Thứ bảy, ngày 30/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Văn Hiền - Người viết chân dung các nhà báo liệt sĩ (06/07/2020-23:09)
    Hơn 70 năm tuổi đời, 40 năm tuổi nghề, nhà báo Trần Văn Hiền – nguyên TBT Báo Nghệ An, Trưởng Đại diện Tạp chí Người làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam) tại miền Trung, vẫn tự bỏ tiền ra, âm thầm lặn lội trong Nam ngoài Bắc viết nên chân dung nhà báo liệt sĩ cả nước.
Nhà báo Văn Hiền xem lại các kỷ vật của liệt sĩ - Nhà báo Lê Văn Luyện
(quê xã Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An) do vợ anh cung cấp.

 

“Đời mẹ nghèo trông áo rách nên thương”

Nhà báo Trần Văn Hiền (bút danh Văn Hiền) sinh năm 1948 tại làng Vọng, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Là con trai đầu của một gia đình đến 6 anh chị em, bố là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, Văn Hiền phải sớm bươn chải, làm lụng giúp mẹ nuôi các em ăn học.

Cuộc đời  của một cán bộ giao thông và sau này làm báo, anh đã chứng kiến không ít sự hy sinh của đồng đội, đồng bào dưới đạn bom của kẻ thù. Năm 1967, khi được tin bố hy sinh ở tuổi 43, độ tuổi đang phơi phới sức xuân, anh càng thấm thía nỗi đau mất mát của những người ở lại.

Năm 1979, nhân một lần nghỉ phép, Văn Hiền nhảy xe ra tận Thủy Nguyên (Hải Phòng) gặp vợ nhà báo liệt sĩ Vũ Hiến ở báo Hải quân Việt Nam. Biết anh là bạn thân cùng học lớp báo chí của Trường Tuyên giáo Trung ương những năm 1974 – 1976, chị Thân vợ liệt sĩ Vũ Hiến vô cùng cảm động. Chị cho biết gia đình chẳng có thông tin gì về anh, ngoài tờ giấy báo tử ghi “hy sinh ở mặt trận B79 chiến trường K”.

Văn Hiền quay về Hà Nội, tìm đến Hội Nhà báo Việt Nam, nhưng cũng chỉ đọc được vỏn vẹn mấy dòng về người bạn mình trong danh sách các nhà báo liệt sĩ cả nước: “Nhà báo liệt sĩ Vũ Hiến thuộc cơ quan báo Hải quân Việt Nam, tham gia đoàn quân tình nguyện Việt Nam, chiến đấu tại chiến trường Camphuchia đã hy sinh anh dũng trong lúc làm nhiệm vụ”.

Trên đường trở về thành phố Vinh, Văn Hiền suy nghĩ rất nhiều. Hơn 400 nhà báo hy sinh có đến 60% chưa tìm được hài cốt. Những thông tin về cá nhân họ đều rất ít ỏi. Anh tự nhủ mình: “Phải bằng mọi cách dựng lại chân dung các nhà báo liệt sĩ”. Ý nghĩ đó như một món nợ tinh thần theo anh suốt những năm làm báo và mãi cho đến sau này khi đã nghỉ hưu.

Năm 2002, anh quyết định tìm bằng được Trung tướng Nguyễn Văn Tình - Chuẩn Đô đốc Hải Quân - người trực tiếp chỉ huy trận đánh tại Ngã ba Va Lung (cửa ngõ Phnôm Pênh) nơi có Vũ Hiến tham gia và hy sinh. Những thông tin quý giá đó giúp anh dựng lại khá đầy đủ về cuộc đời và sự hy sinh cao đẹp của nhà báo liệt sĩ Vũ Hiến trong bài: “Chớp sáng trước cửa ngõ Kông Pông Xom”, đăng ở tập ký chân dung “Dáng đứng dưới đạn bom” của anh xuất bản năm 2018.

 

Nhà báo Văn Hiền tặng cuốn sách Tri ân nhà báo liệt sỹ cho ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Nhà báo Văn Hiền tặng cuốn sách Tri ân nhà báo liệt sỹ cho ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Nội chính Trung ương.

 

 

Văn Hiền luôn tự nhủ mình “Dù vất vả mấy cũng cố để tìm bằng được những thông tin sát, đúng sự thật nhất về các nhà báo liệt sĩ”. Trường hợp về nhà báo liệt sĩ Nông Văn Tư, quê ở Đồng Hỷ (Thái Nguyên) hy sinh năm 1971 tại thị xã Vinh là một ví dụ.

Đầu tiên anh phải ra Hà Nội, tìm đến xưởng phim Quân đội nơi Nông Văn Tư công tác và hy sinh để gặp những đồng đội cũ của anh. Cuốn sách kỷ yếu của đơn vị đã hé lộ một tình tiết rất quý, Nông Văn Tư lúc đó cùng quay phim với phóng viên Hà Văn Tài và hy sinh tại trận địa pháo thuộc Trung đoàn Phòng không 280. Tìm được chính ủy trung đoàn là Đại tá Bùi Thúc Nhâm, anh được biết đơn vị này đã giải thể, sáp nhập với một trung đoàn pháo cạo xạ khác. Lại một lần nữa, Văn Hiền quay trở lại Xưởng phim Quân đội để tìm Hà Văn Tài thì anh đã nghỉ hưu ở tận huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Sự kiên trì đã giúp anh có được đầy đủ tư liệu để viết nên câu chuyện đầy cảm động về nhà báo liệt sỹ Nông Văn Tư với tên gọi: “Dáng đứng dưới tầm bom”.

Văn Hiền cho biết, trong 2 tập sách viết về các nhà báo liệt sĩ của anh, trường hợp của nữ phóng viên Phạm Thị Ngọc Huệ làm anh phải dày công và vất vả nhất. Chị Huệ công tác ở báo Trường Sơn, nhưng lại hy sinh ở tỉnh Khăm Muộn (Lào) năm 1971. Phải qua thông tin của Binh Đoàn 559 rồi báo Quân đội Nhân dân, anh mới tìm được nguyên TBT lúc đó của chị Huệ và một đồng chí cán bộ cũ ở Ban Tuyên huấn Binh đoàn 559 tên là Khoát, mới có đầy đủ thông tin về chị. Để bài viết sát thực hơn, anh rủ mấy đồng đội cũ của chị Huệ cất công sang tận tỉnh Khăm Muộn (Lào) tận mắt ngắm nhìn sự hiểm trở, thâm u của thung lũng Ka Tốc, giúp anh mô tả sống động như người trong cuộc, sự hy sinh của nữ phóng viên Phạm Thị Ngọc Huệ.

“Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh”

Văn Hiền đã cho ra đời 20 đầu sách, viết hàng trăm bài thơ, đặc biệt trong đó có bài thơ nổi tiếng: “Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh”. Bài thơ có xuất xứ khá đặc biệt. Theo Văn Hiền, nhiều lần vào nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Việt – Lào thắp hương cho các liệt sĩ, nhìn hàng hàng ngôi mộ trắng với dòng chữ “Liệt sĩ vô danh”, Văn Hiền thấy lòng mình đau nhói. Một nỗi đau nhân đôi, một lần là sự hy sinh thân thể, lần nữa là sự mất mát danh tính của các anh liệt sĩ. Bởi các anh, chị sinh ra ai cũng tròn tháng, tròn ngày; được cha mẹ đặt tên, tính tuổi; có quê hương bản quán chôn nhau cắt rốn hẳn hoi. Nhưng nào ngờ, sau khi ngã xuống, nhiều người rơi vào hoàn cảnh “không một tấm hình, không một dòng địa chỉ”, chỉ còn lại một tên chung “Liệt sĩ vô danh”!

Văn Hiền kể lại với niềm xúc động khó kìm nén. “Trong một lần đi công tác ở huyện Anh Sơn (Nghệ An), đúng vào dịp ngày thương binh liệt sĩ, tôi vào nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào. Lòng như nghẹn lại trước những ngôi mộ không chủ, chỉ có vỏn vẹn 4 từ: “Liệt sĩ vô danh”. Trong trầm mặc khói hương, một tứ thơ chợt đến, và ngay đêm hôm ấy, tôi viết một mạch xong bài thơ mang tựa đề: “Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh”.

 

Nhà báo Văn Hiền bên bia đá khắc bài thơ

Nhà báo Văn Hiền bên bia đá khắc bài thơ "Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh", đặt tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đô Lương (Nghệ An).

 

Bài thơ đã làm xúc động hàng triệu con tim người Việt. Không lâu sau đó, bài thơ đã trở thành ý tưởng cho Kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng thành phim tài liệu “Không ai là vô danh” phát nhân dịp  27/7/1995; Trung tâm Nhân đạo huyện Đô Lương (Nghệ An) khắc  toàn bộ bài thơ lên bia đá nguyên khối, đặt tại nghĩa trang liệt sĩ huyện nhà.

Cũng đúng một năm sau đó, theo đề nghị của Thượng tướng Chủ tịch Hội Trần Văn Quang - Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam đã có nghị quyết đề nghị Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH khắc lại bia cho  70 vạn liệt sĩ chưa tìm thấy tên tuổi, quê quán. Nhờ đó, hiện nay tất cả các ngôi mộ mang tên “Liệt sĩ vô danh” đều được thay lại bằng tên mới: “Liệt sĩ chưa rõ họ tên”. Cách gọi này phần nào đó đã an ủi, làm vơi ít nhiều nỗi đau mất mát.

Dù đã bước sang tuổi 72, Văn Hiền vẫn miệt mài lo trả nghĩa đền ơn với những đồng đội đã khuất. Anh cho biết, năm nay sẽ có hai hoạt động lớn. Một là phối hợp cùng Hội Phật giáo Nghệ An và Đại đức Thích Đồng Tuệ đưa danh sách khoảng hơn 400 nhà báo liệt sĩ cả nước vào chùa Hà (huyện Nam Đàn) và chùa Âu Lạc (TP. Vinh) làm lễ cầu siêu nhân 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Hai là, tìm Mạnh Thường Quân để có kinh phí xuất bản cuốn ký chân dung: “Huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc – điều chưa nói” dày 160 trang đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7. Tác phẩm này vừa được tỉnh Nghệ An trao giải nhất Giải “Búa liềm vàng” của tỉnh.

Theo Khắc Hiển/ Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Nhà báo Chu Minh Khôi: Tâm huyết cùng phong trào nông thôn mới (02/07/2020-21:54)
  • Báo chí chính là động lực truyền thông trong bảo đảm ATGT (28/06/2020-7:32)
  • Chàng phóng viên viết báo bằng âm thanh (28/06/2020-7:27)
  • Nhà báo phát thanh lão làng kể chuyện nghề (28/06/2020-7:21)
  • Nhà báo Hoàng Long - Báo Lao Động: “Làm nghề là phải dấn thân và yêu nghề” (24/06/2020-18:13)
  • Phía sau phóng sự truyền thanh làm lay động khán thính giả (24/06/2020-18:10)
  • Thu phí báo điện tử: Con đường chông gai nhưng phải bước đi (24/06/2020-18:07)
  • Nhà báo Hữu Việt - Báo Nhân Dân: Mong muốn góp tiếng nói để văn học Việt Nam tìm lại những mùa vàng (24/06/2020-11:38)
  • Nhà báo Nguyễn Minh Đức - TBT Báo Kinh tế và Đô thị: Chính sách cho kinh tế báo chí cũng phải đặc thù (24/06/2020-11:36)
  • Phóng viên tác nghiệp vùng lũ: Dấn thân cống hiến để sẻ chia (15/06/2020-17:38)