Nhà văn - nhà báo Nguyễn Uyển. Ảnh: Hương Quỳnh
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển - nguyên Trưởng ban Công tác Hội - Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ về sứ mệnh của báo chí trong phần tiếp theo của loạt bài "Báo chí chung tay làm sạch chính mình".
Nhà báo phải có tâm, có đức với nghề
Thưa ông, thời gian qua hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại liên quan tới đạo đức, tác phong của người làm báo như tham gia “đánh đấm”, viết nên những bài báo “sặc mùi” tiền hay như giới báo chí vẫn thường gọi “nhà báo đếm tầng”, “đội IS”… Ông có suy nghĩ gì về tình trạng này?
Đó là hiện tượng, nhưng là sự thật đã và đang diễn ra ở mọi miền vùng của đất nước ta. Tôi nói, đó là sự hư hỏng, mất nết của số ít (cho dù rất ít) nhà báo, đã làm ảnh hưởng đến những nhà báo tốt, làm suy giảm lòng tin của công chúng với nhà báo.
Buồn não lòng khi chính giới báo chí của chúng ta phải thẳng thừng chỉ mặt, đặt tên thói xấu của số ít nhà báo dùng thủ thuật, chiêu trò “đánh đấm” để vụ lợi cá nhân, thậm chí cho cả lợi ích nhóm. Họ đe dọa, họ “khủng bố”, họ vòi vĩnh, tống tiền trắng trợn... bị ví như (IS) tàn độc, xấu xa, cũng như “nhà báo đếm tầng” một thứ quyền lực trong lừa đảo... thì thật là tệ hại quá mức. Chung quy, đó là những nhà báo thực sự hư hỏng, không có tâm có đức với nghề.
Nhà nước ta luôn chủ trương chống lại những hành vi tiêu cực trong xã hội, với nhà báo trước tiên cũng phải chống tiêu cực trong bản thân mình. Ông đồng ý với quan điểm này chứ?
Đặt vấn đề như vậy là rất đúng. Phanh phui, lên án trên công luận về thói hư, tật xấu, vi phạm pháp luật... để xây dựng con người mới, xã hội tốt đẹp là trách nhiệm xã hội, là nghĩa vụ công dân cao cả của mỗi nhà báo và nền báo chí Việt Nam nói chung.
Báo chí là tổ chức chính trị, nhà báo là công dân, cho nên trước hết nhà báo phải là công dân mẫu mực, phải có đạo đức xã hội và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cách mạng.
Bởi vậy, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp không chỉ là trách nhiệm của Hội Nhà báo mà còn là trách nhiệm thiết thân của Ban biên tập các tòa soạn với những người làm báo của mình. Có vậy uy quyền của tờ báo trước công chúng mới được đề cao.
Thời kỳ hội nhập đặt ra những đòi hỏi, thách thức mới đối với nhà báo. Vậy theo ông, người làm báo phải làm gì để giữ cho được “mắt sáng, bút sắc, lòng trong”? Làm sao để đội ngũ những người làm báo được trong sạch, vững mạnh, được bạn đọc tin cậy hơn?
Hội nhập là một xu thế tất yếu của thời đại. Hội nhập nhưng bản sắc tốt đẹp của dân tộc phải được tôn tạo, bồi đắp.
Thời hội nhập, lúc sinh thời nhà báo lão thành Hữu Thọ luôn nhắc nhở các nhà báo phải: “Mắt sáng, bút sắc, lòng trong”. Tôi hiểu rằng, ông muốn nhắc nhở nhà báo phải có tâm, có đức với nghề.
Muốn tâm trong, đức sáng thì nhà báo phải luôn tự rèn mình. Mỗi nhà báo phải nhận rõ và làm chủ cái tâm của mình, để tự rèn luyện tình cảm và ý thức của mình luôn hướng về cái hay, cái tốt đẹp. Đi theo cái hay, cái tốt, cái thiện là tâm sáng, lòng trong.
Chúng ta phải học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Luôn luôn nêu gương về đạo đức, nói đi đôi với làm; xây đi đôi với chống. Chỉ như thế mới mong “mắt sáng, bút sắc, lòng trong”. Chỉ như thế mới mong báo chí được bạn đọc tin và yêu mến.
Kịp thời phản bác những thông tin độc hại
Cốt lõi của nội dung báo chí không thể mất và không được phép mất, đó chính là sự thật. Quan điểm của ông như thế nào về điều này?
Trách nhiệm của báo chí nói chung là thông tin phải nhanh, nhạy, kịp thời và chính xác. Như bạn nêu vấn đề là phải đảm bảo “sự thật” là cốt lõi. Đương nhiên cốt lõi của tác phẩm báo chí là nội dung. Nhưng cốt lõi nội dung của tác phẩm báo chí cũng chính là “sự thật”; trong mối quan hệ chằng chịt, sự thật xây đắp lòng tin và niềm tin cho công chúng.
Phóng viên Việt Nam tác nghiệp tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53.
Ảnh: Thành Nam
Kém sự thật, sai lệch sự thật, hoặc không đúng sự thật sẽ gây giảm lòng tin, thậm chí mất hết lòng tin. Mà mất lòng tin là mất tất cả. Danh dự nhà báo và uy quyền của tờ báo, theo đó cũng giảm đi, thậm chí suy tàn.
Thời gian qua có lúc công chúng bị ngộ độc thông tin trước những thông tin gây sốc, sến, tiêu cực tràn ngập mạng xã hội cũng như báo điện tử. Theo ông lúc này báo chí cần phát huy tính nhân văn với những thông tin tích cực, tạo niềm tin và động lực trong xã hội như thế nào?
Tôi đã không dưới một lần nói rằng: Sự ra đời và bùng nổ thông tin mạng xã hội trong thời gian gần đây là bước tiến dài về trí tuệ và sức sáng tạo hết sức vĩ đại của nhân loại. Sự hữu ích của mạng xã hội vô cùng lớn lao, trong đó có báo chí, truyền thông.
Song mặt trái, cái xấu, cái tai hại, sự tàn phá của nó gây ra với con người cũng không hề nhỏ. Điều này lại hoàn toàn phụ thuộc vào con người khi tham gia thông tin, khai thác và sử dụng thông tin. Nội dung thông tin mạng đặc biệt là Facebook, Zalo… rất phức tạp, bởi nó là của mọi người, mọi thế lực, mọi thành phần trên hành tinh ta ở đều sử dụng, lợi dụng… khiến cho những người tốt luôn cảm thấy bị sốc, bị ngộ độc, thậm chí căm phẫn.
Báo chí chính thống của Nhà nước ta là diễn đàn tin cậy của công chúng, bạn đọc, cho nên nhà báo (nhất là báo điện tử) cần hết sức đề cao trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, đạo đức nghề nghiệp mỗi khi loan tin trên mạng truyền thông xã hội.
Sử dụng nguồn tin trên mạng xã hội trước khi thông tin cần được kiểm chứng, cân nhắc nếu thấy phù hợp với tôn chỉ mục đích của báo chí của chúng ta. Luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết trong hết thảy các tin bài...
Thông tin nhanh, nhạy, kịp thời nhưng phải chính xác, trung thực và có ích. Thông tin nhanh là xu thế thời đại, nhưng phải chính xác, là sự tôn trọng độc giả của mình. Nhà báo phải thực sự chuyên nghiệp, giỏi tác nghiệp trong thế giới truyền thông hiện đại. Hơn hết báo chí và nhà báo phải rất mẫn cảm, kịp thời phản bác mạnh mẽ những thông tin độc hại, thù hận, xâm phạm lợi ích của nhân dân và Tổ quốc của mình.
Ngày nào cũng phải cố gắng
Một đất nước muốn vươn lên thì sức mạnh chính phải là sức mạnh tinh thần. Báo chí phải tạo ra sức mạnh tinh thần đó, tạo ra năng lượng tích cực cho xã hội, cho người dân? Ông có nghĩ như vậy?
Thời đại nào đi nữa, thì thông tin báo chí đại chúng của Nhà nước ta vẫn thực hiện chức năng căn bản: Tuyên truyền, cổ động, giáo dục, thuyết phục, định hướng dư luận và hành động cách mạng cho công chúng và bạn đọc của mình. Ở đó sức mạnh tinh thần luôn chứa đựng trong các tác phẩm, trong rất nhiều thể loại. Sức mạnh tinh thần ấy được truyền lửa qua tấm lòng, qua trái tim giàu cảm xúc của người viết.
Cổ nhân từng dạy những người cầm bút: “Viết sao cho lọt tai người/ Để người cùng khóc cùng cười với ta”. Một bài báo hay, một tin viết chính xác, khoa học, mới mẻ, hữu ích, thiết thực sẽ gieo vào lòng người đọc, người xem, người nghe năng lượng sống và bổ dưỡng.
Cho nên cơ quan báo chí, Chi hội Nhà báo nên theo sát các nhà báo để khích lệ, để nhân rộng và quảng đại những tác phẩm hay của họ. Chỉ như thế nhà báo mới có lửa lòng, mới viết hay, đi sát thực tiễn cuộc sống, mới mong truyền lửa tinh thần cách mạng cho đối tượng tuyên truyền của mình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng có yêu cầu các cơ quan báo chí phải quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ nhà báo có phẩm chất chính trị vững vàng, có trách nhiệm xã hội và ý thức công dân. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về việc những nhà báo có tâm, có tài sẽ giúp tạo nên nền báo chí nhân văn, vì con người?
Với tôi, khi học ở lớp giảng viên tại trường Đại học Báo chí Lille (Cộng hòa Pháp), họ nói với chúng tôi rằng: Sinh viên vào học đại học báo chí bắt buộc trước đó phải có 1 bằng đại học, tốt nhất họ là các nhà khoa học. Nhà trường làm nhiệm vụ đào tạo, đào tạo lại, đào tạo phóng viên chuyên sâu, đồng thời đào tạo cả giảng viên báo chí cho một số quốc gia (trong đó có Việt Nam).
Đào tạo sinh viên báo chí, họ rất ít nói lý thuyết. Lý thuyết chỉ là những điều nền tảng, ngắn gọn, cơ bản nhất. Đại thể: Làm báo phải ý thức rất rõ nghề của mình là cung cấp thông tin mới nhất, cần thiết nhất cho bạn đọc. Người đọc luôn là trung tâm, là mục tiêu công việc của nhà báo.
Cho nên họ rất coi trọng “xua” sinh viên “ra ngoài đường”; thực chất đó là đi thực tế. Là cách thực hành. Thực hành là lẽ sống của Trường Đại học Báo chí Lille. Họ coi bổn phận của nhà báo là: Ngày nào cũng phải cố gắng! Nguyên tắc của họ là học bằng làm, làm là học. Học cách tìm tòi lý tưởng; học cách tiếp xúc, gặp gỡ nhân vật.
Là nhà báo không có gì khác là phải có tác phẩm. Cho nên ngày nào cũng phải cọ sát với thực tiễn, ngày nào cũng phải viết. Giảng viên có trách nhiệm giao việc cho sinh viên. Thực hiện ra sao để thể hiện tốt chủ đề của bài viết, đó là trách nhiệm của phóng viên, không có lý do từ chối. Đó là đặc thù của nghề!
Đương nhiên, nhà báo Việt Nam, báo chí cách mạng với mọi bài viết, ở mọi thể loại phải có mục tiêu rõ ràng: Viết vì dân, vì nước, vì sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách tác nghiệp cho nhà báo không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn là ý thức thường trực của các Ban Biên tập, của Chi hội Nhà báo và ý thức tự học tự rèn của mỗi nhà báo. Với tinh thần: “Ngày nào cũng phải cố gắng”.
Theo Hương Quỳnh/ báo Vietnamnet