Thứ tư, ngày 02/07/2025
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Phóng viên có nên xuất hiện trong phóng sự điều tra (08/10/2020-0748)
    Trưa ngày 10/9, tôi được xem phóng sự điều tra của chương trình Chuyển động 24 giờ trên kênh VTV1 về nạn khai thác vàng trái phép ở thượng nguồn con sông gây ảnh hưởng đến thành phố Đà Nẵng. Phóng viên rất có nghiệp vụ khi xác định tốt trọng tâm câu chuyện, những hình ảnh ấn tượng về hóa chất sử dụng khai thác vàng. Tuy nhiên, điều khiến tôi lo lắng cho đồng nghiệp trẻ là bạn ấy lại xuất hiện dẫn chương trình tại hiện trường?
Phóng viên có nên xuất hiện trong phóng sự điều tra
Có nên xuất hiện trên truyền hình
Tôi thực sự lo cho sự an toàn của phóng viên?
Phóng viên làm điều tra có nên xuất hiện rõ mặt, rõ tên không? Các ban biên tập, kênh truyền hình có nên cho phóng viên xuất hiện trong phóng sự điều tra? Tôi buộc phải lên tiếng với tư cách một phóng viên đã có nhiều năm công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam. Đáng báo động!
Nhìn lại các tờ báo trong những năm 90 của thế kỷ trước, các bài điều tra thường ghi cuối các bài viết là nhóm phóng viên điều tra của Báo Lao động hay Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ… Điều này rất chính xác khi giữ bí mật và sự an toàn cho phóng viên điều tra. Hiện nay, trên báo in vẫn xuất hiện “Nhóm phóng viên điều tra” sau các phóng sự điều tra.
Còn với truyền hình cùng với sự phát triển quá nóng nên các chương trình, các kênh truyền hình khuyến khích phóng viên dẫn hiện trường. Điều này rất tốt, vì phóng sự sẽ chân thực, dễ hiểu và thuyết phục người xem. Thực chất dẫn hiện trường là một kỹ năng, một thủ pháp tác nghiệp của truyền hình hiện đại.
Tuy nhiên trong phóng sự điều tra thì sao? Các đài truyền hình nên có quy định cho phóng viên điều tra như: Không lộ mặt, không dẫn hiện trường, không tự đọc phóng sự điều tra… để đảm bảo an toàn cho phóng viên của mình.
Một phóng viên có tên tuổi ở VTV trong một phỏng vấn nhân dịp phóng viên lọt top 5 người ấn tượng của VTV Award đã khẳng định: Tôi thích dẫn hiện trường trong phóng sự điều tra dù biết nguy hiểm! Tôi thực sự “cạn lời” với phóng viên ấy! Phóng viên muốn đổi tính mạng và sự an toàn cho sự nổi tiếng? Khi bất chấp sự an toàn của bản thân và sự an tâm của người thân?
Các nhà báo tác nghiệp tại hiện trường một vụ phá rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Bài học từ những phóng viên quốc tế
Một nhà báo quốc tế khi giảng dạy cho các phóng viên của VTV trong thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 ra biển Đông chia sẻ: “Các bạn là phóng viên đi săn tin tức. Đừng biến mình thành tin tức!”. Chia sẻ đó khiến tất cả phóng viên tham gia khóa học đều tâm đắc và thấm thía!
Nhà báo Sean Walker, Điều phối viên cao cấp “Hậu cần tại Hiện trường” của CNN tại Hongkong chia sẻ, khi nói đến đảm bảo an ninh, an toàn, mọi người thường chỉ nghĩ đến các điểm nóng như chiến tranh, xung đột vũ trang, khủng bố. Thế nhưng, công tác an toàn tại nơi tác nghiệp còn là ở những nơi như môi trường xa lạ với phóng viên, nơi bệnh tật hoành hành, thiên tai, sự cố hạt nhân. Do phóng viên nhiều khi chỉ mải mê chạy theo tin tức mà quên đi các nguyên tắc an toàn, nên công việc của chuyên gia an ninh là phải luôn sát cánh bên họ.
Đối với một hãng tin tức, các hoạt động sau là không thể thiếu: Đào tạo cơ bản về các kiến thức chăm sóc y tế cho toàn bộ nhân viên, phóng viên, biên tập. CNN thường thuê một số công ty đào tạo khóa học này. Nội dung tập huấn: Chăm sóc y tế ban đầu, các kỹ năng sinh tồn, cách sử dụng mặt nạ khí gas v.v.. Tất cả nhân sự đều phải tham gia khóa đào tạo này, bởi nếu trong ê-kíp hiện trường chỉ có một người đã qua đào tạo sẽ rất rủi ro nếu như đúng người đó bị thương nặng.
Đối với từng địa điểm làm tin cụ thể mà CNN sẽ có khóa huấn luyện riêng, chuyên sâu hơn. Ví dụ, về cách phòng chống bệnh Zika (Brazil, Mexico), Mers (Hàn Quốc), an toàn hạt nhân (Fukushima), v.v.. Các khóa học này có thể do những người đã có kinh nghiệm tại CNN thực hiện hoặc thuê chuyên gia bên ngoài giảng dạy.
Có cơ sở dữ liệu, bao gồm thước đo đánh giá về mức độ rủi ro của các điểm nóng trên thế giới. Trên cơ sở đó, chuyên gia an ninh sẽ đưa ra khuyến nghị là “không” được tiếp cận địa điểm nào, hoặc các khuyến nghị mà ê-kíp sản xuất cần thực hiện để đảm bảo an ninh.
Tôi thấy buộc phải viết bài viết này để cảnh báo về làn sóng dẫn hiện trường trong các phóng sự điều tra từ Đài Truyền hình Việt Nam đến các đài phát thanh truyền hình địa phương.
Trả lời câu hỏi của nhà báo Hải Yến, nhà báo Lê Anh Phương, Trưởng đại diện của Đài Truyền hình Việt Nam tại Trung Đông bày tỏ quan điểm, trước hết, xin khẳng định một điều: Không bao giờ có việc chúng tôi tác nghiệp khi không đảm bảo được mức độ an toàn nhất định cho bản thân. Có một nguyên tắc bất di bất dịch, không chỉ với chúng tôi mà với bất cứ phóng viên nào, khi tác nghiệp tại những điểm nóng, đó là không có tin tức nào quan trọng hơn mạng sống, phóng viên phản ánh tin tức chứ không biến mình thành tin tức./.
Theo Vũ Quang/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Người làm báo phải giữ vững được bản lĩnh, có kiến thức và thực sự yêu nghề (06/10/2020-9:02)
  • Câu chuyện cảm động của vợ chồng nhà báo-chiến sỹ TTXVN (05/10/2020-10:29)
  • Nhà báo Dương Đình Tuấn và 20 năm gắn bó với núi rừng Tây Nguyên (22/09/2020-19:50)
  • Trao giải thưởng và khai mạc Triển lãm ảnh "Hành trình Di sản 2020" (22/09/2020-19:46)
  • Báo Nam Định lần đầu có nữ Tổng biên tập (20/09/2020-15:01)
  • Nhà báo trước những thách thức thường ngày (20/09/2020-14:58)
  • Thấp thoáng tình đời sau trang viết (18/09/2020-15:40)
  • Báo chí chung tay làm sạch chính mình: Báo chí đi chệch hướng là đánh mất sứ mệnh của mình (17/09/2020-17:45)
  • Nhà báo Minh Quang và hành trình cứu rừng xanh Tây Nguyên (17/09/2020-17:42)
  • 75 năm TTXVN: Những chuyến tác nghiệp khó quên trên đất Mỹ (16/09/2020-13:33)