Ngồi bên góc trái phòng làm việc, phía sau chiếc máy tính cũ mèm, anh Nguyễn Tiến Thành chăm chú gõ bàn phím, đuổi theo tốc độ của âm thanh phát ra từ chiếc máy ghi âm. Chốc chốc, anh dừng lại, tay phải khua khua máy ghi âm. Chiếc máy dường như đã có tuổi, âm thanh phát ra lè rè khiến anh cứ phải tua đi tua lại nhiều lần.
Rồi anh lại tiếp tục gõ…
Cái nắng gắt lúc 10 giờ xuyên qua khung cửa sổ, đậu lại trên vầng trán cao rộng của anh. Anh bất chợt dừng tay rồi nói giọng trầm ấm: “Vân ơi đóng cửa lại đi Vân, hình như trời đang nắng à”? Vân là đồng nghiệp của anh Thành.
Gần mười năm qua, anh không biết đến tia nắng của ngày hè, chẳng biết đến hình dáng giọt mưa của mùa xuân.
Năm 2009, khi thấy hiện tượng mắt bị mờ và đầu đau liên miên, anh Thành đã đi khám tại bệnh viện Mắt TW. Khi bác sĩ kết luận bị bệnh Glocom – tăng nhãn áp (dân gian gọi là bệnh thiên đầu thống), anh và gia đình đã tìm hiểu khắp nơi để chữa trị.
Hai năm, anh được mổ mắt sáu lần, trong đó có một lần mổ bên Singapore.
Một ngày đầu tháng 9.2011, khi ca mổ đã kết thúc, anh ngỡ rằng tháo băng ra là sẽ có thể lờ mờ nhìn thấy như năm lần mổ trước. Nhưng không, anh không nhìn thấy gì. Những ngày sau đó, anh vẫn tiếp tục nuôi hy vọng. Một ngày, hai ngày, ba ngày rồi hai tháng, cuộc sống của anh vẫn chìm trong bóng tối.
“Lúc mổ xong, bác sĩ nói phần trăm khỏi là 50/50 nên tôi hy vọng nhiều lắm. Tôi cứ ngỡ sắp được nhìn thấy ánh sáng, được ngắm nhìn gương mặt thân thương của vợ con. Rồi, hai tháng trôi qua, mắt vẫn không khỏi, tôi biết tôi chẳng còn cơ hội nữa. Tôi sụp đổ hoàn toàn.
Khi còn lờ mờ nhìn thấy tôi còn có thể cố gắng làm mọi thứ theo phản xạ. Nhưng khi mọi thứ biến thành một màu đen tuyền thì nghĩ đến chữ cố gắng thôi tôi cũng thấy mệt”, anh Thành nói.
Anh ví cuộc sống của anh khi đó chỉ có màu duy nhất – màu đen.
Trước khi bị mù vĩnh viễn, anh Nguyễn Tiến Thành từng có bảy năm làm phóng viên tại Tạp chính Doanh nghiệp và Thương mại của Bộ Công thương.
Suốt khoảng thời gian nghỉ làm để chữa bệnh, anh luôn thèm cảm giác được viết. Rồi anh nghe radio cho đỡ nhớ nghề và cũng để không bị lạc hậu về thông tin.
Ngày chấp nhận việc bản thân từ nay về sau sẽ không còn nhìn thấy nữa, một trong những điều khiến anh luyến tiếc nhất là công việc. Anh nhớ những ngày đội nắng, đội mưa đi phỏng vấn, nhớ nụ cười và lời cảm ơn của nhân vật, nhớ cả khoảnh khắc bị trả bài rồi đêm muộn vẫn cố ngồi sửa để hôm sau bài lên trang sớm.
Suốt bảy năm làm báo, anh đã được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và biết thêm rất nhiều về thế giới ngoài kia.
Vậy nên, cứ nghĩ đến việc phải ngồi im một chỗ, loanh quanh trong căn phòng nhỏ, tim anh lại quặn thắt lại.
Nhưng, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Và cuộc sống của anh bắt đầu thay đổi từ ngày anh trở thành hội viên Hội người mù quận Thanh Xuân.
Sau khi vào hội, anh được học chữ nổi, học tin học và học hai khoá nâng cao trong Trung tâm phục hồi chức năng của Hội người mù Việt Nam. Anh dành trọn năm 2012 để đi học.
“Khi đó tôi như trang giấy trắng, bắt đầu học lại mọi thứ. Học các kĩ năng, học phương pháp, học các công cụ tiếp cận của người khiếm thị. Những người khiếm thị từ nhỏ các giác quan còn lại của họ sẽ phát triển hơn tôi và tiếp thu nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu “học muộn” mà không được học sinh giỏi xuất sắc được thì cũng phải được khá giỏi”, anh Thành đùa.
Đến cuối năm 2012, sau khi đã có đủ các kĩ năng, anh Thành quay trở lại làm báo. Bài viết đánh dấu mốc trở lại con đường viết lách là bài về chân dung một người đồng cảnh ngộ với anh. Bài viết được đăng trên Tạp chí Đời mới của Trung ương Hội người mù Việt Nam. Tiếp sau đó là những bài viết trong Chương trình niềm tin ánh sáng của VOV Giao thông, Báo Tuổi trẻ thủ đô, Báo Lao động thủ đô, Báo Kinh tế đô thị,…
Khi trở lại làm báo, anh vẫn dùng chiếc máy tính xách tay cũ, nhưng có cài đặt thêm phần mềm đọc chữ - cũng chính là phần mềm anh đang cài cho chiếc điện thoại thông minh. Anh Thành đã mất ba tháng để học, làm quen và thích nghi với phần mềm này.
Mỗi khi mở máy ra, phần mềm sẽ bắt đầu chạy và con trỏ chuột di chuyển đến đâu, âm thanh sẽ phát ra vanh vách “computer, chrome, word 2018,…”.
Màn hình chiếc máy tính hiện tại đang để hình hai đứa con sinh đôi của anh. “Tôi cũng không biết máy tính đang để hình nền gì, chỉ là vợ gửi cho ảnh nào thì tôi cài ảnh đó. Cũng có khoảng thời gian dài sử dụng máy tính nên tôi vẫn nhớ cách cài ảnh làm hình nền”, anh Thành tự hào khoe.
Còn chiếc máy ghi âm anh đang dùng có phát ra âm thanh, để biết rằng đã ấn ghi âm hay đã tắt chưa. Anh Thành nói đùa, vì sử dụng toàn các thiết bị phát ra âm thanh như vậy nên chắc chắn không có cơ hội trở thành phóng viên điều tra được.
Ngày mắt còn sáng, anh thường chỉ mất một tiếng để viết tin. Nhưng bây giờ, có khi phải dành từ hai đến ba tiếng để vừa bóc ghi âm, viết bài và soát lỗi chính tả. Ví như ngày trước anh vừa có thể phỏng vấn và vừa gõ song song nhưng giờ việc đó khó mà có thể làm được. Thay vì gõ, anh đặt máy ghi âm và cố gắng chăm chú nghe câu trả lời của nhân vật. Sau đó anh sẽ về nghe lại và bắt đầu viết bài.
Quá trình soát lỗi chính tả sau khi đã hoàn thành bài viết cũng rất khác. “Như người bình thường thì họ sẽ dùng chuột, mắt để dò lại chính tả. Còn tôi sẽ dò lại chính tả bằng mũi tên trên bàn phím. Khi ấn đến đâu, từng chữ cái sẽ phát ra đến đó để biết là đã viết đúng hay chưa”, anh Thành nói.
Một phần vô cùng quan trọng của bài viết đó là hình ảnh. Khi đi làm, anh thường sẽ xin ảnh nhân vật hoặc nhờ người khác chụp hộ.
Khoảng thời gian làm báo sau khi bị khiếm thị, anh Thành từng đạt giải Ba cuộc thi viết về những tấm gương điển hình tiên tiến do UBND TP Hà Nội tổ chức vào năm 2016. Bài viết về chữ Braille (chữ nổi) của anh được Hội Người mù Việt Nam lựa chọn gửi dự thi cấp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Hiện tại, ngoài thời gian làm các công việc của hội, mỗi tuần anh viết được từ một đến hai tin, bài để gửi cộng tác cho các báo. Cộng thêm các bài viết về các thành viên trong hội thì một tháng anh Thành viết khoảng hơn mười tin, bài.
Từ ngày anh Thành có những triệu chứng đầu tiên của bệnh cho đến tận bây giờ, vợ anh - chị Vũ Thanh Trà vẫn luôn bên cạnh, tận tuỵ chăm sóc chồng.
Đồ đạc trong căn phòng nhỏ của gia đình anh được chị Trà sắp xếp lại sao cho thoáng nhất, để giúp anh Thành dễ dàng trong việc di chuyển. Giống như bao người phụ nữ khác, chị phân chia quần áo của các thành viên trong gia đình vào từng ô. Trong đó, ô của chồng chị là đặt biệt nhất.
Những chiếc áo sáng màu như xanh nước biển, hồng, đỏ,… được chị xếp trên cùng của mép bên trái. Phía dưới là những màu tối hơn như xám, nâu, đen. Còn bên phải là các loại quần. Ở giữa ô là những chiếc tất đã được lột phải, chiếc này lồng vào chiếc kia, khớp thành từng đôi.
Bên ngoài hành lang căn phòng, chị để đồ nấu nướng như bếp ga, nồi cơm điện, lò vi sóng... vì để trong phòng anh sẽ bị bỏng.
Rồi những khi anh bị hụt chân cầu thang, chị là người đỡ anh dậy và tỉ mỉ miêu tả cho anh. Những khi anh bị đập đầu vào cánh tủ hay vấp chân vào mép bàn, cũng chính chị là người sắp xếp lại đồ đạc để an toàn nhất. Rồi chị cặm cụi đi dán từng miếng xốp trắng vào các vị trí mỏng, nhọn, nguy hiểm.
Khi được hỏi về điều khiến anh xúc động nhất về vợ, anh rớm nước mắt nói về những ngày vợ đèo anh đi làm. Khi đó, anh chắc rằng trên đường phố Hà Nội sẽ có những hình ảnh các ông chồng đèo bà vợ. Và anh tự hỏi, không biết vợ mình có buồn, có cảm thấy tủi thân không?
Rồi khi đèo anh đến nơi làm việc, vợ lại nán lại để chụp ảnh giúp anh. Vợ đang gánh vác nhiều công việc một lúc – những công việc mà lẽ ra là của người chồng.
Anh thắc mắc rằng, vợ lấy đâu ra nguồn năng lượng để có thể bền bỉ bên anh, đồng hành cùng anh mà không một lời ca thán. “10 năm rồi, không biết gương mặt vợ giờ ra sao, có thay đổi nhiều không? Nhưng chắc chắn, cái tính thương chồng chăm con của vợ vẫn vậy. Thật may vì được gặp và bên vợ”, anh Thành tâm sự.
Bên cạnh vợ, những đứa con nhỏ cũng giúp anh rất nhiều trong sinh hoạt hàng ngày. Anh từng rất lo lắng khi vợ sinh thêm 2 bé gái vào năm 2015. Nhưng giờ, anh biết đó chính là những điều mình được bù đắp bên cạnh những mất mát của cuộc sống.
Đậu và Lạc – hai bé sinh đôi luôn quấn lấy bố khi bố đi làm về. Hai cô công chúa luôn dựng sẵn bảng trắng, lấy sẵn bút màu và một miếng giẻ lau để được bố dạy học. Có những khi bố lấy nhầm chiếc bút màu vàng, rồi viết chữ này đè lên chữ kia, chính Đậu và Lạc đã nhắc bố và chọn lại một cây bút khác.
Đậu và Lạc từng hứa mai sau lớn lên, sẽ đưa bố đi du lịch nhiều nơi và chăm sóc cho bố.
Hiện tại, anh Nguyễn Tiến Thành đang giữ chức Chủ tịch Hội người mù quận Thanh Xuân. Ngoài thời gian làm báo, anh tham gia các công việc của Hội và tổ chức các buổi sinh hoạt, các lớp học để thành viên của Hội hoà nhập hơn với cộng đồng.
“Bản thân là một người khiếm thị nên tôi hiểu, khi mắt không nhìn thấy thì mối liên kết với cộng đồng ngoài xã hội là con số 0. Vì vậy, tôi muốn tất cả các thành viên của Hội sẽ tìm được cách nào đó để hoà nhập hơn với cộng đồng. Tôi giúp họ nhưng cũng chính họ đã tiếp thêm động lực sống cho tôi”, anh Thành nói.
Những ý tưởng của anh thường được nảy ra từ chính những thiệt thòi của các thành viên trong Hội. Khi thấy mọi người cần có thêm sức khoẻ, cần cảm nhận âm thanh tốt hơn nữa, anh Thành đã nhờ một giáo viên Zumba về dạy nhảy cho các thành viên trong hội – điều mà họ chưa từng nghĩ họ có thể làm được.
Khi thấy các cặp vợ chồng khiếm thị chưa một lần được khoác bộ vest, mặc chiếc váy cưới, anh Thành cũng đứng ra tổ chức đám cưới tập thể cho 21 cặp vợ chồng khiếm thị.
Hiện tại, anh vẫn đang tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm tổ chức nhiều chương trình nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động chăm lo cho hội viên về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần, nâng cao lòng tự tin, nghị lực cho hội viên, góp phần tạo ra hình ảnh người khiếm thị năng động, chủ động hòa nhập cộng đồng xã hội.
Theo Lao động