Thứ sáu, ngày 01/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em (28/05/2020-16:28)
    Liên quan việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc phòng, chống xâm hại trẻ em, chiều 27/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam báo cáo trước Quốc hội một số nội dung quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình thực hiện công tác này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trước Quốc hội, chiều 27/5.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc Quốc hội lựa chọn giám sát tối cao và đặc biệt quá trình Đoàn giám sát của Quốc hội tiến hành công tác và hoàn thiện báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đã có tác động rất tích cực để các cấp chính quyền cùng toàn xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Liên quan vấn đề này, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện công tác, đặc biệt là trong việc chuẩn bị Chương trình hành động quốc gia về trẻ em giai đoạn 2021-2030 cần tập trung một số nội dung.

Thứ nhất là trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án cần đặc biệt chú trọng các chỉ số, các tiêu chí, các giải pháp liên quan chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở tất cả các bộ, ngành. Đặc biệt cần có các chương trình, đề án và dự án cụ thể đối với các vấn đề về giới và với trẻ em ở vùng núi, vùng dân tộc ít người và nhóm trẻ em yếu thế. Đối với công tác trẻ em cần đặc biệt chú trọng công tác chăm sóc, giáo dục bên cạnh bảo vệ. Trong công tác bảo vệ cần đặc biệt chú trọng công tác phòng xâm hại bên cạnh công tác chống xâm hại.

Thứ hai, từ yêu cầu phòng xâm hại thì cần tiếp cận theo mô hình quản lý rủi ro và đưa ra các quyết định, giải pháp dựa trên phân tích dữ liệu. Muốn vậy, cần phải xác định hệ thống hóa những nguy cơ và hình thành ngay cơ sở dữ liệu về trẻ em.

Thứ ba, cần phân tích những yếu tố có tính tập tục, thói quen không còn phù hợp; đồng thời cần tập trung hạn chế những “tác động mặt trái” của công nghệ, của hội nhập như Internet, phim ảnh, du lịch,... để có giải pháp bảo vệ trẻ em phù hợp.

Thứ tư, cần tăng cường sự phối hợp, không chỉ là phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể... mà cần đặc biệt chú ý phối hợp các tổ chức xã hội. Từ đó hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đều khắp, của toàn xã hội, chứ không chỉ là của các cơ quan nhà nước.

Thứ năm, bên cạnh yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật, bảo vệ nạn nhân, những vụ việc đã được phát hiện, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để một mặt giảm thực chất các hành vi vi phạm xâm hại trẻ em. Mặt khác, tỷ lệ vụ việc vi phạm được tố giác xử lý phải được nâng lên. Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo các cơ quan hành chính, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ các cơ quan kiểm sát, Tòa án để mảng công tác này tiếp tục có những tiến bộ thực chất.

Cuối cùng và quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện. Phó Thủ tướng cho biết, ngay trong giai đoạn thực hiện giám sát, bên cạnh Luật Trẻ em đã có 18 luật, 34 nghị định và chương trình, đề án cấp Chính phủ, cấp Thủ tướng Chính phủ và 32 văn bản của cấp bộ, ngành ban hành liên quan công tác trẻ em. Các chính sách pháp luật về vấn đề này đã tương đối đầy đủ nên quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện.

Theo Phó Thủ tướng, để thực hiện tốt thì quan trọng hàng đầu vẫn là nhận thức. Một khi người đứng đầu các cơ quan nhận thức sâu sắc, đầy đủ thì sẽ có giải pháp, sẽ ưu tiên nguồn lực. Vì vậy, các đề án, chương trình của Chính phủ tới đây phải xác định rõ hơn trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan và đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhất, hiệu quả nhất nghị quyết giám sát mà Quốc hội sẽ ban hành và tin tưởng rằng công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng nhất định sẽ đạt được kết quả tốt hơn, vững chắc hơn.

“Chính phủ sẽ nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, các khuyến cáo của Đoàn giám sát, thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Quốc hội về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, để trẻ em Việt Nam được sinh ra, được sống và trưởng thành trong một môi trường, điều kiện tốt nhất, thể hiện sự ưu việt của chế độ ta và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; để trẻ em sẽ kế tiếp các lớp cha anh trở thành chủ nhân của đất nước, đưa đất nước phát triển như câu nói “con hơn cha là nhà có phúc” mà mọi người Việt Nam đều thuộc”, Phó Thủ tướng nói.

Theo NGUYÊN MINH/nhandan.com.vn/

 

Các tin khác:
  • Đề cao vai trò nhà trường, gia đình, xã hội trong bảo vệ trẻ em (28/05/2020-16:25)
  • Tổ chức cuộc thi ảnh ấn tượng Việt Nam mùa covid (27/05/2020-13:10)
  • Giải báo chí viết về thảm họa da cam tại Việt Nam (27/05/2020-12:59)
  • Sau ánh chớp không phải niềm nuối tiếc (27/05/2020-10:02)
  • WHO tiếp tục cảnh báo về nguy cơ tái bùng phát đại dịch Covid-19 (26/05/2020-21:23)
  • Thống nhất nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVII (25/05/2020-8:00)
  • Giao ban công tác quản lý báo chí tháng 5/2020 (21/05/2020-17:09)
  • Từ “mã bên ngoài” nghĩ về sự thận trọng, tinh tường trong chọn cán bộ (21/05/2020-17:05)
  • Trao giải Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh (19/05/2020-23:49)
  • Truyền thông quốc tế: Chống COVID-19 hiệu quả khiến Việt Nam trở thành địa chỉ tin cậy đối với giới đầu tư (12/05/2020-22:27)