Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Ký ức trong mưa (18/08/2020-22:54)
    (NLBTH) - Bước ra khỏi căn phòng làm việc trong tòa hợp khối, tôi vươn vai nhìn mưa để xua đi sự ngột ngạt từ thanh âm lộc cộc của bê tông và ngổn ngang công việc.

Những giọt mưa quay quắt dễ làm ký ức hiện về. Có thể là một miền quê nơi ta lớn lên, được sống, được yêu theo cách của riêng mình.

Với tôi, điều nhớ nhiều nhất chính cái cách đánh trần cùng lũ trẻ trong xóm nghèo nơi quê cũ đi bắt cá rô đồng mùa ngâu tháng bảy. Những con rô đồng róc theo dòng nước, lạch đạch vào sân gạch. Tôi chạy theo, em cũng chạy theo, và trong khoảnh khắc cơn mưa rất vô tình, đàn cả cũng vô tình, đã dẫn tôi và em cùng lội về một hướng. Thì này, tao bắt được mày rồi, một chú rô cụ vàng ươm. Và chộp, bất chợt tôi cũng bắt được em. Cả hai đứa ngẩn ngơ trong mưa, con rô trên tay tôi quẫy đạp rồi cứ thế tự giải thoát. Tôi không tin vào mắt mình nữa. Cái con bé Nương răng sún sao hôm nay xinh thế. Xinh đáo để. Dòng nước giúp em đẹp hơn trong mưa hay trong mưa anh nhìn em bằng cái nhìn khác hơn? Chả biết nữa, hai đứa đứng đó để mưa quất vào mặt, in hằn nét cong thiếu nữ sau chiếc áo mỏng lên thân hình thiếu nữ tuổi 13.

Vũ khúc mưa, vũ khúc cá rô đồng và cả vũ khúc của tôi và em ngày nào.

Ngoài kia trời vẫn mưa, tầm tã!  

Mấy mươi năm rời quê nghèo lên phố thị, để gió mưa quất rát mặt trần. Để bê tông, nhôm kính và những lọc lừa, mánh khoé mưu sinh chen vào tâm hồn. Cứng cỏi, rắn rỏi lên mấy phần, nhưng tôi cứ tưởng tôi không phải là tôi nữa.

***

Trên lan can tòa nhà, mình tôi nhìn ra ngút ngàn mưa. Có một cái bóng ngã nhào đè lên chiếc giỏ xe chở đầy phượng vĩ cuối mùa ngay con đường trước mặt. Con bé nhà ai mà liều lĩnh thế, dám đi giữa rừng mưa?

Thảng có gì đấy giống con bé Nương hàng xóm ngày nào. Tôi nghĩ thế và rồi lại nuốt vào lòng ký ức xa xăm. Bởi nhắc làm chi, nhớ làm chi, kẻo nó lại buồn.

Tuổi tác ai cũng phải trải qua, nhưng tuổi với nó là gánh nặng. Mỗi tuổi của nó đi qua là thêm một năm nhìn những đứa bạn cùng lứa rời làng đi xa. Nó thì vẫn thế, kiên gan với đồng làng. Giờ thì em đã là mẹ của 5 cái đầu xanh.

Mưa. Trong vũ khúc mưa như nghe được tiếng thì thầm vọng về từ xa thẳm. Từ một làng quê nông vụ nơi tôi sinh ra, nó lớn lên và lập gia đình.

Như một cuốn phim chạy chậm, mỗi ký ức là một dấu mốc thời gian.

Một thời đói khổ đến rau cháo cũng ít, nhưng tình người thì nhiều hơn tất cả. Cả làng sống bằng cái tình, có đận phải qua ngày bằng những lon cháo cám, nồi cháo rau, nhưng chẳng hề hấn gì. Trong cái đói khổ ấy lũ trẻ chúng tôi vẫn bấm bụng để học, để mơ đến ngày mai, dù ngày mai chỉ là khẩu lệnh được phát ra qua huấn thị đều đặn mỗi ngày từ miệng người lớn.

Những đứa trẻ của làng chưa bao giờ đi ra khỏi sự bao bọc của lũy tre làng, cánh đồng làng với đường chân trời mỗi chiều lại in bóng xuống dòng sống ngăn cách với xã khác, thì sao có thể hiểu hết sự rộng rãi, phóng khoáng của ngày mai khi được bước ra khỏi con đường nho nhỏ phía cổng làng…

****

Ò, ó o… Có tiếng gà trưa khi cơn mưa vừa dứt. Giữa phố thị mà lại được nghe tiếng gà, khác nào như nghe được tiếng của quê nhà. Có gì đó cứ rần rật chảy như máu tự tim mình cồn cào hối thúc, diết da.

Có vẻ trong khúc mưa như nghe được tiếng tim mình một thời thúc dục. Những tiếng thở than của lũy tre trên bờ đê, tiếng càm ràm của đàn bò đâu đó.

Và chắc chắn rồi, có cả ký ức về những ngày tôi cùng em đi bắt cá rô lạch đạch trên dòng nước chảy ra từ sân nhà mình.

Trời vẫn chưa thôi mưa. Tiếng mưa không còn ràn rạt, mà lộp bộp từ mái tôn căn nhà xe gần đó, làm mình nhớ quá. Nhớ tiếng ếch ộp quê nhà, nhớ những đêm chong đèn cùng bạn đi man cá.

Vất vả thế, khó khăn đấy, nhưng tuổi thơ lại đầy ắp tiếng cười. Giờ đã thành chồng, thành cha, tiền bạc cũng đủ tiêu, sao mà mua tiếng cười xưa lại khó thế?

Trong dòng người ồn ã nơi thị thành có cơ man những tiếng cười, nhưng để tìm lại tiếng cười trong veo như của con bé Nương là không thể.

Bao nhiêu tiền cho một lần được cười như ngày cũ? Đã bao lần tôi về quê, nhưng bao nhiêu cuộc điện thoại là bấy nhiêu lời khước từ. Bạn xưa đã xa, có cảm giác giờ càng xa. Nhiều người ngại ngồi với người phố bởi họ định kiến với nhiều người từ phố về nơi mình sinh ra nhưng lại thường nói đến những câu chuyện xa lạ. Nhiều bạn cũ cũng ngại ngồi cùng bạn học xưa giờ làm công chức mặc áo cổ cồn, đi xe hơi...

Mưa cứ thế, lộp độp rơi khiến nỗi nhớ quê càng thêm nhớ. Trở lại căn phòng ngột ngạt, tôi lại lang thang trên mạng một cách vô thường. Có một cái nick gửi cho tôi câu hỏi: “Chỗ chú có mưa không?”. “Đã bảo rồi, toàn quốc mưa. Dưới gầm trời Việt này chỗ nào nước chả chảy. Mùa ngâu mà”, tôi gõ lên bàn phím.

Luyên thuyên, miên man, tôi và con bé nói với nhau đủ thứ chuyện. Nào chuyện rau xanh, ngô, khoai, chuyện nông vụ. Con bé là sinh viên báo chí tôi từng hướng dẫn tốt nghiệp, giờ đang làm ở một báo ngành.

Đây rồi, chính là những thứ tôi đã kiếm tìm. Những thứ đã bị khước từ nhiều năm. Những thứ mà trên đường mưu sinh đỏ lửa lắm lúc mình đã bỏ quên trong “ổ cứng” chính mình.

Tôi và con bé khác nhau về tuổi tác, nhưng đồng điệu về tâm hồn. Nó có nét hao hao con bé Nương với nét chân thành, mộc mạc rất đáng yêu.

Tìm thấy rồi, tuổi thơ tôi. Kệ mưa, tôi chạy ra khỏi nhà, để mưa quất vào mặt, nước lùa vào chân. Mưa làm cho tâm hồn thư thái, để nghẫm nghĩ về cuộc sống thiện nhân với những ký ức thiện lành. Cảm ơn mưa.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Bồi đắp thêm niềm tự hào của những người làm báo cách mạng (18/06/2020-12:34)
  • Khởi động Giải bóng đá các Cơ quan Báo chí toàn quốc lần thứ 5 (13/06/2020-9:22)
  • Sôi nổi Giải bóng đá tứ hùng tranh cúp FC Báo chí Thanh Hóa (01/06/2020-9:40)
  • Cổ tích từ trang giấy trắng (28/05/2020-18:56)
  • Lắng lòng trong khúc mùa sang (17/04/2020-10:27)
  • Lắng lòng với hai bài thơ dung dị của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ (16/03/2020-12:46)
  • Đẩy mạnh truyền thông “Thanh Hóa – điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn” (03/03/2020-11:17)
  • Nghệ thuật ca trù được Google tôn vinh (25/02/2020-9:51)
  • Món nợ văn chương và những kỷ niệm (17/02/2020-17:22)
  • Qua những miền di sản mùa xuân (04/02/2020-15:40)