Nhà báo Dương Đình Tuấn có nhiều trăn trở với cà phê Tây Nguyên.
Làm ở lĩnh vực nào cũng cần có tình yêu
Sinh ra tại miền đất quê hương Kinh Bắc (Bắc Ninh), nhà báo Dương Đình Tuấn (Phó trưởng phòng Phóng viên cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam - Tây Nguyên), khi còn là một thiếu niên anh theo gia đình vào Đắk Lắk. Vừa trồng cà phê vừa kinh doanh cà phê, anh dần hiểu về cà phê như một thứ thức uống không thể thiếu hàng ngày. Tuổi thơ đó dạy cho anh một cách nhìn từ bên trong, với cả mồ hôi, nước mắt, nụ cười đối với ngành hàng đặc thù của vùng đất Tây Nguyên.
Ra trường gắn bó với nghề phóng viên gần 20 năm, cũng từng đó thời gian anh cho ra những tác phẩm về mảnh đất cao nguyên này. Nhiều lĩnh vực được khai thác, đó là đề tài về: văn hóa Tây Nguyên, về đồng bào dân tộc, những già làng và cuộc sống ăn rừng, ngủ rừng đặc biệt là những bài viết về cà phê, những tâm huyết của người nông dân cả đời gắn bó với cây cà phê xanh mướt.
Nhà báo Dương Đình Tuấn tâm sự: “Tôi nghĩ rằng làm ở lĩnh vực nào cũng cần có tình yêu. Tình yêu sẽ thúc đẩy trách nhiệm, tự nguyện trả giá mà không thấy mệt mỏi. Chúng tôi yêu cây cà phê, yêu anh nông dân trồng cây cà phê, yêu chị bán quán cà phê… với tình yêu chân thành, vì thế những bài viết luôn có nhiều tâm tư, mong đợi. Có lẽ những cái đó đã đưa bài báo đến được đích của nó là được sự đón nhận của thính giả và độc giả”.
Viết ở nhiều đề tài, nhiều lĩnh vực dân sinh, nhưng có lẽ đề tài về nông nghiệp - cà phê vẫn luôn được anh khai thác sâu và mang dấu ấn riêng. Lần đầu tiên dự Giải Báo chí Quốc Gia, tác phẩm về cà phê của anh và đồng nghiệp đã đạt giải B Giải thưởng báo chí Quốc gia năm 2007. Đó là loạt 3 phóng sự “Nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trong môi trường WTO”.
Loạt bài nói về sự tiếc nối đối với cà phê Việt Nam với thị trường quốc tế. Chất lượng nổi danh một thời của cà phê Buôn Ma Thuột đã bị mai một. Do chất lượng nên giá cà phê của Việt Nam luôn bị trừ lùi so với cà phê các nước khác trên thế giới (trừ đi 100 – 300 USD/một tấn). Điều đáng tiếc nữa là Tây Nguyên có cà phê Robusta ngon nhất thế giới, nhưng luôn yếu thế do việc chế biến, bảo quản sau thu hoạch kém.
Anh Tuấn nhớ lại: “Loạt bài của chúng tôi không chỉ đề cập việc bảo quản chế biến, mà còn hướng tới chiều sâu văn hóa xã hội, đó là phát triển cà phê phải gắn với văn hóa, lịch sử, du lịch Tây Nguyên. Trong bài chúng tôi đã tham khảo nhiều tài liệu, gặp gỡ nhiều doanh nhân, chuyên gia, so sánh những thành công của cà phê một số nước trên thế giới để thấy rằng cà phê Việt đang thiếu gì, phải làm gì để thay đổi”.
Không chỉ trong loạt bài đạt giải, sau này anh Tuấn và đồng nghiệp vẫn tập trung vào vấn đề nông nghiệp cà phê và câu chuyện thương mại thế giới, nói lên chỗ đứng của Việt Nam đối với thị trường trong nước và trên thế giới. Không chỉ đơn giản là mở diện tích, đưa cà phê - nông sản Việt Nam ra thế giới mà còn là đưa thế giới đến với Việt Nam, làm sao để phát huy những giá trị cao nhất của đất nước, con người và sản vật của Tây Nguyên.
Phải lòng văn hóa Tây Nguyên
Làm phóng viên ở Tây Nguyên, thì hầu như ai cũng “phải lòng” con người, văn hóa Tây Nguyên với sự quyến luyến kỳ lạ. Ở đây có một nửa cán bộ, biên tập viên, phóng viên là người của các buôn làng Jarai, Êđe, Bana, Kơho, Mnong, Sêđăng, những tộc người đông dân nhất Tây Nguyên và cũng là kho tàng văn hóa truyền thống đồ sộ.
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.
Ảnh VOV-Tây Nguyên
Trong những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên đã được nâng lên đáng kể, dưới tác động của kinh tế thị trường, cùng với sự giao thoa văn hóa, đồng bào đã đầu tư xây dựng nhiều ngôi nhà xây rất khang trang. Phát triển kinh tế cũng luôn coi trọng phát triển văn hóa, không tách rời văn hóa phát triển con người, điều này khiến những nhà báo yêu Tây Nguyên tìm được đề tài phù hợp với tình yêu của mình..
Kể về văn hóa Tây Nguyên, anh Tuấn luôn toát lên niềm lạc quan vì nhận ra nhiều thay đổi tích cực. Anh cho rằng: “Khoảng cách giữa buôn làng và lòng phố, giữa bếp lửa nhà sàn và ánh đèn quán cà phê đang gần lại. Chính quyền các cấp có các tác động phù hợp để âm vang đại ngàn không chỉ mãi ở rừng sâu, mà hòa nhập với đời sống xã hội”.
Nhà báo Dương Đình Tuấn nhớ lại: “Báu vật sống ở các buôn làng, không còn chỉ là các già làng, nghệ nhân lớn tuổi mà có cả lớp trẻ tự tin, năng động, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Như hoa hậu H’Hen Niê cô đăng quang hoa hậu hoàn vũ, khiến tuổi trẻ ở nhiều buôn làng Đăk Lăk hứng khởi. Điều đáng mừng mọi người quay lại tìm đến trang phục truyền thống của người Ê Đê trước đó tưởng như đã mai một. Trở thành trào lưu, mỗi thanh niên nam nữ trước khi cưới nhau đều có một bộ đồ thổ cẩm truyền thống, điều này giúp nghề dệt ở các buôn Ê-đê dần được khôi phục”.
Vun đắp tình yêu nghề, gắn bó với những buôn làng
Đời sống báo chí ở Tây Nguyên giờ dần sôi động trong sự phát triển số. Quá trình phát triển kinh tế xã hội, nhiều nhà báo phóng viên phản ánh tồn tại, bất cập, đã có tình trạng thông tin về mặt trái của xã hội tràn ngập các trang báo.
Nằm ở thượng nguồn của sông Sêrêpôk đoạn chạy qua tỉnh Đắk Nông, thác Gia Long là
một trong những ngọn thác hùng vỹ nhất của núi rừng Tây Nguyên. Ảnh vov.vn
Trong bối cảnh đó, nhiều nhà báo, phóng viên vẫn luôn cố gắng để làm nổi bật những bài viết hay về con người và văn hóa Tây Nguyên. “Tôi luôn tôn trọng mọi bài báo đúng sự thật, dù tiêu cực hay tích cực. Nhưng bản thân tôi luôn muốn có những sản phẩm báo chí khai thác được những điều hay ở mảnh đất Tây Nguyên này, đó là những tin bài về văn hóa cổ truyền của từng dân tộc, tuyên truyền những cái hay, những gương người tốt việc tốt, để lan tỏa những điều cao quý trong xã hội” nhà báo Dương Đình Tuấn tâm sự.
Chia sẻ về kỹ năng phỏng vấn đồng bào dân tộc, nhà báo Dương Đình Tuấn cho biết: “Người Tây Nguyên sẽ hoài nghi khi mình vừa đến đã hỏi phỏng vấn luôn, họ sẽ chần chừ. Vậy nên phải cố gắng làm quen trước. Đầu tiên là những câu hỏi gần gũi như người thân lâu ngày không gặp hay trò truyện với những em bé nhỏ...”
Nhờ những kỹ năng phỏng vấn đó, anh dần tiếp cận được nhiều già làng trưởng bản, họ gần gũi, phóng khoáng và họ cũng thấy được sự chân thành, thân thiện của một nhà báo Tây Nguyên. Không sinh ra ở Tây Nguyên nhưng mảnh đất đại ngàn này như quê hương thứ hai của anh, đã vun đắp cho anh một tình yêu nghề, mãi gắn bó với những buôn làng.
Khi được hỏi về điều gì khiến anh gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên này anh chia sẻ: “Đến địa phương nào, hãy trở thành công dân của địa phương ấy. Đến tổ chức nào, hãy trở thành thành viên của tổ chức ấy. Nếu làm được điều này, tôi nghĩ mọi việc sẽ trôi chảy”.
Theo Lê Hiếu/ Báo Nhà báo và Công luận