Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải A cho đại diện nhóm phóng viên Báo điện tử VietnamPlus. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Như thường lệ, Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 14 năm 2019 được diễn ra đúng vào ngày 21/6 - Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc đã có những đóng góp lớn, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.
Trước giờ diễn ra lễ trao giải, tại khuôn viên Nhà hát Lớn Hà Nội đã tập trung rất đông người, trong đó có rất nhiều nhà báo được vinh danh trong Lễ trao giải.
Những lời chúc mừng, những cái bắt tay siết chặt hòa trong không khí hân hoan của ngày hội lớn dành cho giới báo chí trong cả nước.
Nhiều tác phẩm mang tính phát hiện, phản biện tốt
Theo đánh giá của Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia năm 2019, các tác phẩm dự thi năm nay đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm.
Những hoạt động đối ngoại của Nhà nước Việt Nam trong năm 2019 cũng được ghi dấu ấn trong nhiều tác phẩm đạt giải, như chùm ảnh "Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều lần thứ 2 và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên" của nhóm tác giả Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã việt Nam.
Nhiều tác phẩm viết về chủ đề xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công cuộc giảm nghèo bền vững; các vấn đề xử lý cán bộ sai phạm trong công tác cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý đất đai, quản lý giáo dục... như loạt 3 bài "Hàng trăm nghìn tỷ đồng đang bị đóng băng, bào mòn" của nhóm phóng viên Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân; chùm bài "Thâm nhập đường dây làm bằng giả lái lái xe" của Chi hội nhà báo Báo Giao thông.
Giải thưởng Báo chí Quốc gia năm 2019 cũng ghi nhận những tác phẩm báo chí phản ánh chân thực những mặt trái xã hội như vấn nạn tín dụng đen, như loạt 5 bài "Vạch trần bộ mặt của băng nhóm xã hội đen, tín dụng đen Đường Nhuệ lộng hành dưới vỏ bọc của công ty bất động sản tại Thái Bình" của Chi hội Nhà báo Báo Pháp luật Việt Nam...
Những đề tài truyền thống như lịch sử, văn hóa, an ninh, quốc phòng, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến tiếp tục được nhiều tác giả khai thác.
Các vấn đề chủ lưu diễn ra trong năm qua như khuyến khích thúc đẩy kinh tế tư nhân, sản xuất nông nghiệp sạch, xây dựng đô thị thông minh, cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tác động tới cuộc sống; phòng chống thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội cũng là mảng đề tài nóng được báo chí thể hiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Năm nay, nhiều tác phẩm được thể hiện bài bản, công phu, chuyên nghiệp, mang tính phát hiện, tính phản biện tốt. Nhiều loạt bài đã đi đến tận cùng của vấn đề, nhờ đó những tác phẩm đã có hiệu quả xã hội mạnh mẽ, tích cực, có sức ảnh hưởng lan tỏa cao.
Mặt bằng chất lượng chung các tác phẩm dự Giải báo chí năm nay đồng đều hơn và ghi nhận nhiều đài địa phương có nhiều tác phẩm có chất lượng nổi trội, vượt lên, rút ngắn khoảng cách giữa đài Trung ương và địa phương.
Nhiều "luồng gió mới" trong mảng đề tài văn hóa
Tại Giải thưởng Báo chí Quốc gia năm 2019, có những tác phẩm khai thác đề tài văn hóa đoạt giải cao. Có thể kể để loạt bài theo thể loại trò chuyện văn chương do nhà thơ, nhà báo Trần Hữu Việt - Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân thực hiện, đoạt giải A thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (báo in).
Năm bài phỏng vấn về 5 vấn đề văn học, trong đó 4 bài là cuộc trò chuyện hai người, bài cuối được thể hiện dưới dạng tọa đàm vô cùng cuốn hút độc giả. Không chỉ độc đáo từ cách chọn nhân vật trao đổi, cách khai thác, đặt vấn đề và dẫn dắt câu chuyện, tác giả còn khéo léo sử dụng ngôn từ, xử lý tình huống khiến những cuộc trao đổi dù dài từ 6-10 câu hỏi, cả ngàn chữ nhưng khiến người đọc "bập vào rồi là khó để dứt ra".
Cách dẫn phỏng vấn nhẹ nhàng, đưa đẩy, chuyển vấn đề mượt mà thể hiện sự đầu tư, công sức, cái tâm, cái tầm của người dẫn truyện trong loạt bài cũng khiến cho những câu chuyện đọng lại lâu hơn, ấn tượng hơn với người đọc.
Chia sẻ về cảm xúc khi nhận giải, nhà thơ, nhà báo Hữu Việt cho biết: "Tôi hơi bất ngờ khi được Hội đồng Giải thưởng Báo chí quốc gia tặng giải A, bởi ít khi giải thưởng cao nhất của báo chí quốc gia lại được trao tặng cho loạt bài về đề tài văn chương. Tôi rất vui và cũng rất mừng. Vui vì được nhận giải cao về nghề nghiệp, vì được đóng góp vào thành tích chung của báo Nhân Dân, tờ báo đã dành nhiều sự đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Mừng vì Hội đồng giải thưởng đã "để mắt" tới những tác phẩm báo chí viết về văn học, nghệ thuật. Biết đâu đây sẽ là động lực để các phóng viên, nhà báo thuộc lĩnh vực này thấy mình vẫn có cơ hội bình đẳng với các bạn đồng nghiệp thuộc lĩnh vực khác, miễn là hãy viết thật hay, thật bền bỉ và da diết về một lĩnh vực còn rất nhiều dư địa dành cho người làm báo".
Theo ghi nhận của Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia, đề tài báo chí mảng văn học, văn hóa vốn không "đắt giải," nhưng năm nay lại xuất hiện những tác phẩm xuất sắc.
Chùm bài về vấn đề tâm linh, văn hóa với chủ đề "Truyền bá chuyện vong báo oán tại chùa Ba Vàng" của Chi hội nhà báo Báo Lao động là sự phối hợp điều tra của nhóm 7 nhà báo trong thời gian 3 tháng đã gây tiếng vang lớn đã đoạt giải A thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (báo điện tử) là một ví dụ.
Độ nóng của những vụ việc xảy ra ở chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh) trong vụ việc liên quan đến yếu tố tôn giáo, tâm linh đã thu hút sự quan tâm không chỉ người dân cả nước và còn của các cấp lãnh đạo.
Loạt bài đi đến tận cùng của sự việc, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đến hàng triệu người có niềm tin mù quáng đã bị mê hoặc, lừa đảo dẫn đến mất tiền và nhiều hệ lụy khác, như gia đình đổ vỡ, sức khỏe, tâm lý bị ảnh hưởng.
Bên cạnh sản phẩm đăng báo, tư liệu về vụ việc còn được dựng thành phóng sự hình ảnh nên độ chân thực của các yếu tố trong quá trình điều tra của nhóm phóng viên đã hoàn toàn thuyết phục công chúng.
Ngay sau đó, các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm những người liên quan; đồng thời chấn chỉnh hoạt động truyền bá "vong báo oán" tại chùa Ba Vàng.
Trước đó, loạt bài đã vinh dự được nhận giải A giải "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí" lần thứ 2 và Bằng khen đặc biệt về "Thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiệp vụ" của Hội Nhà báo Việt Nam.
Thành viên trong nhóm tác giả loạt bài, nhà báo Nguyễn Thị Huyên chia sẻ: "Khi bắt đầu thực hiện loạt bài này, chúng tôi không hình dung hết tác phẩm lại có thể thu hút sự quan tâm lớn đến như vậy. Áp lực lớn nhất với nhóm làm việc không phải là những lời đe dọa hay sự khó khăn trong tác nghiệp mà là sự mong chờ của độc giả. Chúng tôi tin vào lẽ phải, mục đích duy nhất khi thực hiện phóng sự này là đưa sự việc "gọi vong báo oán" ra ánh sáng. Chúng tôi đã bị các đối tượng xấu đe dọa, sẵn sàng trả tiền cho ai cung cấp thông tin về nhóm phóng viên, Nhưng với niềm tin vào công chúng, sự vào cuộc của cơ quan chức năng nên nhóm đã có động lực để theo đến cùng vụ việc này."
"Lạ" trong cách đưa ra hướng giải quyết
Đoạt giải A thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp (phát thanh), loạt 5 bài về "Nông nghiệp Tây Nguyên tìm động lực cho giai đoạn mới" của nhóm tác giả Vương Đình Tuấn, Vũ Hải Định - Cơ quan thường trú khu vực Tây Nguyên, Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhận được nhiều sự quan tâm, khen ngợi.
Nhà báo Vũ Khải Định cho biết, loạt bài được xuất bản đúng vào thời điểm nông nghiệp đang đứng trước sự khủng hoảng. Bài viết khẳng định tầm quan trọng của yếu tố văn hóa trong nông nghiệp, đưa ra hướng giải quyết làm thế nào để văn hóa nông nghiệp trở nên phổ biến, để người nông dân hiểu được văn hóa nông nghiệp, để doanh nghiệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đây là yếu tố "lạ" trong cách xử lý vấn đề từ góc nhìn của những phóng viên đã bám nghề, bám địa phương, cơ sở, theo dõi sự thăng trầm của các ngành cây công nghiệp của khu vực Tây Nguyên trong cả thập kỷ qua...
Đề tài được nhóm ấp ủ từ 2 năm nay, may mắn là khi loạt bài xuất bản, vấn đề nhóm đề cập đến đang được Đảng, Chính phủ, ngành nông nghiệp, các địa phương và đặc biệt là người dân khu vực Tây Nguyên quan tâm.
Trăn trở tìm lời giải cho vấn đề từ kinh nghiệm thực tế của phóng viên..., những cống hiến, tâm huyết đã mang lại vinh quang cho nhóm tác giả phát thanh khu vực miền Tây nguyên của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Khẳng định vị thế của hãng Thông tấn Quốc gia
Tại Giải Báo chí quốc gia năm 2019, Liên chi Hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam giành 6 giải, với 1 giải A, 4 giải C và 1 giải Khuyến khích ở nhiều thể loại khác nhau.
Xuất sắc đoạt giải A thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử), loạt 5 bài "Ma trận đấu thầu tập trung: Hà Nội nguy cơ "thất thủ" vì rác thải" của nhóm phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam đã mang tới cho độc giả góc nhìn cụ thể hơn về thực trạng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay, qua gần 4 tháng đi thâm nhập thực tế.
Đại diện nhóm tác giả chia sẻ: "Chúng tôi tìm hiểu để đưa ra những dẫn chứng chi tiết, cụ thể nhất của những "điểm nghẽn" bất cập trong công tác thu gom; những gói thầu "làm ngược chủ trương" xuất phát từ "ma trận" đấu thầu rác thải tập trung...".
Nhóm cũng quyết định chọn hình thức Mega-story (hay long-form) cho tác phẩm, giúp loạt bài vừa có nội dung bằng chữ, vừa có hình ảnh, video clip, góp phần truyền tải tối đa thông tin đến độc giả.
Ngay sau khi loạt bài được đăng tải trên Báo điện tử VietnamPlus, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành vào cuộc kiểm tra. Trên cơ sở đó, hoạt động thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố đã dần được điều chỉnh theo hướng tháo gỡ các "điểm nghẽn" từ cơ chế chính sách, đảm bảo rác thải được tổ chức thu gom, không để tồn đọng, gây ô nhiễm.
Đại diện nhóm tác giả chia sẻ: "Nhận giải thưởng cao là điều vô cùng bất ngờ, là niềm vinh dự và tự hào to lớn cả của nhóm tác giả và là niềm vui của tập thể tòa soạn".
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc trao giải C cho đại diện nhóm tác giả Trí Dũng, Nhan Sáng, Thống Nhất, Lâm Khánh, Phương Hoa (Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Đoạt giải C, loạt bài bình luận có chủ đề "Không mạo hiểm đánh đổi tính mạng khi lựa chọn mưu sinh xứ người," viết về vụ 39 người Việt thiệt mạng trong xe container ở Anh của Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam cũng đã có những xử lý rất riêng.
Tận dụng lợi thế của hãng thông tấn Quốc gia, với 63 cơ quan thường trú trong nước và 30 cơ quan thường trú ở nước ngoài, nhà báo Trần Quang Vinh đã xây dựng 3 bài viết về chủ đề này, trong đó, 2 bài do nhà báo Quang Vinh thực hiện độc lập và 1 bài là sự hợp sức của ba phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại các tỉnh, thành phố khác nhau (Ban biên tập Tin trong nước, cơ quan thường trú tại Hà Tĩnh, cơ quan thường trú tại Nghệ An).
Là bài thuộc thể loại bình luận nhưng không chỉ sử dụng lý luận dựa trên các số liệu khô khan, nhóm tác giả đã sử dụng tư liệu sống động, truyền tải thông tin từ thực tiễn ở hai điểm "nóng" về "xuất cảnh chui" là Nghệ An, Hà Tĩnh. Sức nặng, sự thu hút của bài báo không chỉ bằng lý luận chặt chẽ, sự phân tích logic, còn nhờ tư liệu tươi mới được phóng viên từ các địa phương cập nhật tình hình.
Chia sẻ cảm xúc, nhà báo Trần Quang Vinh, đại diện nhóm tác giả, cho biết viết thể loại bình luận đã khó, lại về chủ đề "nhạy cảm" thành hai cái khó cộng lại, nhưng với trách nhiệm của nhà báo, trách nhiệm công dân đã thúc đẩy ông đặt bút viết để đóng góp những tiếng nói sâu sắc vào việc cảnh tỉnh những người còn đang ấp ủ giấc mơ "xuất ngoại bằng mọi giá để đổi đời;" kêu gọi các cấp, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép.
Lần đầu tiên vinh dự được nhận giải C, nhà báo trẻ Đỗ Bình - Ban Biên tập tin Trong nước, Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ sự xúc động. Với tâm nguyện "luôn hướng ngòi bút đến người dân miền núi" và qua quá trình công tác thường trú một thời gian tại vùng đất địa đầu tổ quốc Hà Giang, nhà báo Đỗ Bình đã đi và thực hiện chùm tác phẩm "Ước vọng xanh trên miền đá lạnh".
Loạt bài đã đi sâu, tìm hiểu những khó khăn, nguy hiểm người dân vùng biên giới đang phải đối mặt hàng ngày; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của những nạn nhân do vướng phải bom, mìn, vật liệu nổ; phản ánh những khó khăn trong hoạt động rà phá bom, mìn... tại Hà Giang.
Nhà báo Đỗ Bình cho biết quá trình làm phóng viên thường trú tại địa phương anh đã có cơ hội đồng cảm, thấu hiểu hơn cuộc sống người dân miền núi nơi biên cương cực Bắc của Tổ quốc, giúp anh có quyết tâm thực hiện loạt bài.
Là thể loại ít có tác phẩm đạt đủ những tiêu chí để dành thứ hạng cao, Giải Báo chí Quốc gia thể loại Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh luôn là khát khao của những phóng viên ảnh.
Năm nay, chùm 8 ảnh với tiêu đề "Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên" của nhóm phóng viên Ban Biên tập Ảnh, Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam đã được Hội đồng Giải trao giải C.
Đại diện nhóm tác giả cho biết: Với những lợi thế của Thông tấn xã Việt Nam trong lĩnh vực ảnh, nhóm phóng viên đã tiếp cận sự kiện quan trọng để đưa đến công chúng những hình ảnh chân thực nhất.
Không thể kể hết những câu chuyện đằng sau các tác phẩm báo chí xuất sắc đoạt giải. Mỗi câu chuyện đều cho thấy sự vất vả, sẵn sàng dấn thân, đương đầu với gian khổ của các nhà báo để có những tác phẩm hay, ấn tượng, hấp dẫn đến với công chúng.
Giải thưởng Báo chí Quốc gia năm 2019 đã khép lại, các phóng viên, nhà báo, biên tập viên... trên khắp mọi miền đất nước lại trở về với công việc hàng ngày, để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm báo chí có giá trị, đạt chất lượng cao, đóng góp chung vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các tác giả đoạt giải thuộc Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Theo Ng. Bích/TTXVN