Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Cơ hội cho hàng Việt (13/08/2020-8:40)
    (NLBTH) - Thống kê của Bộ Công thương cho thấy hàng hóa Việt Nam có mặt tại các hệ thống siêu thị trong nước hiện duy trì ở mức trên 80%, còn với hệ thống bán lẻ của nước ngoài tại Việt Nam là trên 60%. Đây là con số đáng mừng cho hàng hóa có nguồn gốc trong nước. Từ tư thế phải “ưu tiên” đến nay hàng Việt đã có thể tự hào khi được nhiều người tiêu dùng trong nước “ưu ái”.

Thời gian qua thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chúng ta đã có nhiều cách làm, trong đó một số tỉnh đã cụ thể bằng việc khuyến khích người dân dùng sản phẩm do doanh nghiệp địa phương sản xuất.

Thông qua thực hiện Cuộc vận động cơ quan chức năng đã có nhiều chính sách khuyến khích sản xuất, kích cầu tiêu dùng hàng nội địa bằng lợi thế từ giá cả, mẫu mã. Các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thân thiện môi trường cũng giúp hàng Việt đến gần hơn người tiêu dùng trong nước.

Không chọn hình thức đối đầu, cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp nội đã âm thầm xây dựng thương hiệu, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, quy trình quản lý tiên tiến để sản xuất sản phẩm chất lượng cao, đánh thức tinh thần yêu nước của người Việt qua tiêu dùng sản phẩm Việt.

Có thể nói bằng việc nhiều cơ quan đồng loạt vào cuộc cùng doanh nghiệp trong nước đã làm nên cuộc “vượt vũ môn” ngoạn mục cho hàng Việt trước sức ép của nhiều thương hiệu quốc tế.

Nhưng có thể nhận diện là chúng ta vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được thị trường trong nước. Một số mục tiêu đặt ra sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Viêt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn chưa thực hiện đầy đủ, hàng Việt ở nhiều nơi còn bị “quay lưng”, đối xử thiếu công bằng. Tình trạng được mùa mất giá và ngược lại còn xảy ra phổ biến. Nhiều vùng nông sản đầu tư ồ ạt rồi nhanh chóng rơi vào tình trạng khủng khoảng đầu ra. Có dây chuyền chế biến nông sản đầu tư kinh phí lớn nhưng không có thị trường ổn đinh.

Sở dĩ vẫn còn tồn tại “định kiến” phân biệt trong tiêu dùng là bởi thời gian qua có một số mặt hàng nội sản xuất theo kiểu ăn xổi trà trộn vào thị trường, tư tưởng sính ngoại tồn tại ở một bộ phận người tiêu dùng.

Để kích cầu sản xuất hàng hóa nội địa, cùng với việc Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách phù hợp phải là sự nỗ lực của doanh nghiệp bằng cả đầu tư nguồn vốn lẫn xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp. Trong thời gian dịch bệnh covid - 19 nhiều mặt hàng từ nước ngoài không thể nhập khẩu vào Việt Nam, doanh nghiệp nội sản xuất hàng hóa tương đồng cần nhận biết thời cơ này để tiến lên chiếm lĩnh thị trường, xây niềm tin mới đủ lớn với đại bộ phận người tiêu dùng.

Với sức tiêu thụ của gần 100 triệu dân trong nước sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất trong bối cảnh xuất khẩu đang bị đứt gãy vì dịch bệnh.

Chớp thời cơ, tạo nền móng để cạnh tranh cùng hàng ngoại cũng là cách để giúp hàng Việt chủ động hơn sau khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký kết có hiệu lực, hàng hóa nhập khẩu dự báo sẽ ồ ạt đổ bộ vào thị trường trong nước.


Tuệ Vũ

 

Các tin khác:
  • Nhìn vào để soi sửa bản thân (10/08/2020-23:03)
  • Động lực mới cho sự phấn đấu cao hơn (09/08/2020-20:43)
  • Hiệu ứng xấu! (08/08/2020-21:12)
  • Chấn chỉnh cải cách thủ tục hành chính (07/08/2020-17:36)
  • Chủ động trước “nguy cơ kép” (05/08/2020-9:53)
  • Đảm bảo kỳ thi an toàn trong hoàn cảnh đặc biệt (03/08/2020-15:07)
  • “Quá nhanh, quá nguy hiểm” (01/08/2020-18:13)
  • Xác lập tâm thế mới trong cuộc chiến chống covid - 19 (30/07/2020-21:35)
  • Lòng tự hào và trách nhiệm (29/07/2020-9:12)
  • Cốt lõi vẫn ở sự tự giác (28/07/2020-00:18)