Tác giả (người đội mũ đen, hàng sau cùng) trong chuyến cùng Bộ đội quy
tập Nghệ An đi tìm hài cốt liệt sĩ ở Loong Chẹng (Lào)
1. Gần đây, chúng ta phải chứng kiến những bản tin “cực chẳng đã” về những phóng viên, nhà báo trong nước sa lưới pháp luật, bởi hành vi nhận hối lộ. Họ nhận hối lộ bằng nhiều cách từ nhiều lí do liên quan đến bài báo đang thực hiện. Có người bị Công an bắt với tang chứng hàng trăm triệu đồng, nhưng cũng có người “ngã ngựa” chỉ vài chục triệu đồng.
Nếu “khoanh vùng” tai nạn số nhà báo dính án tù tội, sẽ thấy nghịch cảnh này của báo chí lộ diện trong cơ chế “xin - cho” của kinh tế thị trường. Hệ quả của cơ chế này là chuyện người ta dùng phong bì để ứng phó khi bị nhà báo điều tra vụ việc họ làm trái pháp luật.
Vì sao những nhà báo đó “dính chàm”. Điểm tên những “con sâu làm rầu nồi canh” sẽ thấy nguyên nhân cơ bản đầu tiên là cơ quan chủ quản của họ thả lỏng quản lí. Phóng viên thường trú, thậm chí phóng viên hợp đồng tại các tỉnh thành tác nghiệp như thế nào tuỳ ý, miễn có nhiều quảng cáo. Những cơ quan này không coi trọng bài vở, sự kiện, tin tức thời sự mà báo chí phải đưa đến bằng số lượng quảng cáo về toà soạn.
Cách làm đó chứng tỏ những cơ quan báo chí này không đủ sức nuôi dưỡng và coi nhẹ sự rèn giũa đối với phóng viên của họ. Quy chế, kỉ cương của tờ báo theo đó bị xem nhẹ trong lúc bản thân phóng viên chưa đủ độ chín nghề nghiệp, độ tin cậy trước ma mãnh của những “chiêu” cám dỗ của đồng tiền. Chưa nói đến trong số đó có nhà báo còn dùng “uy danh” của tấm thẻ Nhà báo để hăm dọa, đòi tiền.
Ngẫm chuyện buồn mới hay công cuộc Quy hoạch báo chí ở nước ta đang diễn ra có phần rất chí lí với các cơ quan báo chí có phóng viên vi phạm. Chí lí ở góc độ có quá nhiều cơ quan tự đặt cho mình trọng trách làm báo, vượt quá khả năng và công việc chính của họ không phải là nghề báo. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến bản chất vốn có của nền báo chí cách mạng với tôn chỉ mục đích được Đảng, Nhà nước quy định.
Nghề báo, ngoài sự công phu, chịu khó cần có thêm năng khiếu hoặc truyền thống nghề nghiệp và sự đam mê rất đặc biệt
2. Là người sống bằng nghề, nhà báo cần có sức khám phá không ngừng nghỉ. Khám phá trong cách đi, cách nghĩ, cách viết mới. Khám phá bản thân mình. Khám phá năng lực tái tạo của đồng nghiệp. Khám phá để trau dồi kĩ năng nghề nghiệp, không để ngòi bút cũ kĩ, mòn vẹt trước sự thay đổi chóng mặt của đời sống xã hội và cung cách báo chí phản ánh nó.
Người làm báo thích khám phá thì tay nghề của họ không chỉ vững vàng mà còn thăng hoa trong nhiều lĩnh vực khi nội dung tờ báo cần đến. Phóng viên, nhà báo phải là người giàu năng lượng tích trữ đặc biệt là năng lượng sáng tạo. Từ cách viết một bản tin, bài phản ánh, phóng sự, đến viết nghị trường, viết phê bình tác phẩm văn học, nghệ thuật...
Nhà báo có thương hiệu bao giờ cũng đầy ắp kinh nghiệm về nghề, về đời trong đó khả năng khám phá đề tài mới lạ, độc quyền là một thế mạnh. Thường những cây bút này viết nhiều hơn nói, đi nhiều hơn ngồi trong phòng lạnh. Tác phẩm được xuất bản hoàn hảo là cái đích của họ luôn ngắm đến. Họ khám phá cách thể hiện trên cả báo giấy và báo điện tử. Họ xem sự khám phá không chỉ là công việc thường ngày mà còn là lẽ sống cần phải có của một người làm báo, sống vì nghề.
Tác giả (người cầm máy ảnh) trong một chuyến cùng Bộ đội quy tập Nghệ An đi tìm hài cốt liệt sĩ giữa rừng tại Lào, năm 2018
3. Mọi khám phá được thử nghiệm ở sự từng trải và tự nó tạo ra sức hút, lôi cuốn được sự dấn thân của người làm báo. Khi có đề tài hay, độc đáo thì nhà báo không thể ngồi yên, ngủ yên hoặc không thể ngon miệng với li bia, bữa tiệc đang dở dang trên bàn.
Khi có đề tài, nhà báo sẽ lặng lẽ tính toán đường đi, cách tiếp cận nhân vật, sự kiện dù đường xa mưa gió, dù đêm khuya hay rời nhà lúc mờ sáng.
Người viết nôn nóng với sự ra đời của bài báo không khác gì sự chờ mong một niềm vui đặc biệt nào đó đang đến với mình. Chính sự dấn thân càng có chiều sâu thì khi ngồi vào bàn viết, anh viết khá nhanh vì sự dấn thân đó cũng là lúc anh “viết” vào tâm trạng, trí não của mình rồi. Những tác phẩm báo chí như vậy rất dễ gây ấn tượng cho bạn đọc.
Sự dấn thân của nhà báo không phải cho bản thân mình mà cho chính bạn đọc vì họ đang chờ tác phẩm của tờ báo trong số báo mỗi sáng mai thức dậy. Một lần, tôi tìm gặp một giáo viên dạy Toán có tiếng ở Trường Đại học Vinh là nhân vật của đề tài giáo viên trẻ, vượt lên gia cảnh nghèo khó, bĩ cực để học giỏi, trở thành người nghiên cứu Toán học trẻ không chỉ của Đại học Vinh. Nhưng gặp được nhân vật này không dễ, vì họ là người mải mê làm khoa học, thích giấu mình, không thích dư luận biết đến qua báo chí.
Bỏ một đề tài quý hiếm thì tiếc lắm, nhưng vận dụng hết mọi quan hệ vẫn không tiếp cận được thầy giáo trẻ này. Hôm ấy, Tòa soạn báo Tuổi Trẻ gọi điện hỏi bài theo lịch đã hẹn. Tôi nói về khó khăn tiếp cận nhân vật đến lúc phải bó tay. Tòa soạn phản ứng ngay bằng câu “nhà báo không phải viết cho mình mà viết cho bạn đọc, nên phải có bài”. Rốt cuộc thì cũng có bài báo nhọc nhằn đó.
Nhọc nhằn nhưng thú vị vì qua cuộc đời sinh viên nghèo khó, qua cách học tập, làm gia sư đến các công trình nghiên cứu Toán học có sự tương tác với một số nhà Toán học quốc tế, giáo viên trẻ này gặt hái được một số thành công khiến những chuyên gia Toán học ngưỡng mộ. Để tiếp cận họ, tôi nhờ một người bạn là Phó giám đốc cơ quan của vợ thầy giáo ấy “can thiệp”. Viết xong bài báo, tôi nghĩ mình vừa trải qua một sự dấn thân của nghề.
Để nghề báo đẹp hơn, rất cần những nhà báo chân chính
4. Ba nội dung nêu trên có quan hệ biện chứng với kiến thức nền tảng của một người làm báo. Bởi đơn giản, kiến thức nền tảng sẽ giúp nhà báo sống vững, thậm chí sống giỏi bằng nghề. Hiện, nhiều người đến với nghề làm báo từ nhiều môi trường nghề nghiệp khác nhau.
Xin được hiểu, kiến thức nền tảng được trải rộng dưới hai dạng. Kiến thức liên quan đến lí luận, nghiệp vụ nghề báo và kiến thức khác rộng hơn về văn hóa xã hội. Hơn nữa, đó là văn học nghệ thuật. Đa số các phóng viên, nhà báo trẻ hiện nay không có một tủ sách bên bàn viết của mình. Có chăng, hàng ngày họ lướt nhanh các trang báo mạng, xem tin tức thời sự để tương tác là chủ yếu. Thiếu kiến thức nền tảng khiến họ gặp khó khi đụng tới những sự kiện, đề tài đòi hỏi chất liệu đắt giá, cần có để phỏng vấn và viết. Đây là một báo động cần thiết.
Một dịp, tôi được mời chấm giải báo chí của Hội Nhà báo tỉnh. Đa số các bài dự thi chỉ dưới mức trung bình. Khoảng 10% tác phẩm đạt từ trung bình đến khá. Không có tác phẩm xuất sắc. Tác phẩm dự thi được chi hội nhà báo các báo chọn lọc gửi dự thi nhưng không ít bài viết sai cả câu, dùng dấu chấm, phẩy cũng không đúng. Rõ ràng, phần đa chất lượng báo chí tại một số tỉnh đang “dẫm chân” ở mức viết báo nhưng chưa coi trọng những phẩm chất cần có của nghề làm báo đang ngày càng hiện đại hơn.
Mới hay, nghề nào cũng lắm công phu để có sản phẩm giá trị. Nghề báo, ngoài sự công phu, chịu khó cần có thêm năng khiếu hoặc truyền thống nghề nghiệp và sự đam mê rất đặc biệt mới có thể thành nghề với tấm thẻ Nhà báo trong tay./.
Theo Vũ Toàn/Người làm báo