Thứ bảy, ngày 30/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Tác nghiệp tại "điểm nóng" chống dịch COVID-19:
Bài 2: Phóng viên Chu Đức- Kênh VOV Giao thông: Chạy đua cùng... COVID-19 (10/04/2020-19:39)
    Với phóng viên Chu Đức, Kênh VOV Giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, những ngày dịch bệnh COVID-19 là những ngày anh “chạy đua” cùng thời gian, xông pha vào những điểm “nóng” để không bỏ lỡ bất kỳ một tin tức quan trọng nào.
Phóng viên Chu Đức được kiểm tra thân nhiệt trong lúc tác nghiệp ở Đồn biên phòng Lò Hèn

Áp lực về thời gian, chất lượng tin bài lớn hơn bao giờ hết

Phải nói rằng, từ khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu cũng là lúc các phóng viên trở nên quay cuồng hơn trong guồng công việc. Là một phóng viên phụ trách về mảng y tế, phóng viên Chu Đức của Kênh VOV Giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có những ngày tác nghiệp thực sự khó quên. Chu Đức cho biết, hiện tại đang là cao điểm mùa dịch, bởi vậy toàn xã hội, các địa phương trên cả nước bước vào giai đoạn 3 phòng chống dịch COVID-19. Cơ quan mà anh đang công tác - Kênh VOV Giao thông cũng đang tập trung đẩy mạnh các tuyến bài, thông tin về diễn biến dịch, công tác điều trị, dự phòng liên quan đến dịch bệnh COVID-19.

Mặc dù vất vả với lượng công việc “khổng lồ”, gấp rút, bên cạnh đó là mối đe dọa rập rình từ luồng thông tin giả về dịch bệnh tràn lan trên mạng xã hội, Chu Đức vẫn lạc quan chia sẻ: “Tôi nghĩ, mùa dịch, mùa tin giả hoành hành này cũng là thời cơ để luồng tin chính thống, trong đó có báo chí phát huy được vai trò định hướng, ổn định tâm lý cho người dân”. 

Chỉ tới các điểm được cho là an toàn để tác nghiệp

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, câu chuyện an toàn tác nghiệp của giới truyền thông, báo chí trong thời điểm hiện nay cũng được đặc biệt quan tâm. Đó không chỉ là mối lo đối với phóng viên mà còn của gia đình, họ hàng, tòa soạn, hàng xóm phóng viên đó. Khi được hỏi về thông tin một nữ phóng viên đầu tiên mắc COVID-19 trong quá trình tác nghiệp, phóng viên Chu Đức bày tỏ sự lo lắng và mong chị ấy sẽ sớm hồi phục. Bên cạnh đó, anh cũng không quên khẳng định bản thân anh không hề hoang mang trước thông tin này.

Anh cho rằng hiện tại, khi chúng ta nắm rõ được những nguồn lây có nguy cơ cao, như người từ nước ngoài vào Việt Nam, người từng đến bệnh viện Bạch Mai, quán bar Buddha, người tiếp xúc gần với người mắc bệnh; và hiểu rõ về cơ chế lây nhiễm qua các giọt bắn thì việc phòng chống dịch bệnh là điều hoàn toàn có thể chủ động. Thời điểm dịch bùng phát, anh và lãnh đạo phòng, lãnh đạo kênh đã thống nhất quan điểm chỉ tới các điểm được cho là an toàn để tác nghiệp. Bộ Y tế cũng chủ trương tương tự, và có rất ít trường hợp báo chí được đặc cách vào trong khu vực điều trị, khu vực cách ly. Những trường hợp này sau đó cũng phải tự cách ly 14 ngày tại nhà, đồng nghĩa không được tới hiện trường 2 tuần tiếp theo. Đó là một sự đánh đổi đáng cân nhắc, trong bối cảnh luồng thông tin, diễn biến dịch liên tục thay đổi hàng ngày.

Trong các chuyến xe cùng đoàn chuyên viên Vụ truyền thông Bộ Y tế đến thực địa, mọi người giữ khoảng cách với nhau, mỗi người ngồi một băng ghế, trang bị khẩu trang, găng tay, nước sát khuẩn. Mỗi khi có vấn đề phát sinh cần phỏng vấn, phóng viên đều tham khảo ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia của Bộ, của địa phương về giới hạn tác nghiệp cho phép. Sau khi tác nghiệp, thực hiện đúng quy trình theo khuyến cáo của WHO, Bộ Y tế, là lau chùi, khử trùng các thiết bị, tắm rửa và giặt toàn bộ quần áo rồi mới tiếp xúc với người nhà hay lên cơ quan.

An toàn tác nghiệp là điều cực kỳ cần thiết đối với các nhà báo hoạt động trong thời gian này. Ảnh: Tùng Đinh
An toàn tác nghiệp là điều cực kỳ cần thiết đối với các nhà báo hoạt động trong thời
gian này. Ảnh: Tùng Đinh

Phóng viên Chu Đức bày tỏ niềm tin, tác nghiệp ở vùng an toàn tại hiện trường cũng vẫn có được những góc tiếp cận hấp dẫn. Hiểu biết và ý thức đảm bảo an toàn cho bản thân chính là điều cần thiết hơn bao giờ hết vào thời điểm này: “Tôi nghĩ, chúng ta chỉ sợ và hoang mang khi chúng ta không biết mình đang đối mặt với thứ gì mà thôi! Phóng viên chúng tôi thận trọng, chứ không hoảng loạn trước dịch bệnh” - phóng viên Chu Đức nhấn mạnh. 

Động lực để những chuyến tác nghiệp bớt đi căng thẳng

Bệnh nhi 3 tháng tuổi chữa khỏi COVID-19 khi cùng mẹ trò chuyện là hình ảnh mà phóng viên Chu Đức nhớ nhất trong quá trình tác nghiệp “Kỷ niệm thì rất nhiều, nhân vật thú vị cũng không thiếu” là lời chia sẻ của phóng viên Chu Đức khi đi tác nghiệp ở một số điểm nóng, như Khoa cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên, điểm dịch xã Sơn Lôi, Vành đai biên giới Đông Bắc, Sân bay Vân Đồn…

Bệnh nhi 3 tháng tuổi ở nước ta được chữa khỏi COVID-19, bé ngủ khì trên tay mẹ khi mẹ nói chuyện qua Facetime với bác sĩ và các phóng viên.
Bệnh nhi 3 tháng tuổi ở nước ta được chữa khỏi COVID-19, bé ngủ khì trên tay mẹ
khi mẹ nói chuyện qua Facetime với bác sĩ và các phóng viên.

Một câu chuyện đáng nhớ mà chúng tôi được nghe từ anh là câu chuyện của điều dưỡng Nguyễn Thị Dung (khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) khi dịch bệnh mới bùng phát ở nước ta. Do đặc thù công việc, cô “cắm chốt” luôn tại bệnh viện, rồi dần bị bạn bè e ngại, còn hàng xóm thì dị nghị rằng làm ở viện nên kiểu gì chẳng dính bệnh, có về lại khu trọ cũng bị đuổi đi, không cho ở nữa.

Kể lại giọng gượng gạo của điều dưỡng Nguyễn Thị Dung khi nói về hoàn cảnh bỗng thành “người vô gia cư”, Chu Đức bỗng nghẹn ngào xúc động. Anh tâm sự rằng rất đồng cảm với điều dưỡng Dung, vì bản thân là người từng bị kỳ thị sau khi xung phong xuống điểm dịch Bình Xuyên, Vĩnh Phúc tác nghiệp thời điểm trước đó. Hơn nữa, anh cũng bày tỏ sự cảm phục với những nhân viên y tế, họ phải có sức chịu đựng và nghị lực lớn, yêu nghề lắm mới trụ được ở tuyến đầu điều trị trước nhiều áp lực như thế.

Chia sẻ về hình ảnh mà anh nhớ nhất, phóng viên Chu Đức nhắc đến bé trai 9 tháng tuổi nằm trong lòng người mẹ quê Tiền Giang, trở về từ Vũ Hán trên chuyến bay giải cứu của VietnamAirlines; là bé gái N.G.L, bệnh nhi 3 tháng tuổi ở nước ta được chữa khỏi COVID-19, bé ngủ khì trên tay mẹ khi mẹ nói chuyện qua Facetime với bác sĩ và các phóng viên.

Để có những giấc ngủ yên bình ấy, là những nỗ lực không mệt mỏi cả hệ thống chính trị. Với Chu Đức, chính những hình ảnh và câu chuyện ý nghĩa như thế đã giúp anh và đồng nghiệp - những người truyền tin, có thêm động lực, vững tin hơn vào cuộc chiến với dịch bệnh. Cũng chính điều ấy đã trở thành động lực để những chuyến tác nghiệp bớt đi căng thẳng và áp lực.

Theo Kim Anh/Báo Nhà báo và Công luận 


 

Các tin khác:
  • Bài 1: Nhóm phóng viên kênh VTC14: Chúng tôi luôn chuẩn bị tâm lý vững vàng, sẵn sàng đối mặt với rủi ro (10/04/2020-19:33)
  • Báo chí thời đại dịch: Mong manh hai chữ bảo toàn! (09/04/2020-20:31)
  • Bắt đầu từ đỉnh thì mới lập được những đỉnh cao mới (08/04/2020-20:28)
  • Với báo chí, điều quan trọng nhất và trên hết là để tác phẩm lên tiếng (13/03/2020-17:27)
  • Cán bộ, phóng viên yếu khâu gì bồi dưỡng khâu đó... (28/02/2020-14:42)
  • Thông báo về việc thi tuyển Tổng Biên tập báo Đại đoàn kết (28/02/2020-12:29)
  • Cơ quan Thường trú VOV tại Ấn Độ sẽ là cầu nối thông tin giữa 2 nước (13/02/2020-12:00)
  • Góp thêm một góc nhìn sinh động về đề tài xây dựng, chỉnh đốn Đảng (07/02/2020-12:06)
  • Bồi dưỡng lý luận chính trị cho các nhà báo để nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (04/02/2020-15:42)
  • Khi nhà báo “ăn Tết” (03/02/2020-13:36)