Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) là cơ quan truyền thông luôn đóng góp to lớn trên mặt trận thông tin. Để có một chương trình phát thanh đến với thính giả phải qua nhiều khâu, đòi hỏi sự nhiệt huyết của người làm nghề. Ảnh: Phóng viên Ban Thời sự (VOV1) tại cabin làm việc.
Chương trình phát thanh trực tiếp và thu trước có những bước chuẩn bị khác nhau. Song nhìn chung công đoạn đầu tiên là tìm chủ đề, lên ý tưởng, xây dựng kịch bản nội dung. Tiếp theo phóng viên sẽ viết tin, bài, phỏng vấn, thu âm tiếng động...để "đắp" vào kịch bản vừa xây dựng. Kịch bản, hay 1 chương trình phát thanh, là bộ khung; bài viết, phỏng vấn, tiếng động, nhạc, bài hát... là da là thịt cho bộ khung đó. Với chương trình tường thuật trực tiếp hay tọa đàm lại có thêm các bước chuẩn bị đặc thù khác nữa. Dù đã có hệ thống mạng máy tính nhưng việc biên tập tin bài trên giấy vẫn được duy trì để đảm bảo độ chuẩn xác. Ảnh: Phó Trưởng Ban Thời sự (VOV1) Nguyễn Thị Tuyết Mai biên tập bài của phóng viên.
Sau khi tác phẩm hay chương trình được lãnh đạo biên tập, phóng viên chuyển nội dung sang phòng thu (studio) để phối hợp với phát thanh viên, kĩ thuật viên tổ chức dàn dựng. Ảnh: Phát thanh viên trình bày bài viết trong phòng thu.
Công việc sản xuất diễn ra tại phòng thu là sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của ê-kip. Biên tập viên, phóng viên chịu trách nhiệm nội dung; phát thanh viên chịu trách nhiệm thể hiện tin bài trên sóng; kĩ thuật viên chịu trách nhiệm về âm thanh, thực hiện toàn bộ ý tưởng của phóng viên. Khâu biên tập âm thanh đòi hỏi kỹ năng, kỹ xảo và rất tỉ mỷ; kỹ thuật viên phải hiểu ý đồ của phóng viên để biến con chữ trên giấy thành tác phẩm âm thanh sinh động.
Phóng viên Ban Văn hóa-Xã hội (VOV2) cùng dàn dựng với kỹ thuật viên của Trung tâm sản xuất và Lưu trữ chương trình.
Bà Kiều Thị Tuyết Mai – Kỹ sư sản xuất chương trình chia sẻ: "Nhiệm vụ chính của chúng tôi là phối hợp với các anh chị làm nội dung, thu dựng những chương trình. Đây là nhiệm vụ rất vất vả, luôn trực 24/24 để xử lý các tình huống có thể xảy ra. Mặc dù làm theo ca nhưng nhiều khi chúng tôi vẫn phải ngủ lại cơ quan, hay làm việc thông đêm. Nếu không yêu nghề, nhiệt huyết với nghề thì khó có thể làm được lâu dài".
Kỹ thuật viên đảm bảo sản phẩm phát thanh không sai pha, hiệu chỉnh hoặc cắt bỏ những phần âm thanh không đúng chuẩn, đúng thời lượng. Sau đó sắp sếp vào hệ thống phát sóng cho đúng khung giờ (với các chương trình thu trước)
Kỹ thuật viên trong các phòng thu đóng vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất các chương trình phát thanh. Ngoài việc tham gia vào khâu dàn dựng chương trình, một vài bộ phận còn phải trực 24/24h để xử lý các tình huống khẩn cấp hoặc đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật cho các chương trình.
Kỹ thuật viên điều chỉnh tín hiệu âm thanh, trong phòng thu.
Với một số chương trình phát thanh thu trước, sau khi đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, thời lượng, khung giờ... chương trình sẽ được bàn giao cho Phòng Tổng khống chế trước thời gian phát sóng. Sau khi nhận chương trình, phòng này sẽ sắp xếp vào hệ thống theo đúng lịch phát sóng, theo khung chương trình của các Ban được lãnh đạo VOV ban hành.
Bà Phan Hương Giang – Trưởng phòng Sản xuất chương trình (Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình – VOV) cho biết: “Điểm quan trọng trong sản xuất một chương trình phát thanh là sự phối hợp ăn ý, tính thống nhất của ekip trong quá trình sản xuất tại phòng thu. Chất lượng kịch bản, chất lượng âm thanh, tiếng động, kỹ năng sử dụng phần mềm biên tập âm thanh (sử dụng âm nhạc, nhạc nền, tiếng động nền, hiệu ứng âm thanh)..., tất cả sẽ kết hợp tạo nên hiệu quả cao nhất cho một chương trình phát thanh hay tác phẩm phát thanh hấp dẫn, lôi cuốn người nghe".
Chương trình phát thanh trực tiếp đôi lúc cũng cần có thêm các nội dung thu sẵn với những bước như trên để tăng sự sinh động, phong phú, tránh nhàm chán, đặc biệt với các chương trình thời lượng dài. Ảnh: Phóng viên chuẩn bị dẫn chương trình phát thanh trực tiếp .
Các kỹ thuật viên phối hợp làm việc trong studio Onair.
Một chương trình phát thanh trực tiếp, có khách mời, được xây dựng vừa để phát sóng vừa để Livestream trên nền tảng mạng xã hội.
Bộ phận thư ký trong studio trực tiếp đang nhận điện thoại từ khán thính giả phục vụ cho chương trình.
Khu vực Tổng khống chế là khu vực quan trọng, nơi kiểm thính chất lượng phát sóng của tất cả các kênh trong VOV. Có khả năng tách nhập sóng của các kênh. Kiểm soát đầu ra theo khung phát sóng.
Ông Phạm Văn Hoan – Phó trưởng phòng tổng khống chế cho biết: “Tổng khống chế làm nhiệm vụ lấy những tín hiệu từ các phòng thu để đưa đến đài phát theo yêu cầu. Nguồn và đích được đưa vào máy tách nhập, mọi hoạt động đều được theo dõi 24/24h".
Ảnh: Ông Hoan tiến hành kiểm tra, kiểm soát, kiểm thính chất lượng phát sóng trong Tổng khống chế. Theo ông Hoan, có những chương trình đặc biệt được lãnh đạo VOV chỉ đạo, các kĩ thuật viên sẽ tiến hành tách nhập sóng, tức là chuyển nội dung vào một tần số nào đó theo yêu cầu, đồng thời kiểm soát đầu ra theo khung phát sóng được duyệt.
Theo Văn Ngân/VOV