Thứ sáu, ngày 29/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Ngăn chặn vi phạm, bảo vệ bản quyền số trong lĩnh vực báo chí xuất bản (16/12/2020-11:33)
    Ngày 14/12, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Bản quyền số - đơn vị trực thuộc Hội. Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng... cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.
 Ông Nguyễn Minh Hồng giới thiệu đôi nét về Trung tâm Bản quyền số.
Giới thiệu về Trung tâm Bản quyền số, Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng cho biết: Trung tâm có 2 nhiệm vụ chính: Thứ nhất là Bảo vệ bản quyền số trong lĩnh vực báo chí xuất bản, các tác phẩm văn học nghệ thuật, các lĩnh vực công nghệ số; Thứ hai là khai thác bản quyền số nhằm mục đích phổ biến các tác phẩm số nhiều hơn tới các đối tượng, nhằm mang lại lợi ích nhiều hơn cho các nhà sáng tạo nội dung.
 
Để thực thi nhiệm vụ có hiệu quả, Trung tâm Bản quyền số có các giải pháp công nghệ giúp cho các đối tác có sản phẩm cần bảo vệ có thể theo dõi tình trạng của sản phẩm theo thời gian thực, xem tác phẩm của mình có bị vi phạm không và bị vi phạm bao nhiêu phần trăm. Công cụ này sẽ đưa ra các cảnh báo, từ đó giúp đối tác tiến hành ngăn chặn việc vi phạm. Ngoài ra, Trung tâm cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt chức năng giám sát và bảo vệ bản quyền.
VDCA cam kết sẽ quan tâm, ủng hộ cho các hoạt động của Trung tâm Bản quyền số. Từ góc độ là Chủ tịch Hội đồng quản lý của Trung tâm, ông cũng nói rằng Trung tâm cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các cam kết với đối tác cũng như mục tiêu Trung tâm đã đề ra, đảm bảo quyền lợi hợp pháp và đem lại lợi ích cho các nhà sáng tạo nội dung.
Ông Hoàng Đình Trung – Giám đốc Trung tâm Bản quyền số cho biết, để bảo vệ bản quyền các tác phẩm trên môi trường số, Trung tâm sử dụng hai giải pháp công nghệ là: DDC VDRM (giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung video cho báo chí) và DDC Watcher: Hệ thống lắng nghe dò quét, phát hiện và cảnh báo vi phạm bản quyền báo chí, âm nhạc, ấn bản điện tử. Hiện phạm vi dò quét của hai công nghệ nói trên đang phủ khoảng 600 đầu báo, forum, blog, 90 triệu profile Facebook, 2 triệu page và 3 triệu group trên các mạng xã hội như Facebook và YouTube, và tương lai sẽ mở rộng ra nhiều mạng xã hội khác như Lotus, Gapo.
Ông Trung cho biết mục tiêu năm 2020 của Trung tâm là hoàn thiện giải pháp quét bản quyền cho lĩnh vực báo chí, văn học. Đến năm 2021 triển khai quét bản quyền bằng video, hình ảnh, âm thanh. Năm 2022 sẽ hoàn thiện hệ thống chỉ số vi phạm và chỉ số tuân thủ bản quyền. Năm 2023 thực hiện triển khai sàn giao dịch bản quyền trên môi trường số.
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Hồ Quang Lợi nhận xét: “Tôn trọng bản quyền và bảo vệ bản quyền là vấn đề pháp lý và đạo đức. Chúng ta đang sống trong thời đại truyền thông kỹ thuật số. Việc vi phạm bản quyền trên nhiều lĩnh vực đang diễn ra thường xuyên, liên tục, thường ngày ở tất cả các cấp. Bên cạnh việc cố ý vi phạm bản quyền thì nhiều người còn hiểu không đầy đủ về bản quyền nên họ vi phạm vô tư và hồn nhiên”.
Nói riêng về bản quyền trong lĩnh vực báo chí, nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ có 42.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí, có 27.000 hội viên Hội Nhà báo công tác tại gần 1.000 cơ quan báo chí trên cả nước. Một ngày có hàng vạn, hàng chục vạn tin bài được xuất bản. Nhiều cơ quan báo chí đã phát hiện tình trạng vi phạm bản quyền tin bài khiến họ bị thiệt hại lớn về uy tín và kinh tế. Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng: phải ngăn chặn và chấm dứt tình trạng vi phạm bản quyền báo chí diễn ra thường xuyên hiện nay. Hiện Hội Nhà báo đã ứng dụng một phần mềm để giám sát việc đăng bài, gỡ bài trên báo điện tử, trang tin điện tử, góp phần phát hiện và phần nào thiết lập được kỷ cương trong hoạt động báo chí điện tử.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nói rằng năm 2020 được xác định là năm Chuyển đổi số. Một trong ba trụ cột của chuyển đổi số là kinh tế số. “Trong nền kinh tế số thì giá trị của một tổ chức, doanh nghiệp không được xác định bằng tài sản hữu hình nữa mà thay vào đó là tài sản vô hình – chính là dữ liệu số và nội dung số mà doanh nghiệp đó sở hữu. Chẳng hạn như Grab không sở hữu bất cứ chiếc xe nào, YouTube không sở hữu bất kỳ rạp chiếu phim vật lý nào. Những ví dụ trên cho thấy sự cần thiết của bảo vệ bản quyền dữ liệu và nội dung trên môi trường số, là vấn đề sống còn của nền kinh tế số. Sự tồn vong của các cơ quan, doanh nghiệp ngày càng phụ thuộc vào các tài sản vô hình nhưng mang giá trị hết sức đặc biệt này”.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết: Theo thống kê của Trung tâm đo kiểm Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, trong 2 tháng cuối năm 2020 đã phát sinh mới 66 trang web vi phạm bản quyền trên lãnh thổ Việt Nam. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Trung tâm Bản quyền số thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam là một bước tiến mới nhằm bảo vệ bản quyền số trên môi trường mạng, là hoạt động vô cùng thiết thực đối với các đơn vị sản xuất nội dung số.
Cũng trong buổi lễ này, Trung tâm Bản quyền số đã ký kết hợp đồng bảo vệ và khai thác bản quyền với Hội nhà văn, Kênh truyền hình VOV, báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, Thời báo Văn học Nghệ thuật, Hội Thể thao Điện tử Giải trí.
Theo PV/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Người làm báo với đôi chân trần nhưng mang ý chí thép (15/12/2020-12:57)
  • Nhà báo Hồng Điệp và hành trình đến với đồng bào dân tộc Bahnar (14/12/2020-22:44)
  • Nhân kỷ niệm 56 năm ngày Báo Giải Phóng xuất bản số đầu tiên (20/12/1964-20/12/2020: Nhà báo Nguyễn Thành Lê - Người Tổng Biên tập khiêm nhường, tài năng và nhân hậu (09/12/2020-11:56)
  • Nhà báo, NSNA Hoàng Kim Đáng và sức hút lớn với công việc (07/12/2020-11:06)
  • Hiện tượng phóng viên “tống tiền”: Không thể đổ lỗi cho cơ chế thị trường (07/12/2020-11:00)
  • Chủ tịch xã xử phạt vi phạm báo chí: Đừng hiểu sai, áp dụng không đúng! (04/12/2020-12:12)
  • Thanh Hóa: Phóng viên Báo Người Lao Động 4 lần bị ném chất bẩn vào nhà. (02/12/2020-16:28)
  • Nhà báo Trần Nhật Minh - Những câu chuyện một thời... (01/12/2020-12:33)
  • Tác nghiệp mùa dịch Covid-19 và những trải nghiệm không phai nhòa (30/11/2020-9:11)
  • Đổi mới công tác tuyên truyền đối ngoại của lực lượng báo chí (26/11/2020-15:36)