Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo Nhân Dân tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh: TL
Với 232 trang khổ 14,5 x 20,5cm gồm 7 chương mang những cái tít đầy sức gợi, cuốn hút bạn đọc ngay từ những chương đầu: Tuổi thơ trên đất Bắc; Ngõ Lý Thường Kiệt, nơi ra ngõ… gặp nhà báo; “Hà Tây cửa ngõ Thủ đô” – nơi sơ tán lần thứ nhất; Những gia đình nhà báo văn nghệ sĩ; Một nhánh rẽ của tôi; Đi sơ tán lần thứ hai; Nhớ những người đã khuất.
Cuốn sách "Chúng tôi - một thời mũ rơm, mũ cối" của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Ảnh: TL
Đọc tới trang cuối cùng, tôi thầm cảm ơn Huỳnh Dũng Nhân, bằng trí nhớ tuyệt vời, bằng cách viết chân thực và cách chọn những chi tiết đắt giá, đã giúp tôi xem được một cuốn phim “quay chậm” về cuộc sống, về lý tưởng, ước mơ, về sự phấn đấu trưởng thành của các thế hệ con, cháu của nhiều nhà báo gạo cội của báo Nhân Dân ở Khu tập thể, ngõ 11 Lý Thường Kiệt, phía sau Đại sứ quán Cu Ba, nơi mà trưa ngày 21/12/1972, đã bị đế quốc Mỹ ném bom trong chiến lược “dùng pháo đài bay hủy diệt Hà Nội” vào 12 ngày đêm cuối năm 1972.
Tôi về công tác ở báo Nhân Dân từ năm 1968, nên có may mắn được chứng kiến và kiểm nghiệm thực tiễn gian nan mà hào sảng của cơ quan báo Đảng trong thời chiến; nỗi buồn và niềm vui qua cảnh ngộ của mỗi gia đình ở khu tập thể này. Cảm ơn Huỳnh Dũng Nhân đã ghi lại sống động thời ấu thơ của con em báo Nhân Dân trong những lần đi sơ tán ở Vân Đình, ở xã Tuy Lai, ở xã Thống Nhất; và đợt sơ tán lần thứ 2 ở Phượng Cách và Chùa Thầy.
Tôi tự hỏi: phải chăng trong gian khổ, thiếu thốn đủ bề ở những nơi sơ tán ấy, đã đúc rèn nên một nhà báo như Huỳnh Dũng Nhi, Huỳnh Dũng Nhân; nhà văn cựu chiến binh Châu La Việt; một Lê Khánh Châu giỏi toán (sau này là con rể của nhà thơ Tố Hữu); một Phạm Quang Vinh (con trai nhà báo Trần Kiên) học giỏi ở Hunggari; một Lê Thanh Nga (con nhà báo Anh Vũ) thành đạt ở CHLB Đức; một Lê Thu Hà cùng với anh trai đã làm rạng danh cho bố - nhà báo Lê Bình; một Thanh Hà, tiếp nối con đường báo chí của bố Phạm Thanh đã trở thành Vụ trưởng, là cây bút tài danh chuyên viết về văn hóa – văn nghệ của báo Nhân Dân, và nhiều người khác…
Bác Hồ thăm và chúc Tết cán bộ phóng viên Báo Nhân Dân năm 1957
Tôi dừng lại rất lâu ở chương 2, “Ngõ Lý Thường Kiệt, nơi ra ngõ gặp… nhà báo”, bởi lẽ, những gia đình ở khu tập thể này đã trở nên thân thiết với tôi trong suốt 33 năm công tác ở báo Nhân Dân. Tôi có may mắn là, ngay từ ngày đầu về báo, được tổ chức phân công làm việc ở ban Văn hóa – Văn nghệ do bác Nguyễn Đức Thi (bút danh Trường Thi) làm Trưởng ban; sau đó là “lính” của Ban Khoa giáo, do bác Quang Đạm làm Trưởng ban; rồi sau đó được tham gia làm đảng ủy viên, phụ trách công tác thanh niên, thiếu niên, nên tôi có dịp thường xuyên sang thăm hầu khắp các gia đình ở khu tập thể Lý Thường Kiệt này.
Từ gia đình nhà báo Nguyễn Thành Lê, Phó Tổng Biên tập, một thời kỳ dài là Người phát ngôn của Chính phủ ta tại Hội nghị Pari về Việt Nam; gia đình nhà báo đam mê viết về kinh tế Lê Điền, Ủy viên Ban biên tập báo nhiều năm; là gia đình nhà báo Đặng Phò (bút danh Đặng Minh Phương), người đã đi chiến trường nhiều năm; nhà báo Ngô Lê Dân hiền hậu; nữ nhà báo Hà Hoa – cây viết xuất sắc về kinh tế, sau này là Chánh văn phòng báo Nhân Dân; nhà báo Ngô Thi, “cây từ điển sống” sau bác Quang Đạm, một trong hai người của báo, biết đoán chuẩn xác những dòng chữ của Tổng Biên tập Hoàng Tùng chữa trên bản thảo các bài xã luận, bình luận… trong đêm khuya khoắt.
Tôi cũng đã được xem những “séc” bóng bàn hào hoa mà uy lực của nhà báo Khánh Căn (chồng ca sĩ Tân Nhân) trong những lần thi đấu làm rạng danh báo Nhân Dân. Rồi chị Hồ Vân, một trong những phụ nữ xinh đẹp của báo (vợ nhà văn Nguyễn Văn Bổng, trong thời kỳ đầu, anh Bổng cũng công tác ở báo Nhân Dân, sau khi đi chiến trường về, làm Tổng biên tập báo Văn nghệ). Trong khu còn có dãy nhà sát nhau của các cán bộ, nhân viên, như bác Huệ, Trưởng phòng Tài vụ (bố nhà văn Lại Nguyên Ân); bác Viên, người không nề hà công việc bảo vệ, văn thư; bác Nghĩa, bác Liên… ở bộ phận Văn phòng…
Tất cả các anh, chị ấy ở khu tập thể này không phân biệt cấp trên, cấp dưới, sống đoàn kết, chan hòa, làm nên truyền thống quý báu của báo Nhân Dân. Tôi có một kỷ niệm đáng nhớ, trưa 21/12/1972, nhận được tin Khu tập thể Lý Thường Kiệt bị Mỹ ném bom, tôi và anh Phạm Duy Phùng, Trung đội trưởng Đội tự vệ cơ quan đã cùng một số chiến sĩ có mặt kịp thời cứu người bị kẹt trong các căn hầm và tòa nhà bị sập...
Cây đa 71 Hàng Trống - Nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử
Cũng cần dành đôi dòng về gia đình nhà báo Trần Thanh Phương, cách đây mươi năm được Trung tâm sách Việt Nam công nhận là “Kỷ lục gia” với 3 kỷ lục: “Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam”; “Người có quyển sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam”; “Người có bộ sưu tập chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam nhiều nhất Việt Nam”.
Nhân đây, tôi muốn “bổ sung” vào cuốn sách của Nhân, một trong những kỷ niệm đi theo năm tháng làm báo của tôi – đó là gia đình nhà báo Quang Đạm, có con trai trưởng là anh Tạ Quang Ngọc cùng trang lứa, thời trẻ thường xuyên tham gia sinh hoạt đội bóng chuyền của báo Nhân Dân, từng cùng tôi và anh Thế Long… đi thi đấu với một số đội bóng cơ quan ở Hà Nội. Sau này, anh là Bộ trưởng Bộ Thủy sản, tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng với tôi hai khóa. Vợ anh là chị Châu, cũng là nhà báo ở báo Phụ Nữ Việt Nam.
Anh Ngọc giống bố, có trí nhớ tuyệt vời, người góp sức đắp “da thịt” cho cuốn sách này của Huỳnh Dũng Nhân, bởi tác giả đã nghe anh Ngọc kể rất nhiều câu chuyện sống động ở Khu tập thể này. Riêng về bố anh Ngọc - nhà báo lỗi lạc, nhà chính luận xuất sắc, tôi đã có bài tham luận khá chi tiết tại Hội thảo về “Nhà báo Quang Đạm” do báo Nhân Dân và Hội Nhà báo Việt Nam đồng tổ chức cách đây vài năm.
Trong bài viết này, tôi muốn bổ sung một chi tiết ở dạng “chuyện sau này mới kể”. Đó là vào một buổi sáng năm 1994, bác Mười Hương (tức Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương – vừa từ trần) điện mời tôi lên Hồ Tây gặp bác (lúc đó tôi là Phó tổng biên tập, phụ trách Ban Chính trị). Trên đường đi, tôi rất hồi hộp, không biết có chuyện gì xảy ra; mặt khác, tôi chưa hề gặp bác lần nào. Nhưng qua câu chuyện thân tình, cởi mở của bác, mọi băn khoăn, nghi ngại trong tôi bị xua tan.
Sau khi hỏi thăm công việc của báo Nhân Dân, bác đề nghị tôi báo cáo với Ban biên tập nên tạo điều kiện để xuất bản cuốn sách, trong đó chọn đăng các bài báo nổi tiếng của nhà báo chính luận Quang Đạm. Sau nhiều năm, ý tưởng của bác Hương đã được thực hiện. Chắc rằng ở “thế giới người hiền”, bác Hương đã gặp bác Quang Đạm, cả hai sẽ thanh thản, tri âm.
Bác Hồ đọc báo cho các cháu nghe tại trại nhi đồng ở Việt Bắc, năm 1950. Ảnh: TL
Bây giờ, qua các nguồn tư liệu tin cậy, tôi mới hiểu sự đánh giá công tâm, khách quan của “ông trùm tình báo”, sau này trên cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, ông muốn giúp hậu thế hiểu rõ thực chất quá trình cống hiến to lớn của nhà báo Quang Đạm, ngay từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 – mà không phải ai cũng hiểu tường tận. Tôi càng kính nể sự âm thầm chịu đựng “nỗi đau” dai dẳng nhiều năm cuối đời cùng ý thức tổ chức kỷ luật rất cao của nhà báo Quang Đạm.
Trong cuốn sách của Huỳnh Dũng Nhân, với những tư liệu xác thực được kiểm nghiệm qua thời gian, tôi cũng nể phục, sẻ chia nỗi oan ức của nhà báo, nhà nhiếp ảnh Bùi Á nổi tiếng, chuyên được Ban biên tập phân công đi chụp ảnh Bác Hồ. Những năm tháng công tác ở chiến trường khu 5 ác liệt, Bùi Á bị địch bắt và giam giữ ở hai nhà tù; năm 1973 được phía bên kia trao trả cho miền Bắc theo Hiệp định Pari về Việt Nam năm 1973. Một thời gian dài, Bùi Á sống trong dằn vặt vì dư luận nghi ngờ “có khai báo” khi bị tù đày.
Nhờ lòng mến yêu và trân kính nhà nhiếp ảnh tài năng, Huỳnh Dũng Nhân đã thầm lặng đi tìm các nhân chứng, các nguồn tư liệu, đặc biệt là bài điếu văn do Bùi Á viết, được đọc trong Lễ truy điệu Bác Hồ ghi ngày 5/9/1969 tại Nhà lao Non Nước ở Đà Nẵng; sau sự kiện ấy, Bùi Á bị địch tra tấn dã man và đày ra nhà tù Phú Quốc.
Vậy là, vong linh Bùi Á ở nơi suối vàng sẽ được siêu thoát, bởi đã không làm vẩn đục danh dự và vị thế tờ báo Đảng, mà vào ngày 11/3/2021 tới đây, báo Nhân Dân tròn 70 tuổi. Tôi tâm đắc mấy câu của nhà thơ Eptusenco mà Huỳnh Dũng Nhân đã trích trong phần cuối sách: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/ Mỗi số phận dù rất riêng, dù rất nhỏ/ Chắc tinh cầu nào đã sánh nổi đâu”…
Bác Hồ thăm và nói chuyện tại Báo Nhân Dân, tháng 11/1957. Ảnh: TL
Viết đến đây, lòng tôi bâng khuâng nhớ nhà báo, nhà thơ, liệt sĩ Nguyễn Trọng Đinh, người học trước tôi ba năm ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, về công tác ở báo Nhân Dân, sau đó đi B và hy sinh tại chiến trường Quảng Đà. Các liệt sĩ, nhà báo Nguyễn Ngọc Tứ, Nguyễn Huy… đều đã anh dũng ngã xuống ở chiến trường khu 5 ác liệt. Máu các anh đã làm xanh mãi cây đa thiêng liêng, đang vươn tán rộng giữa khuôn viên Hàng Trống, báo Nhân Dân. Mỗi dịp họp mặt vào Ngày truyền thống của báo, ngày 11/3 hằng năm, các thế hệ làm báo mái tóc còn xanh xen giữa những mái đầu bạc trắng quây quần chụp ảnh kỷ niệm dưới gốc đa cổ thụ, lòng thầm nhắc hãy sống xứng đáng với truyền thống cao đẹp của tờ báo Đảng…
Cảm ơn cuốn sách của Huỳnh Dũng Nhân đã góp sức thổi lửa tin yêu và kỳ vọng ấy đối với những người đang tiếp nối sự nghiệp làm báo cao quý, mà các bác, các anh, các chị từng sống ở Khu tập thể báo Nhân Dân, ngõ 11 Lý Thường Kiệt đã để lại cho hậu thế.
Theo PGS,TS. Nguyễn Hồng Vinh/ Người làm báo