy đủ hơn về lối sống của cả cộng đồng, với hy vọng điều chỉnh tích cực hơn.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Cần “chiếc phanh” ý thức (06/04/2020-16:54)
  • Chống dịch, nhìn từ sức mạnh của bó đũa (05/04/2020-8:58)
  • Tỏa nắng yêu thương (04/04/2020-18:48)
  • Hãy tin, phía trước là bầu trời (04/04/2020-18:44)
  • Chờ đợi doanh nhân thời khó (01/04/2020-21:29)
  • Hoa vẫn nở trong mùa dịch bệnh (30/03/2020-9:05)
  • Sống chậm qua những âu lo (28/03/2020-21:58)
  • Tắt ngọn đèn lãng phí trong đầu (27/03/2020-21:39)
  • Một cách tiếp cận đồng tiền trong mùa dịch bệnh (27/03/2020-9:07)
  • Đầu cơ đất đai: Bài học cũ, lo lắng mới (23/03/2020-4:35)