Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ chính thức đón khách tham quan từ ngày 19/6/2020.
Từ khi được thành lập đến nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hơn 1.000 ngày để triển khai các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm. Đã có trên 20.000 hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản tại kho cơ sở của Bảo tàng. Trong số đó, đã có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày.
Dự án trưng bày triển khai đồng thời với Dự án sưu tầm, đến nay đã hoàn tất thi công. Nội dung trưng bày gồm 5 phần: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến, nơi tham quan thường xuyên của những người làm báo ở mọi miền trong cả nước. Đây được coi là điểm tựa tinh thần để các nhà báo, phóng viên giữ vững niềm tin, tinh thần sáng tạo không ngừng trong quá trình làm việc.
Để thu thập các hiện vật và hoàn thiện hạng mục công trình như hiện nay có sự đóng góp tích cực của các nhà báo lão thành, thành viên ban cố vấn, các nhà báo, gia đình thân nhân nhà báo... Với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, vận dụng sự am hiểu về lịch sử báo chí, văn hoá dân tộc... họ đã có nhiều góp ý quan trọng để Bảo tàng Báo chí Việt Nam thật sự là điểm đến hấp dẫn, thú vị.
Báo Nhà báo & Công luận đã ghi lại những ý kiến từ những nhà báo tâm huyết và quan tâm đến Bảo tàng Báo chí Việt Nam trước ngày khai trương.
Ông Lê Quốc Trung, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam:
"Quy mô còn nhỏ nhưng giá trị mang lại không hề nhỏ"
Bảo tàng Báo chí Việt Nam mới được chính thức quyết định thành lập cách đây 3 năm, với một đội ngũ nhân lực nhỏ bé, nguồn tài chính hạn hẹp, lại được xây dựng trong một không gian nhỏ hẹp vốn không phải được thiết kế cho bảo tàng nên gặp khó khăn khi triển khai. Mặc dù là bảo tàng chuyên ngành, nhưng với một ngành có truyền thống đến nay là 155 năm, lại luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của đất nước, của dân tộc thì quy mô hiện nay là còn nhỏ. Tuy nhiên, với những tư liệu, hiện vật và cách trưng bày hiện nay, mặc dù quy mô còn nhỏ nhưng giá trị của Bảo tàng Báo chí không hề nhỏ. Tôi mong muốn sau này nếu có điều kiện cần đầu tư mở rộng hơn nữa để xứng tầm với truyền thống lịch sử của báo chí Việt Nam.
Ông Lê Quốc Trung, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Sơn Hải
Mỗi gian trưng bày đều có nét riêng của nó, do đó mỗi gian có thể để lại cho người xem ấn tượng riêng. Song tôi khá ấn tượng với gian trưng bày giai đoạn 1865-1925 vì đây là giai đoạn đã cách nay hơn 100 năm, việc sưu tầm các hiện vật của giai đoạn xa xôi như vậy là hết sức khó khăn, vậy mà những người làm bảo tàng đã có thể tập hợp được nhiều hiện vật quý giá thời đó để giới thiệu với đông đảo công chúng và lưu giữ lâu dài.
Để Bảo tàng tiếp tục phát triển và có thêm nhiều hiện vật thì cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các nhà báo, các gia đình nhà báo, các cơ quan báo chí và những người dân đang sở hữu các hiện vật báo chí giá trị đóng góp cho Bảo tàng. Mà muốn vậy Bảo tàng cần hoạt động thật tốt, bảo quản thật tốt để phát huy tối đa giá trị của các hiện vật đang có, làm cho những người sở hữu hiện vật thấy rằng nếu giao cho bảo tàng thì hiện vật của họ sẽ có giá trị gấp nhiều lần họ để ở nhà hoặc để ở cơ quan họ và họ có thể yên tâm giao nó cho Bảo tàng.
Để thu hút giới trẻ đến với Bảo tàng nhiều hơn thì hoạt động của Bảo tàng phải thật phong phú. Ngoài thường xuyên đổi mới và bổ sung hình thức và hiện vật các gian trưng bày cần có các triển lãm chuyên đề về các chủ đề khác nhau, trong đó có các chủ đề gắn tuổi trẻ với báo chí, các hoạt động gắn với giáo dục và công tác giảng dạy trong các nhà trường, đặc biệt là các khoa báo chí, truyền thông…
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam:
"Sẽ mang lại cho người xem những cung bậc cảm xúc"
Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ chính thức đón khách tham quan từ ngày 19/6/2020. Đây là một trong những sự kiện được mong đợi của giới báo chí. Tôi tin tưởng nó sẽ để lại ấn tượng sâu sắc. Nếu ai chưa được xem mà bước vào thì sẽ có cảm giác tự hào về ngành báo chí của chúng ta.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi. Ảnh: Sơn Hải
Mỗi gian trưng bày sẽ mang lại cho người xem những cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhưng đọng lại là sự cảm động, ở đây hội tụ hình ảnh của đất nước, hình ảnh của lịch sử. Lịch sử ở đây không chỉ là lịch sử báo chí mà là lịch sử của đất nước, của dân tộc Việt Nam.
Bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam:
"Niềm tự hào sẽ được nhân lên"
Trong suốt quá trình phát triển, báo chí Việt Nam luôn đồng hành cùng lịch sử đất nước, là công cụ hữu hiệu mở mang dân trí, cổ vũ tự cường dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Báo chí còn là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần xây dựng con người, văn hóa Việt Nam. Xuất phát từ ý tưởng, tâm huyết gìn giữ, tôn vinh và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp đó của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Sơn Hải
Như hình tượng Bút Sen ở gian khánh tiết, vì nghề báo gắn liền với cây bút, cây bút đó lại được nâng đỡ, được tôn cao trên những cánh sen để thể hiện đạo đức nhân cách, sự cao quý của người làm báo và nghề báo. Từ hình tượng đó, Bảo tàng Báo chí Việt Nam mong muốn đưa đến cho người xem những thông điệp gần gũi nhất, đẹp đẽ nhất.
Trong Bảo tàng, chúng tôi dành một vị trí rất trang trọng để tưởng nhớ những người làm báo đã hy sinh trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, đã ngã xuống vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam. Bức vách này màu đỏ, không phải là màu xám lạnh buồn bã mà chúng ta nhìn đâu đó. Khi chúng ta đứng trước vách tưởng niệm này, tôi hy vọng niềm tự hào sẽ được nhân lên.
Bà Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền:
"Nhìn về quá khứ để phấn đấu cho tương lai"
Đây là cơ hội tuyệt vời để lưu giữ, đưa những di sản và niềm tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam đến với công chúng trẻ. Truyền cho thế hệ trẻ một cái nhìn đầy đủ về quá khứ để phấn đấu cho tương lai.
Bà Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền (bên trái) ký kết phối hợp với lãnh đạo Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Sơn Hải
Trong những năm vừa qua, lĩnh vực báo chí được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá rất cao về sự đóng góp của báo chí trong tiến trình phát triển của đất nước. Việc xây dựng và đưa Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào hoạt động giúp cho thế hệ làm báo hiện nay biết được những gì mà Báo chí Cách mạng nói riêng và báo chí Việt Nam nói chung đã làm được.
Lớp sinh viên báo chí của thế hệ mai sau sẽ nhìn thấy di sản đó và luôn có niềm tự hào vào ngành nghề của mình. Những bậc tiền nhân, những nhà báo cách mạng sẽ là điểm tựa vững chắc để thế hệ ngày nay tiếp tục giữ vững tinh thần, viết nên những trang sử mới.
Bà Đặng Thị Thu Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông
"Mong muốn số lượng kỷ vật sẽ được bồi đắp thêm"
Bảo tàng Báo chí phản ánh lịch sử báo chí cận đại và hiện đại, phản ánh đầy đủ dòng chảy từ sự ra đời đến quá trình đồng hành cùng dân tộc. Mỗi thời kỳ bảo tàng phản ánh những nét đặc trưng riêng của văn hóa, của ngôn ngữ, thơ văn của từng thời kỳ. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng lưu giữ những công nghệ tác nghiệp của nhiều thời kỳ.
Bà Đặng Thị Thu Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông. Ảnh: Sơn Hải
Thăm quan bảo tàng, người xem có thể thấy được sự chuyển biến từ xã hội cổ truyền sang xã hội hiện đại luôn có vai trò quan trọng của truyền thông đại chúng trong đó có hoạt động của báo chí. Thông qua Bảo tàng, Ban tổ chức muốn giúp cho người làm báo có thêm hiểu biết lịch sử nghề nghiệp của mình mà qua đó còn thể hiện tâm huyết của người làm báo đi trước đã dành lại cho thế hệ mai sau.
Trong chương trình đào tạo từ cử nhân đến tiến sỹ của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông có hoạt động trải nghiệm và thực tế tại không gian bảo tàng. Tôi tin tưởng rằng, những hiện vật tại Bảo tàng sẽ truyền cảm hứng về tình yêu nghề và quan trọng hơn hết là xác định rõ cho sinh viên về sứ mệnh về vai trò của báo chí Việt Nam trong đời sống xã hội hiện đại và trách nhiệm của người cầm bút ngày hôm nay. Tôi tin tưởng rằng, thông qua sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương thì số lượng kỷ vật sẽ được bồi đắp thêm thông qua các hoạt động từ thực tiễn.
Theo Lê Anh/Báo Nhà báo và Công luận