Anh Nghi đã mất hơn 200 triệu đồng chỉ vì tin vào những cuộc điện thoại lừa đảo.
Mất hơn 200 triệu sau vài cuộc điện thoại
14h ngày 27/4, anh Nguyễn Văn Nghi (xã Giao An, huyện Giao Thủy, Nam Định), hiện làm việc tại một công trường xây dựng trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), được số điện thoại +800190 729 863 thông báo là có một bưu kiện chưa nhận, bấm phím 9 để biết thông tin chi tiết.
Nghe theo lời đầu dây bên kia anh Nghi đã bấm phím 9 thì được báo bưu kiện chưa được nhận. "Tôi có nói bưu kiện sao không gửi về nhà cho tôi thì được báo là gửi rồi nhưng không ai nhận nên trả về bưu chính.
Tôi bảo xác minh thông tin thì họ bảo tôi đứng tên một tài khoản ngân hàng Quân đội MB Bank Chi nhánh Đà Nẵng đang thiếu nợ 36.740.000đ chi tiêu hụt và báo đến 17h cùng ngày là sẽ phong tỏa tải khoản tài khoản ngân hàng của tôi trong các hệ thống ngân hàng toàn quốc và hoàn tất hồ sơ kiện tôi ra cơ quan pháp luật", anh Nghi kể lại.
Dù trước đó đến nay anh Nghi chưa từng đến Đà Nẵng nhưng nhân viên này có nói với anh là bị kẻ xấu lợi dụng thông tin để làm việc này và gợi ý anh phải đi báo Công an gấp. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì anh Nghi được nhân viên hướng dẫn cụ thể cách trình báo Công an như thế nào, ở đâu.
"Nhân viên đó nói tôi báo cho Công an TP Đà Nẵng vì chi nhánh ngân hàng kia có địa chỉ ở Đà Nẵng. Nhân viên đó giúp tôi kết nối với Công an thành phố Đà Nẵng. Một người xưng trung uý, trực ban cơ quan Công an hướng dẫn cho tôi trình báo. Họ hướng dẫn tôi tra google lấy số Công an thành phố Đà nẵng là 0236 382 2300.
Họ nói sẽ dùng số cơ quan chứ không dùng số bưu chính nữa. Sau đó họ gọi lại bằng số +888236 382 2300. Tôi thấy 2 số không khác nhau nên đã tin tưởng vào số điện thoại của cơ quan. Tin vào lời nói, hướng dẫn của người tự xưng là Trung úy".
Người mang danh Trung úy này có nói với anh Nghi, trên Bộ Công an mới điều tra triệt phá một vụ án "rửa tiền" trong mạng lưới ngân hàng và buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Trong đó có 26 người, 500 người liên quan và 2.000 bộ hồ sơ giả. Mới bắt được 12 người, còn 14 người đang chạy thoát. Trong đó có 5 người là Công an, 1 giám đốc ngân hàng các nhân viên ngân hàng.
Người cầm đầu là Phúc 37 tuổi quê ở Bắc Ninh đã khai những tên tội phạm này là nghiện ma túy. Đã thu giữ hơn 2 tỷ tiền mặt và hơn 1 tấn ma túy. Người tự xưng là Trung úy Công an còn nói, cứ để anh này xử lý dứt điểm, sẽ nhờ cho Cục để kiểm tra thông tin công dân Nguyễn Văn Nghi.
Ngay sau đó, người này thông báo lại cho anh Nghi là đang đứng tên một tài khoản ngân hàng Vietcombank trong tài khoảng có 5.320.000.000đ và số tiền đó được liệt kê vào tài khoản phi pháp là tài khoản của bọn rửa tiền, đây là tội đặc biệt nghiêm trọng. Và, đến 17h sẽ có lệnh phong tỏa và niêm phong tài sản, bắt anh tạm giam ít nhất 3 tháng để điều tra.
Vốn là một người ít va chạm lại, cả đời làm công nhân, anh Nghi thực sự thấy lo lắng, bởi anh được thông báo hồ sơ được đưa lên cấp trên giải quyết. Lệnh tạm giam sẽ bắt đầu được thực hiện vào chiều cùng ngày. "Người xưng là Trung úy Công an có báo lại với tôi. Anh này còn nói thêm sẽ giúp tôi nhưng vì có cuộc họp và hẹn gặp lại tôi vào khoảng 7h30 ngày 28/4".
7h30 ngày 28/4/2020, anh Nghi nhận được cuộc gọi, đầu dây bên kia tự xưng là Trung tá, cấp trên của người hôm trước nói chuyện với anh. Trung tá này có nói muốn giúp thì phải thành thật khai báo tài sản bao gồm tiền, vàng, tài khoản,.. và bảo với anh Nghi là sẽ thẩm định tất cả tài sản của tôi từ đâu mà có.
Họ yêu cầu anh chuyển tiền vào tài khoản của thanh tra viên nhà nước để thẩm định sau đó sẽ được trả lại cho tôi. "Trong tài khoản của tôi hiện có 25.000.000đ và một thẻ tiết kiêm 100.000.000đ. Vì thẻ tiết kiệm của tôi chưa đến hạn lại ở quê nên tôi đã chuyển trước 25.000.000đ vào tài khoản đứng tên Huỳnh Phương Đại, số tài khoản 1903 5695 973 011, Ngân hàng Techcombank Chi nhánh Tân Phú, TP HCM vào lúc 9h ngày 28/4/2020.
Địa điểm giao dịch tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hà Nội. Để đảm bảo không bị niêm phong nhà thì phải chuyển thêm vào tài khoản trên 50.000.000đ nữa. Tôi đã chuyển thêm vào 10h48' cùng ngày để hoàn tất hồ sơ, xóa án và trả lại công bằng cho tôi", anh Nghi kể.
Chưa dừng lại ở đó, những người xưng danh là Công an này đã yêu cầu anh Nghi chuyển cả tiền trong sổ tiết kiệm để hoàn tất hồ sơ. Đến 16h36' ngày 28/4/2020, anh Nghi đã chuyển 100.000.000đ vào số tài khoản cũng tên Huỳnh Phương Đại, số tài khoản 1409 1030 1000 0422tại Ngân hàng CPTM Xuất nhập khẩu Viêt Nam TP HCM.
Tất cả số tiền được chuyển đi tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hai Bà Trưng, địa chỉ tại tầng 1 tòa nhà Eco green Nguyễn Xiển, Hà Nội. Sau đó anh Nghi nhận được thông báo bên kia đã nhận được tiền, hoàn tất hồ sơ, đưa lên hội đồng thẩm định. Khi đưa lên hội đồng thẩm định thì lại bảo là hết giờ làm việc hẹn 7h sáng ngày 29/4/2020.
Đến sáng 29/4/2020, anh Nghi nhận được điện thoại với nội dung, còn một vấn đề nữa là ngày 26/1/2020, anh có giao dịch qua mobile Banking chuyển tiền sang chi nhánh của Ngân hàng AgriBank nên phát sinh thêm vấn đề. "Họ bảo tôi phải chuyển thêm 50.000.000đ vào tài khoản người đại diện là Huỳnh Phương Đại thì đủ.
9h41' ngày 29/4/2020, tôi đã chuyển số tiền ấy vào tài khoản Huỳnh Phương Đại, số tài khoản 3223 0000 1456 9000, Ngân hàng TMCP Việt Á Chi nhành Chợ Lớn, TP HCM. Sau đó anh ta bảo tôi về phòng và chờ làm thủ tục, xong xuôi sẽ chuyển lại tiền cho tôi. Thời gian chờ khoảng 1 tiếng".
Đến tối cùng ngày, anh Nghi mới bắt đầu kết nối các dữ liệu và thấy mình đã bị lừa. Anh Nghi đã chuyển vào tài khoản của Huỳnh Phương Đại tổng cộng 4 lần với số tiền là 225.000.000đ (Hai trăm hai mươi lăm triệu đồng) với 3 ngân hàng.
|
Hóa đơn chuyển tiền của anh Nghi tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hai Bà Trưng (Hà Nội). |
Mất tiền vì bị gọi điện thông báo là tội phạm
Trước đó, vào tháng 6/2019 cũng xảy ra một vụ việc khiến nạn nhân nhận quả đắng vì những chiêu thức lừa đảo rất tinh vi. Ngày 16/5/2019, đang nghỉ trưa, anh Nguyễn Nhứt (SN 1984, Quận 12, TP HCM) liên tục nhận được điện thoại.
Mở máy, anh được người gọi tự xưng là nhân viên Bưu điện Hà Nội thông báo anh có bưu phẩm từ Công an Hà Nội gửi vào. Thông báo trên khiến anh Nhứt có phần hoang mang vì bưu phẩm do Công an gửi tới chắc không phải điều lành. Sau đó, chủ máy phân vân suy nghĩ rồi tự trấn an mình rằng chắc họ nhầm điện thoại?
Tưởng chuyện đã qua, hơn 1 tiếng sau một số máy lạ lại gọi vào máy anh Nhứt. Đầu dây bên kia lại xưng là Công an Hà Nội đang điều tra vụ án liên quan đến đánh bạc qua mạng và thông báo anh Nhứt có liên quan đến vụ án nghiêm trọng này.
Trong lúc anh Nhứt đang hoang mang thì người này bồi thêm: "Tôi sẽ cho anh gặp một vị cán bộ để được rõ hơn". Người nói chuyện tiếp theo với anh Nhứt là một phụ nữ, tự xưng là thư ký Tòa án TP Hà Nội cho biết đang thụ lý vụ án đánh bạc qua mạng, trong đó nhiều đối tượng khai báo anh Nhứt có liên quan, không tránh khỏi liên lụy pháp luật. Bỗng nhiên thành tội phạm, anh Nhứt không khỏi lo âu, vội vàng biện minh. Chờ Nhứt bày tỏ đôi điều xong, "thư ký tòa" mới yêu cầu anh cung cấp cụ thể họ tên, số chứng minh và mã tài khoản ngân hàng.
Đang rối trí, không đủ minh mẫn nhận diện sự việc nên anh Nhứt cứ thế cung cấp đầy đủ họ tên, số chứng minh và mã thẻ ngân hàng. Có được các thông tin cơ bản, "thư ký tòa" hứa hẹn đôi điều rồi cúp máy.
Ít phút sau, điện thoại của anh Nhứt có tin nhắn, khi mở ra kiểm tra thì nhận được nội dung: tổng đài Ngân hàng Sacombank thông báo tài khoản của anh đã bị trừ hết 85 triệu đồng hiện có.
Theo Phong Anh/Báo CAND